Thứ 3, 30/07/2024, 13:18[GMT+7]

Bảo tàng Thái Bình 25 năm một chặng đường

Thứ 4, 30/03/2011 | 07:57:35
1,256 lượt xem
Hơn 55 năm hình thành và phát triển và trải qua 25 năm chính thức thành lập, dù chặng đường nào, cán bộ, nhân viên Bảo tàng Thái Bình luôn tự hào với truyền thống quê hương, không ngừng phấn đấu hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trưng bày và giới thiệu hiện vật tại Bảo tàng Thái Bình.

Bảo tàng Thái Bình là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở VHTT và DL, chính thức được thành lập theo Quyết định 116/QD-UB ngày 01-4-1986, đến nay tròn 25 năm. Với chức năng nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày các tài liệu hiện vật phản ánh lịch sử đất nước và tỉnh Thái Bình qua các thời kỳ và một số nhiệm vụ khác. Dù ở giai đoạn nào, cán bộ nhân viên Bảo tàng Thái Bình cũng phát huy vai trò trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống và đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

 

Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển, Bảo tàng tỉnh có bề dày truyền thống gắn liền với sự phát triển của ngành Văn hoá Thông tin Thái Bình. Ngay từ khi Ty Văn hoá Thái Bình được thành lập (1955) thì công tác bảo tồn bảo tàng cũng được bắt đầu.

 

Từ ban đầu chỉ có một cán bộ làm công tác bảo tồn bảo tàng (thuộc Phòng Văn hoá quần chúng), đến khi thành lập Phòng Bảo tồn Bảo tàng (1962) với biên chế tăng hơn, công tác bảo tồn bảo tàng thời kỳ này đã vượt mọi khó khăn, ghi danh những mốc son thành tích.  Hai di tích có giá trị là Chùa Keo và Đình An Cố cũng được xếp hạng di tích cấp Nhà nước đầu tiên của tỉnh vào năm 1962.

 

Thời kỳ chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Uỷ ban hành chính tỉnh, toàn bộ cán bộ bảo tồn bảo tàng đã cùng cán bộ ngành văn hoá hướng về cơ sở, vừa sản xuất phục vụ chiến đấu vừa sưu tầm những tài liệu, hiện vật, phản ánh lịch sử sôi động, oanh liệt của quân và dân Thái Bình qua các thời kỳ. Giai đoạn này, hàng ngàn tài liệu quý hiếm đã kịp thời được sưu tầm, lưu trữ. Cũng giai đoạn này, do làm tốt công tác tham mưu mà công tác bảo tồn bảo tàng nhận được nhiều sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền và quần chúng nhân dân. Các di tích quan trọng của tỉnh như chùa Keo, đình An Cố, khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, khu lưu niệm Bác Hồ được Tỉnh uỷ, ủy ban hành chính tỉnh quan tâm xây dựng, bảo tồn và phát huy tác dụng.

 

Sau này thống nhất đất  nước, phòng bảo tồn bảo tàng đã có sự phát triển hơn về nhân lực. Nhiều cán bộ trẻ có trình độ đại học được bổ sung đã cùng với lớp cán bộ cũ phát huy trình độ năng lực và kinh nghiệm, đoàn kết, vượt mọi khó khăn hướng về cơ sở, sâu sát với quần chúng nhân dân, được nhân dân giúp đỡ sưu tầm hàng ngàn tư liệu, hình ảnh quý. Thời kỳ này, đơn vị đã phối hợp với Nhà Triển lãm tổ chức hai cuộc trưng bày lớn vào năm 1976 và 1983 ở các di tích lịch sử lớn trong tỉnh, đã ghi dấu ấn quan trọng về công tác trưng bày.

 

Cũng giai đoạn này, nhiều di tích lịch sử văn hoá đã được nghiên cứu xếp hạng cấp Quốc gia. Nhiều di tích lớn được trùng tu sửa chữa. Đặc biệt, di tích khảo cổ Tam Đường xã Tiến Đức huyện Hưng Hà được khai quật hai lần vào năm 1978 và 1980 và các đợt thám sát khác với nhiều kết quả, được các cấp có thẩm quyền ghi nhận. Di tích được xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 1989, là tiền đề để xây dựng quần thể khu di tích đền Trần hoành tráng như ngày nay đưa vào phục vụ quần chúng nhân dân và sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hoá xã hội của tỉnh.

 

Năm 1986, năm đánh dấu bước ngoặt sang trang mới đối với công tác bảo tồn bảo tàng và những người làm công tác bảo tồn bảo tàng. Sở Văn hoá Thông tin được thành lập, Phòng bảo tồn bảo tàng giải thể và Bảo tàng tỉnh ra đời với chức năng nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày giới thiệu các tài liệu hiện vật bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá trong tỉnh.

 

Bảo tàng tỉnh ra đời là sự kiện quan trọng trong lịch sử phát triển của ngành văn hoá thông tin Thái Bình, đánh dấu sự quan tâm sâu sắc của các cấp các ngành trong tỉnh và Cục Di sản Văn hoá, Bộ VHTT. Từ ban đầu với bốn gian nhà cấp bốn và một nhà kho, Bảo tàng tỉnh hiện nay được đầu tư xây dựng to đẹp với tổng diện tích mặt bằng 14.000m2, diện tích xây dựng 3000m2, đưa vào sử dụng từ 2003.  Cùng với được đầu tư về cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức của đơn vị được kiên toàn và bề dày thành tích của đơn vị liên tục được bổ sung. Phát huy lợi thế vị trí là bảo tàng có cảnh quan, không gian thoáng, rộng, đẹp, kiến trúc hiện đại kết hợp truyền thống với ba tầng, trưng bày trên 3000 tài liệu, hiện vật, hình ảnh phong phú, Bảo tàng tỉnh đã liên tục mở cửa phục vụ quần chúng nhân dân trong và ngoài tỉnh.

 

Những năm gần đây, bình quân mỗi năm có 20.000 lượt khách đến bảo tàng tham quan, học tập, nghiên cứu. Số hiện vật sưu tầm được hoặc được hiến tặng ngày càng tăng và được tổ chức trưng bày đã phát huy giá trị, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng. Công tác bảo tồn phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn, đã có nhiều dự án lớn được triển khai như dự án xây dựng đền Trần, tu bổ chùa Keo, đền Tiên La, đình Ngừ, đình Khuốc.

 

Tính đến nay, Bảo tàng tỉnh đã nghiên cứu, xếp hạng hàng trăm di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia và gần năm trăm di tích cấp tỉnh, góp phần vào công tác bảo tồn và lưu giữ các giá trị văn hoá cho muôn đời sau. Đặc biệt dự án xây dựng đền Trần, bảo tồn các ngôi mộ vua đầu triều Trần ở Tiến Đức (Hưng Hà) đã khẳng định vị thế vai trò của Bảo tàng tỉnh trong công tác tham mưu, nghiên cứu, xếp hạng, tu bổ và tuyên truyền phát huy các giá trị di tích lịch sử.

 

Hơn 55 năm hình thành và phát triển và trải qua 25 năm chính thức thành lập, dù chặng đường nào, cán bộ, nhân viên Bảo tàng tỉnh luôn tự hào với truyền thống quê hương, không ngừng phấn đấu hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

 

Đặc biệt năm 2010 vừa qua, năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và của tỉnh, Bảo tàng tỉnh đã góp phần vào việc tổ chức thành công các sự kiện với hai cuộc trưng bày lớn phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh; xuất bản sách Bảo tàng tự giới thiệu phục vụ quần chúng nhân dân nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, 120 năm thành lập tỉnh và Đại hội Đảng các cấp.  Ghi nhận những cống hiến suốt chặng đường qua, Bảo tàng tỉnh đã vinh dự được Chính phủ, Bộ VHTT và DL, UBND tỉnh và Sở VHTT và DL tặng thưởng nhiều bằng khen, cờ thi đua, giấy khen và nhiều phần thưởng ý nghĩa khác.

 

Cùng ôn lại chặng đường hình thành và phát triển với bề dày thành tích, cán bộ nhân viên Bảo tàng tỉnh nêu quyết tâm đồng lòng phấn đấu, tiếp tục tiếp nối các thế hệ đi trước, đóng góp trí tuệ, cống hiến cho sự nghiệp bảo tàng – nơi lưu giữ lửa thiêng truyền thống của quê hương Thái Bình - với những thành tích cao nhất. Tin rằng thời gian tới, Bảo tàng Thái Bình sẽ tiếp tục phát huy vai trò, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và trở thành đơn vị tiêu biểu của ngành văn hoá.

      

 Bài, ảnh: Hà Dung

 

  • Từ khóa