Chủ nhật, 19/01/2025, 15:17[GMT+7]

Các doanh nghiệp đóng tàu, vận tải biển gồng mình đương đầu với thử thách

Thứ 5, 05/05/2011 | 10:26:55
1,920 lượt xem
Do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng của lạm phát từ năm 2008 đến nay các doanh nghiệp đóng tàu, vận tải biển ở Thái Bình phải gồng mình đương đầu với nhiều khó khăn, thử thách. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp vận tải biển thua lỗ kéo dài, nợ ngân hàng chồng chất, đang đứng bên bờ vực phá sản.

Các tin bài liên quan:

>> Chưa bao giờ các doanh nghiệp vận tải biển, đóng tàu hoạt động khó khăn như hiện nay

>> Các doanh nghiệp nên thường xuyên phản ánh những vướng mắc

>> Chủ động tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp

>> Sẽ có biện pháp thích hợp đối với từng nhóm doanh nghiệp vay vốn

>> Cần nghiên cứu các cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp

>> Vận dụng linh hoạt, hợp lý các cơ chế chính sách trong điều kiện có thể

 

Toàn tỉnh hiện có 5 doanh nghiệp đóng tàu ( Thái Thụy 2, Tiền Hải 1, Kiến Xương 1, Thành phố Thái Bình 1). Giá trị sản xuất toàn ngành năm 2010 đạt 730 tỷ đồng, tăng 23,5% so với năm 2009, chiếm 7,2% cơ cấu giá trị công nghiệp của tỉnh.

 

Năm qua, các đơn vị đã hạ thủy đựơc 7 tàu biển trọng tải từ 2.000 đến 7.000 tấn, 29 phương tiện thủy nội địa trọng tải từ 22 đến 700 tấn; hiện nay đang triển khai đóng 22 tàu biển và 3 phương tiện thủy nội địa khác. Mặc dù đạt được những kết quả bước đầu, song do ngành đóng tàu mới đầu tư vào địa bàn, quy mô nhỏ, lực lượng lao động kỹ thuật, thợ lành nghề chuyên ngành thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất nên các tàu đóng được mới chỉ phục vụ tiêu thụ nội địa, chưa vươn tới thị trường xuất khẩu.

 

Giá cả nguyên liệu, nhiên liệu, điện và công lao động tăng cao gây khó khăn cho doanh nghiệp triển khai đóng những tàu đã ký hợp đồng trước với chủ tàu. Phần lớn các chủ đóng tàu không được ngân hàng rải ngân tiếp nên thiếu vốn để hoàn thiện, đưa tàu vào khai thác sử dụng, chưa kể thuế VAT tăng từ 5% lên 10% đã đẩy chi phí sản xuất càng tăng cao. Cùng với đó, hệ thống đường giao thông xuống cấp, công tác nạo vét luồng lạch chi phí cao, chủ yếu các doanh nghiệp phải tự làm gây khó khăn cho việc vận chuyển nguyên liệu phục vụ sản xuất.

 

Đối với lĩnh vực vận tải biển, những năm trước Thái Bình  là tỉnh có đội tàu hùng mạnh của miền Bắc, thị trường vận tải mở rộng sang các nước Indonexia, Philipin, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc….

 

 

 

Toàn tỉnh có trên 200 doanh nghiệp vận tải biển, trong đó có 160 doanh nghiệp đang hoạt động ( hầu hết các tàu, doanh nghiệp đều ở huyện Thái Thụy). Tổng số tàu hiện có 300 chiếc, trọng tải khoảng 700 ngàn tấn, tổng số vốn đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng. ước tính, các doanh nghiệp vận tải biển tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động với mức lương bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Thế nhưng, từ năm 2008 đến nay, cả doanh nghiệp và chủ tàu gặp vô vàn khó khăn, sản xuất thua lỗ kéo dài, năm sau khó khăn hơn năm trước.

 

Tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng cho các doanh nghiệp đóng tàu, vận tải biển  trên địa bàn tỉnh vay đến hết 31/3/2011 khoảng 2.150 tỷ đồng. Trong đó, 39/68 doanh nghiệp đang nợ đọng các khoản vay chưa trả với số tiền 528 tỷ đồng, chiếm 39,2%. Đặc biệt, nợ xấu chiếm tỷ lệ 5% dư nợ cho vay. Trong tổng số 160 doanh nghiệp đang hoạt động  thì cả 160 đơn vị nợ thuế với số nợ lên đến gần 20 tỷ đồng. Những con tàu biển trọng tải lớn trước kia bôn ba khắp nơi giờ xuống cấp nghiêm trọng vì chủ tàu không đủ nguồn tài chính để duy tu bảo dưỡng theo định kỳ, nguy cơ xảy ra tai nạn rủi ro là rất lớn. Nhiều chủ tàu cho biết: mặc dù biết thua lỗ, nhưng họ bắt buộc vẫn phải chạy tàu, để giữ phương tiện, tài sản, trả lương cho công nhân và thuyền viên nên khó khăn càng chồng chất.

 

Ngoài những tàu đang hoạt động, toàn tỉnh còn khoảng 100 tàu đang đóng dở dang vì không có vốn để hoàn thiện. Tàu cứ nằm đấy ngày một han rỉ mà tiền lãi cứ nhân lên khiến hầu hết các chủ tàu đều mệt mỏi, căng thẳng, chán nản và nếu cứ đà này việc dừng tàu hàng loạt là không tránh khỏi, nhiều đơn vị đang cận kề sự phá sản. Nguyên nhân của tình trạng trên là do sự phát triển quá nhanh, quá “nóng” của các doanh nghiệp vận tải biển trên địa bàn tỉnh những năm trước.

 

Được đầu tư ồ ạt về tài chính từ các tổ chức tín dụng từ các công ty cho thuê tài chính nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân thi nhau mua tàu vận tải, thậm chí nhiều người đang hoạt động ở lĩnh vực khác cũng mở doanh nghiệp và đi đóng tàu biển làm cho lượng tàu biển tăng lên nhanh chóng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, thiếu kinh nghiệm quản lý, nguồn hàng vận chuyển, thiếu vốn đầu tư để mua sắm và nâng cấp phương tiện. Đến cuối năm 2007, số tấn phương tiện đã lớn gấp 100 lần so với năm 2002.

 

Bắt đầu từ năm 2008, khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, nhu cầu luân chuyển hàng hoá tụt giảm vì thế năng suất vận chuyển giảm từ 20 đến 30% kéo giá cước giảm từ 40 đến 60% dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu. Dịch vụ cầu cảng còn nhiều bất cập, thiếu cầu cảng để nhận, trả hàng, nguồn hàng vận chuyển thiếu, nhiều khi tàu phải chờ đợi lâu dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp. Thêm vào đó, giá xăng  dầu, công người lao động, lãi suất ngân hàng, thuế giá trị gia tăng  cùng các chi phí khác như vật tư, phụ tùng, lệ phí bến cảng đều tăng, chưa kể những chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất càng làm cho chi phí vận tải tăng cao.

 

Trước những khó khăn như vậy, vừa qua UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp đối thoại với các doanh nghiệp đóng tàu, vận tải biển trên địa bàn, trực tiếp nghe, trả lời các kiến nghị của chủ doanh nghiệp và bàn các giải pháp tháo gỡ. Ý kiến kết luận của đồng chí Phạm Văn Ca, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: để vượt qua " sóng gió", vực dậy ngành công nghiệp đóng tàu, vận tải biển cần có sự vào cuộc tích cực của tất cả các cấp, các ngành, các đơn vị và sự tự nỗ lực vươn lên của chính bản thân các doanh nghiệp.

 

Trước mắt, UBND tỉnh sẽ giao cho Sở Công thương, Giao thông Vận tải, Tài nguyên Môi trường, Cục thuế tỉnh, Ngân hàng Nhà nước, huyện Thái Thụy …thành lập bộ phận xây dựng đề án, đề xuất các cơ chế chính sách, giải pháp liên quan đến ngành mình để hỗ trợ các doanh nghiệp như: chính sách thuế, hoàn thiện các thủ tục về đất đai, ưu tiên nguồn điện, hỗ trợ thêm các nguồn vốn khuyến công, khuyến thương…. để vực lại sản xuất. Sau đó, rà soát lại hoạt động của toàn bộ các doanh nghiệp đóng tàu, vận tải biển, phân thành 3 nhóm: đối với những doanh nghiệp đang hoạt động tốt, nguồn hàng ổn định, có năng lực tài chính thì đề nghị với các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ gốc và lãi, ưu tiên đầu tư cho phát triển.

 

Đối với những doanh nghiệp còn khả năng phát triển nhưng nhiều tàu, hoạt động quá lớn thì giảm những tàu không hiệu quả, ưu tiên phát triển cho những tàu còn lại. Đối với những doanh nghiệp năng lực tài chính yếu, tàu hoạt động kém hiệu quả hoặc còn những tàu đang đóng dở dang, nợ đọng vốn, không có khả năng thanh toán sẽ kiên quyết xử lý. Đồng chí cũng yêu cầu, ngoài sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, chính bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự đánh giá lại hoạt động vận tải của mình, nếu khả năng  không hoạt động được thì nên rút nhằm giảm bớt gánh nặng.

 

Hiệp hội vận tải biển Thái Thụy tập hợp các kiến nghị của từng doanh nghiệp, phối hợp với các cơ quan chức năng mở các lớp tập huấn về cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nâng cao năng lực quản lý, trình độ tay nghề cho người lao động để sớm đưa ngành đóng tàu, vận tải biển thoát khỏi tình trạng " khủng hoảng" như hiện nay.

 

 

 

  • Từ khóa