Thứ 4, 31/07/2024, 11:22[GMT+7]

An toàn phòng cháy chợ và trung tâm thương mại Còn đó những nỗi lo

Thứ 6, 11/10/2013 | 08:57:10
1,554 lượt xem
Từ tháng 9 năm 2010 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 87 vụ cháy, 7 vụ nổ, làm chết 7 người, bị thương 21 người, gây thiệt hại về tài sản trị giá trên 26 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số đơn vị, địa phương, nhất là cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa thực sự quan tâm chỉ đạo công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

Các ki ốt kinh doanh tại chợ Bo (Thành phố Thái Bình). Ảnh tư liệu: Ngọc Linh

Vào thời điểm đầu năm và tháng 9 năm 2013, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH phối hợp cùng công an các huyện, thành phố tiến hành 2 đợt kiểm tra an toàn PCCC chuyên đề chợ và trung tâm thương mại, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả đã phát hiện và kiến nghị 786 nội dung liên quan đến công tác bảo đảm an toàn PCCC. Lập biên bản xử lý nhiều trường hợp vi phạm, đồng thời kiến nghị, yêu cầu cơ sở khắc phục. Tuy nhiên, ở một số cơ sở, việc chấn chỉnh những mặt tồn tại, thiếu sót dường như không được coi trọng. Nhất là ở một số chợ và trung tâm thương mại tại địa bàn Thành phố Thái Bình.

 

Chợ Quang Trung, thuộc địa bàn phường Quang Trung (Thành phố Thái Bình) có diện tích 8.500m2, với trên 250 hộ kinh doanh để hàng hóa qua đêm, chủ yếu là hàng may mặc. Tại những lối đi trong chợ, hầu hết các hộ kinh doanh đều làm mái tôn, căng bạt che kín, tận dụng diện tích để xếp hàng nên không bảo đảm an toàn PCCC. Hệ thống và thiết bị chữa cháy của chợ, có 1 bể nước ngầm khoảng 40m3, 1 máy bơm điện công suất lớn cung cấp cho 5 họng nước và một số bình bột chữa cháy theo tiêu chuẩn.

 

Tại đây, khi cán bộ kiểm tra yêu cầu đóng điện máy bơm để nhận biết mức độ cấp nước, máy bơm hoạt động nhưng không đẩy được nước tới các điểm đặt vòi cố định. Nguyên nhân của sự cố, được ông Nguyễn Ngọc Thiềng, Tổ trưởng bảo vệ chợ cho biết: “Do hệ thống máy bơm và các họng nước chữa cháy trang bị đã lâu nên khi khởi động ban đầu, máy bơm có một số trục trặc, chúng tôi sẽ đề xuất với Ban quản lý chợ để khắc phục ngay”. Tiến hành đồng thời với công tác kiểm tra, các cán bộ Cảnh sát PCCC và CNCH đã tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ Ban quản lý chợ và đại diện cụm các quầy kinh doanh về những quy định an toàn PCCC, cách sử dụng bình bột, dụng cụ chữa cháy và một số thao tác cứu chữa cháy đạt hiệu quả.

 

Chợ Bo, chợ trung tâm của Thành phố Thái Bình, có diện tích tổng thể 16.000m2, trong đó có 4.000m2 ki-ốt, trên 8.000m2 là đường giao thông và bến bãi. Chợ được thiết kế xây dựng 2 tầng, nhiều cửa ra, vào thuận tiện cho kinh doanh buôn bán, với gần 300 hộ kinh doanh, chủ yếu tập trung ở tầng dưới. Hàng năm, Ban quản lý chợ thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền Luật PCCC các quy định về PCCC, xây dựng và tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng chữa cháy cơ sở, nâng cao ý thức trách nhiệm cho mọi người về công tác PCCC.

 

Ngay từ khi xây dựng chợ, đơn vị chủ quản đã quan tâm đầu tư hệ thống PCCC tương đối hoàn thiện. Với hệ thống bể chứa và cung cấp nước trữ lượng lớn, hệ thống báo cháy tự động, hệ thống cấp nước chữa cháy vách tường, trụ nước chữa cháy xung quanh khu vực chợ và các loại bình bột, dụng cụ phục vụ chữa cháy. Tuy vậy, qua nhiều năm khai thác, đến nay quy mô kinh doanh của chợ Bo lớn gấp nhiều lần so với ban đầu, song việc đầu tư nâng cấp, bảo dưỡng hệ thống PCCC hầu như không được coi trọng, một số hệ thống, thiết bị, dụng cụ đã bị hỏng, hết hạn sử dụng không được sửa chữa, khắc phục.

 

Cán bộ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy kiểm tra hệ thống cấp nước chữa cháy tại chợ Bo (Thành phố Thái Bình). Ảnh: Tất Đãm

 

Vừa qua Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã khảo sát công tác thực hiện Luật PCCC tại Ban quản lý chợ Bo. Thông qua việc khảo sát nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, khắc phục những mặt tồn tại, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lực lượng chức năng, cán bộ nhân dân và các hộ kinh doanh chủ động thực hiện công tác PCCC ở cơ sở. Tuy nhiên, công tác kiểm tra chấn chỉnh những tồn tại của Ban quản lý chợ chưa kịp thời, vẫn còn tình trạng tập kết hàng hóa, để xe máy lấn chiếm đường giao thông các lối ra vào chợ, gây cản trở, không bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC, các tiêu lệnh chữa cháy cũ, mờ, nơi để dụng cụ chữa cháy bị che lấp... gây cản trở cho việc cứu chữa cháy khi xảy ra sự cố.

 

Thực tế cho thấy, tại địa bàn Thành phố Thái Bình vẫn còn tồn tại nhiều cơ sở kinh doanh thương mại cũ nát, xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm nay, tiềm ẩn nguy cơ gây cháy, nổ, nhưng công tác PCCC dường như bị xem nhẹ. Cửa hàng công nghệ phẩm Lê Lợi do Công ty cổ phần Thương mại và Sản xuất Thái Bình quản lý là một ví dụ. Tại cửa hàng, những năm trước đây do sơ xuất trong việc sử dụng điện nên đã xảy ra cháy, gây thiệt hại lớn về tài sản. Hiện nay, hầu hết các hộ thuê kinh doanh tại đây đều bán những mặt hàng làm từ chất liệu dễ cháy. Nhưng công tác PCCC tại khu vực này vẫn bị bỏ ngỏ, Công ty thì quan tâm nửa vời, còn người thuê kinh doanh thì lo đến đâu hay đến đó. Nếu có xảy ra sự cố cháy thì hậu quả sẽ khôn lường.

 

Có thể nói, công tác PCCC luôn là trách nhiệm quan trọng của các cấp, các ngành, là nghĩa vụ, trách nhiệm của mọi công dân được quy định trong Luật PCCC. Chủ động phòng cháy, tích cực chữa cháy là biện pháp và hành động tích cực giảm thiệt hại về tài sản, tính mạng do cháy, nổ gây ra.

Tất Đãm

(Công an tỉnh)

 

  • Từ khóa