Thứ 2, 01/07/2024, 13:14[GMT+7]

Tiền Hải trước mùa bão lũ

Thứ 2, 16/05/2011 | 15:41:43
1,304 lượt xem
Tiền Hải là huyện ven biển có hệ thống đê dài 54 km, các kè, cống còn nhiều điểm xung yếu. Khi có bão, lũ, lụt, dù lớn hay nhỏ đều ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất của gần 20 vạn nhân dân nơi đây. Vì vậy hàng năm, Tiền Hải đều chuẩn bị phòng chống để hạn chế mức thấp nhất những thiệt hại do bão, lũ gây ra.

Rừng ngập mặn và phi lao chắn sóng đê biển xã Nam Phú

Năm 2010, Tiền Hải đã chủ động làm tốt công tác chuẩn bị như tiếp nhận và triển khai dự án nâng cấp đê biển số 5, tiếp nhận dự án trồng cây dưới chân đường ra đảo Cồn Vành; tổ chức nạo vét hơn 38.420 mét sông trục tiêu nước;  nâng cấp mặt đê biển ở một số xã còn thấp so với cao trình; phát quang nhiều đoạn đê sông và đê biển. Công tác giải phóng dòng chảy cũng thực hiện quyết liệt như giải phóng 1.435.000m2 bèo bồng, thu nhiều đăng đó, vó lờ trên các sông tiêu chính.

 

Việc bảo vệ đê, kè, cống được tổ chức chặt chẽ và kiểm tra thường xuyên nên đã hạn chế các vi phạm pháp lệnh bảo vệ đê điều ở các xã ven sông, cửa cống. 35 xã, thị trấn đã nạo vét, tu bổ 450.000 m3 kênh mương…

 

Mặc dù vậy, năm 2010 vẫn còn đó tư tưởng chủ quan của một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về biến đổi khí hậu, về những thiệt hại nghiêm trọng khi bão, lũ xảy ra bất ngờ. Kiểm điểm việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, có một số xã chuẩn bị vật tư, phương tiện chưa đáp ứng yêu cầu của huyện. Một vài nơi khi xảy ra sự cố nhỏ, địa phương tỏ ra lúng túng trong khắc phục, xử lý. Một số đại phương như Đông Minh, Namon> Hưng... xử lý thiếu kiên quyết những  hành vi vi phạm Pháp lệnh bảo vệ đê.

 

Năm 2011, theo nhận định của khí tượng thủy văn Trung ương, biển Đông sẽ có tới 10- 12 trận bão và áp thấp nhiệt đới, xuất hiện vào cuối tháng 5, đầu tháng 6. Từ đầu năm đến nay, thời tiết biển yên ả, cũng là dự báo cho các đợt bão biển, nước dâng, lốc xoáy lớn xảy ra trong suốt mùa mưa bão.

 

Biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những khó khăn trong công tác đối phó với thiên tai. Thêm nữa, những nguy cơ có thể xuất hiện động đất và sóng thần cũng đang yêu cầu các địa phương phải gấp rút xây dựng các phương án chủ động. Với nhận định đó, Tiền Hải xác định phương châm “4 tại chỗ” là tư tưởng và hành động chỉ đạo: trong đó lấy phòng là chính, chống đỡ ứng cứu là quan trọng, khắc phục hậu quả kịp thời là cần thiết. 

 

Quá trình thực hiện, Tiền Hải đã tiến hành nhiều công việc cụ thể và thiết thực. Tháng 3, huyện đã thành lập đoàn kiểm tra đánh giá thực chất thực trạng đê, kè. Về đê, nhiều đoạn còn thiếu cao trình so với thiết kế, ở khu vực cống Tân  Lập thấp so với thiết kế từ 0,4 đến 1,3m, có đoạn như  từ K10- K11 thấp hơn đến khoảng 1,7m. Một số đê thực hiện theo dự án nâng cấp bằng vốn Trung ương đang thi công, nhưng tiến độ chậm, trong khi mùa mưa bão đến từng ngày. Mặt đê nhiều đoạn chỉ có khả năng chống chịu bão cấp 8, cấp 9 khi không có nước dâng, nếu cấp gió cao hơn và có nước dâng sẽ xảy ra sạt lở.

 

Tiền Hải có 12 kè lớn, phần lớn mái  cũ nhiều chỗ xô tụt cục bộ, chân kè không ổn định..., các kè khác tuy đã được nâng cấp nhưng chỉ chịu đựng được lũ số 3. Trên các tuyến đê  có 31 cống thì có đến 21 cống đều phải tu sửa, xây dựng mới. Qua khảo sát, Tiền Hải kiến nghị nâng cấp, sửa chữa, làm mới đê, kè, cống ở một số vị trí trọng điểm xung yếu như đê Nam Phú, đê Đông Long, cống sông Cá, cống Muối, kè Lương Phú...

 

Nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất nếu bão, lũ, lụt xảy ra, Tiền Hải đã thành lập Ban chỉ huy PCLB huyện và 2 tiểu ban trực thuộc: tiểu ban tiền phương, tiểu ban hậu phương. Căn cứ vào nhiệm vụ PCLB năm 2011, cùng với công tác tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng về PCLB, Ban chỉ huy PCLB Tiền Hải tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình PCLB. Đồng thời gấp rút, khẩn trương chuẩn bị theo tinh thần “4 tại chỗ”. Vật tư trong dân, huyện phân cho mỗi xã chuẩn bị 1.500 cây tre hoặc phi lao, 2.000 bao (2 bao/hộ); chuẩn bị đủ đèn pin, ắc quy, máy nổ, xẻng cuốc, xe thồ, cáng thương .Huyện thành lập 162 đội ứng cứu; trong đó mỗi xã 1 đội xung kích 150 người, 1 tổ giao thông, 1 đội cứu thương. Mỗi xã ven đê phải có 1 tổ canh coi (3- 5 người), 1 đội cừ sách 60 người.

 

Đặc thù là huyện ven biển, có tới 2.200 lao động trên các tàu, thuyền, 743 lao động trong các vây nuôi thủy sản ( trong đó hơn 50% số vây xa đất liền phải đi lại bằng thuyền máy) nên Tiền Hải đăc biệt chú trong công tác di dân và gọi dân mùa bão lụt. Công tác di dân được giao cho các xã lập phương án cụ thể và ký cam kết giữa hộ với UBND xã khi tình huống có thể xảy ra. Tiểu ban cứu hộ cứu nạn, Đồn biên phòng 73, UBND các xã ven sông, biển khi có bão đổ bộ vào địa bàn và vùng lân cận phải bằng mọi cách vận động, tuyên truyền, kể cả cưỡng chế khi cần thiết để đưa người lao động vào nơi an toàn.

 

Các công tác: bảo vệ đê, kè, cống; khơi thông dòng chảy; khắc phục hậu quả cũng được cụ thể hoá đến từng thành viên Ban chỉ huy PCLB. Mặc dù tháng 4 và tháng 5, với nhiều công việc quan trọng như chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 13, và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016; tiến hành đợt sinh hoạt chính trị học tập Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11; tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm theo tinh thần Nghị định 11 của Chính phủ… nhưng công tác PCLB, vẫn được quan tâm chỉ đạo,triển khai thực hiện đồng bộ.

Bài,ảnh: Phan Anh

 

 

  • Từ khóa