Cảnh báo nguy cơ thiếu hụt lao động nghành dệt may
Sự biến động về lực lượng lao động, nhất là với đội ngũ công nhân lành nghề đã ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược phát triển sản xuất- kinh doanh của các doanh nghiệp, thậm chí làm nảy sinh tình trạng cạnh tranh thu hút lao động không lành mạnh giữa các doanh nghiệp dệt may với nhau.
Hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh có gần 150 doanh nghiệp dệt may. Phần lớn các doanh nghiệp dệt may đều tập trung tại các khu- cụm công nghiệp ở khu vực thành phố và thị trấn các huyện. Trong đó, chỉ riêng KCN Nguyễn Đức Cảnh (Thành phố) đã thu hút hàng chục doanh nghiệp dệt may lớn, một số doanh nghiệp sử dụng tới cả ngàn lao động như Công ty may Hưng Nhân, Công ty cổ phần Đại Cường, Công ty dệt sợi Đam san...
Toàn ngành dệt may tỉnh ta đang tạo việc làm cho trên 60.000 lao động, đây là ngành thu hút nhiều lao động nhất so với các ngành công nghiệp khác. Đặc điểm nổi bật của lao động dệt may là: đa số là nữ giới (chiếm hơn 80% tổng số lao động); phần lớn có tuổi đời từ 18- 40; hầu hết lao động dệt may đều xuất thân từ khu vực nông nghiệp- nông thôn- nông dân. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp dệt may lại tập trung ở khu vực đô thị nên việc thu hút lực lượng lao động tại chỗ rất khó khăn. Đa số lao động dệt may đều từ nơi khác đến, có thể từ xã lên huyện hoặc từ huyện lên tỉnh. Chính vì vậy, sẽ có một lực lượng không nhỏ lao động dệt may phải thuê nhà tại các đô thị để ở và chịu mức giá sinh hoạt như người dân thành phố, thị trấn.
Thời gian qua, tình hình lạm phát diễn biến ngày càng phức tạp, giá cả hầu hết các mặt hàng thiết yếu đều tăng. Với công nhân ngành may thì tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước và tiền mua thực phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày cũng tăng “chóng mặt” trong khi thu nhập của họ không tăng tương ứng dẫn tới đời sống gặp nhiều khó khăn.
Nhiều người đã phải chi phí tới 1/2, thậm chí 2/3 thu nhập hàng tháng cho việc thuê nhà trọ và sinh hoạt tối thiểu hàng ngày. Khoản tiền mà họ tiết kiệm được còn lại không đáng là bao. Ngay cả với những công nhân có nhà gần nơi làm việc, không phải thuê nhà trọ thì chi phí xăng xe đi lại kết hợp với giá cả sinh hoạt ngày càng đắt đỏ cũng khiến đời sống của họ gặp nhiều khó khăn dù đã rất tiết kiệm chi phí. Theo ông Hoàng Công Xuân- Chủ tịch Công đoàn ngành Công thương thì đây chính là nguyên nhân sâu xa và quan trọng nhất dẫn đến việc biến động, thiếu hụt lao động ngành dệt may thời gian qua.
Nếu như trước đây mức độ biến động thiếu hụt chỉ vào khoảng 5% thì nay đã tăng lên mức 8- 10%. Có doanh nghiệp đã ngừng hoạt động cả một chuyền sản xuất do thiếu tới cả trăm công nhân. Thời gian biến động nhiều nhất thường là vào dịp sau Tết Nguyên đán. Sự biến động về lao động đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất- kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may. Một số doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nhà xưởng mới nhưng không tuyển dụng đủ số lao động cần thiết gây lãng phí về tiền vốn. Một số doanh nghiệp đã phải thực hiện tăng ca để đảm bảo thời gian giao hàng cho đối tác theo hợp đồng. Có nơi đã phát sinh mâu thuẫn nội bộ do chế độ áp dụng giữa công nhân cũ và công nhân mới tuyển dụng không công bằng dẫn tới đình công. Thậm chí đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp dệt may 100% vốn đầu tư nước ngoài do có tiềm lực về vốn đã đưa ra các chế độ ưu đãi hấp dẫn để thu hút lao động, trong đó có cả các lao động tay nghề cao.
Mặc dù đây là sự cạnh tranh tất yếu của cơ chế thị trường mang lại nhiều lợi ích cho người lao động; nhưng trên thực tế đã gây xáo trộn lớn về lao động, làm ảnh hưởng đến sản xuất- kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước quy mô vừa và nhỏ.
Để giữ chân lao động, tránh sự xáo trộn, biến động lớn, thời gian qua, các doanh nghiệp dệt may đã đưa ra nhiều giải pháp như: Tăng các khoản thu nhập ngoài lương để hỗ trợ người lao động, có doanh nghiệp đã tăng tiền chuyên cần hàng tháng từ 250.000 đ/ người lên 400.000 đ/ người. Một số doanh nghiệp thực hiện hỗ trợ công nhân về tiền thuê nhà, tiền xăng xe. Một số doanh nghiệp khác quan tâm hơn tới việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động gồm BHYT, BHXH, tham quan du lịch, chế độ ốm đau...
Bên cạnh các giải pháp về chế độ, chính sách, một số doanh nghiệp đã chuyển hướng đầu tư ra khu vực ngoại thành và xuống các huyện, thậm chí xây dựng nhà xưởng ngay trên địa bàn các xã để tận dụng nguồn lao động tại chỗ. Điển hình như Công ty cổ phần dệt sợi Đam san đã đầu tư xây dựng nhà xưởng mới tại KCN Gia Lễ; Công ty cổ phẩn Đại Cường cũng đầu tư xây dựng nhà xưởng mới tại Tiền Hải; Công ty Bitexco Nam Long cũng chuyển hướng mở rộng nhà xưởng xuống thị trấn Quỳnh Côi và thị trấn An Bài của huyện Quỳnh Phụ...
Các giải pháp trên tuy bước đầu phát huy hiệu quả nhất định nhưng về lâu dài cần nhiều giải pháp đồng bộ hơn. Trước hết, UBND tỉnh cần phải đánh giá lại toàn diện quy hoạch đối với ngành dệt may, hạn chế việc thu hút và thành lập mới các doanh nghiệp dệt may, nhất là trên địa bàn Thành phố. Có chính sách cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp dệt may mở rộng đầu tư hoặc chuyển nhà xưởng xuống các cụm công nghiệp tuyến huyện và các xã để tận dụng tối đa nguồn lao động tại chỗ.
Hiệp hội dệt may cần đưa ra các giải pháp kịp thời, đủ mạnh để hạn chế tình trạng cạnh tranh thu hút lao động không lành mạnh giữa các doanh nghiệp với nhau. Ngoài ra, UBND tỉnh cần ban hành chính sách ưu đãi cụ thể nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân tại các KCN giúp họ yên tâm hơn và gắn bó lâu dài hơn với doanh nghiệp.
Vũ Mạnh
Tin cùng chuyên mục
- Biển đảo quê hươngMƠ VỀ ĐẢO NGỌC 21.08.2010 | 03:05 AM
- Những cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nướcTrần Khánh Thu - Đi đầu các phong trào tình nguyện 17.08.2010 | 08:49 AM
- Thực hiện Nghị quyết 01 của Tỉnh ủyNghề và làng nghề ở Quốc Tuấn 26.08.2010 | 15:29 PM
- Thái ThuỵĐạo – Đời hoà hợp chung tay xây dựng quê hương . 01.09.2010 | 10:39 AM
- Las Vegas của phương Đông 26.05.2010 | 17:42 PM
- Hội Nông dân Quỳnh MinhThực hiện hiệu quả công tác dân số – KHHGĐ 16.09.2010 | 15:15 PM
- Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội1000 năm và sức sống diệu kỳ của "Thiên đô chiếu" 01.09.2010 | 08:15 AM
- Kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2 - 9NGƯỜI ƯƠM MẦM CÁCH MẠNG TỪ QUẢNG CHÂU 22.08.2010 | 16:01 PM
- Công ty Môi trường và công trình đô thị Thái BìnhVì Thành Phố ngày càng xanh sạch đẹp 17.09.2010 | 08:10 AM
- Vũ Thư (Thái Bình)Năm giải pháp tiếp tục thực hiện nghị quyết 03 về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình 27.08.2010 | 10:15 AM
Xem tin theo ngày
-
Dâng hương tưởng niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn
- Bố trí nơi đặt trụ sở đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp phải phục vụ tốt cho hoạt động quản lý nhà nước, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp
- Bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải
- Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh
- Chuẩn bị tốt các điều kiện để khởi công Dự án cao tốc CT.08; Khu công nghiệp Hưng Phú; Lễ động thổ dự án Nhà máy sản xuất ô tô GEL-O&J
- Phấn đấu khởi công dự án tuyến đường CT.08 vào ngày 12/5/2025
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về một số báo cáo, tờ trình
- Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao quyết định công tác cán bộ tại Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh
- Khai mạc tuần du lịch tỉnh Thái Bình và khai trương phố đi bộ Đinh Tiên Hoàng