Thứ 2, 29/07/2024, 09:23[GMT+7]

Chăn nuôi tập trung ở Đông Đô Bao giờ dân có “sổ đỏ” để yên tâm đầu tư sản xuất?

Thứ 5, 30/06/2011 | 06:42:47
1,203 lượt xem
Vùng chăn nuôi tập trung của Đông Đô (Hưng Hà) được quy hoạch từ năm 2006, rộng 18 ha, trên vùng “rốn” nước thuộc cánh đồng thôn Đông và thôn Hữu. Vùng chăn nuôi này được quy hoạch từ 2 nguồn, đất 5% của xã chiếm khoảng 30%, còn lại là đất cơ bản.

Anh Đinh Đình Phi mong muốn diện tích đất trang trại sớm được cấp sổ đỏ để yên tâm đầu tư sản xuất lâu dài.

Anh Đinh Trọng Thuận, Phó ban chỉ đạo vùng chăn nuôi tập trung xã cho biết: Đông Đô là xã có nhiều thế mạnh về phát triển chăn nuôi. Thời điểm năm 2003 – 2007, cả xã có gần 200 hộ thường xuyên nuôi từ 30 con lợn trở lên, trong đó có trên 50 hộ nuôi từ 100 – 250 con lợn/ lứa. Tuy nhiên, các hộ đphần đều nuôi trong khu dân cư, nên mùi hôi và phân lợn thải ra đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

 

Khi Đông Đô được chọn là 1 trong 7 xã điểm về chăn nuôi tập trung của tỉnh, bà con rất phất khởi đồng tình hưởng ứng. Bởi sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường và đáp ứng nhu cầu chăn nuôi quy mô lớn của nhiều hộ. Do đó, trong quá trình chỉ đạo và thực hiện xây dựng vùng chăn nuôi tập trung, Đông Đô rất coi trọng công tác tuyên truyền, thống nhất ý chí, hành động trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân.

 

Đảng uỷ xã đã thành lập ban chỉ đạo và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; đồng thời các tiểu ban cũng được thành lập, như tiểu ban giải phóng mặt bằng để giúp dân về thủ tục đất đai, tiểu ban kỹ thuật, tiểu ban tuyên truyền... Sau quy hoạch, việc đầu tiên phải làm là tích tụ được ruộng đất để xây dựng mỗi trang trại tối thiểu đạt trên 3.000 m2. Song, ngoài đất 5% của xã, còn lại đa phần là đất cơ bản, do đó để tạo sự đồng thuận trong dân về sự chuyển nhượng, dồn đổi là việc không hề đơn giản.

 

Anh Thuần cho biết, các thành viên ban chỉ đạo đã xuống từng hộ dân có ruộng ở khu vực này để vận động, đưa ra những lợi ích trước mắt và lâu dài để mọi người dân hiểu. Khi đã xét, chọn được những hộ ra đầu tư tại vùng chăn nuôi tập trung, xã tiếp tục gọi hộ có ruộng và hộ đầu tư để thoả thuận giá đất, cũng như hình thức chuyển đổi. Cụ thể, giá trị một sào ruộng tại đây được tính dựa trên giá trị năng suất hàng năm, trên cơ sở đó hộ đầu tư phải trả tiền cho chủ ruộng đến năm 2013. Đối với những diện tích đổi cho nhau, chủ ruộng tại vùng chăn nuôi tập trung được lấy những thửa có điều kiện cấy lúa tốt hơn hiện tại của hộ ra đầu tư...

 

Với cách làm này, ngay năm đầu tiên xây dựng vùng chăn nuôi tập trung Đông Đô đã tích tụ được 5 ha, giao cho 12 hộ ra đầu tư sản xuất. Tỉnh, huyện đã đầu tư gần 900 triệu đồng (tỉnh 800 triệu đồng, huyện 96 triệu đồng) để xây dựng đường, điện ra tận hộ chăn nuôi.

 

Đến nay, vùng chăn nuôi này đã giao được 8,629 ha, cho 19 hộ; hiện diện tích chuồng trại có 1.800 m2, ao 31.273 m2, vườn trồng cây các loại 5.000 m2. Các hộ dân chủ yếu phát triển theo hướng chăn nuôi trang traị tổng hợp. Năm 2009, tổng doanh thu tại các trang trại đạt 2.156 triệu đồng, lợi nhuận gần 520 triệu đồng; năm 2010, doanh thu đạt 2.243,43 triệu đồng, lãi 536,93 triệu đồng.

         

Anh Đinh Đình Phi, một trong những hộ đầu tiên ra vùng chăn nuôi tập trung tâm sự: Cơ sở hạ tầng được tỉnh đầu tư khá tốt, người dân rất phấn khởi, các trang trại làm ăn đều có hiệu quả... Trang trại của anh Phi rộng 5000 m2, đã đầu tư hơn 300 triệu đồng để đào 8 sào ao nuôi cá, xây dựng 200 m2 chuồng trại nuôi lợn, vịt, gà; bình quân lãi 5 0- 60 triệu đồng/ năm.

 

Anh Phi cho biết để có được 5000 m2 xây dựng trang trại, gia đình anh rất vất vả trong việc chuyển đổi ruộng cho nhau và mua lại của các hộ khác. Bởi, trạng trại của anh hiện chỉ có 20% là đất 5% của xã, 80% là đất cơ bản do mua bán, chuyển đổi mà có. Anh đã phải cùng với cán bộ thôn, xã đi đến từng gia đình để vận động họ đổi, bán ruộng cho; những diện tích mua phải trả tiền luôn từ năm 2006 – 2013, với giá 1,8 triệu đồng/ sào/ năm.

 

Từ nay đến năm 2013, thời gian không còn nhiều, gia đình anh đang rất lo lắng về việc hết thời hạn mua bán đất, chuyển đổi. Theo anh Phi, việc thoả thuận lại với các hộ là rất khó, bởi diện tích hiện có là của rất nhiều hộ gộp lại, chỉ cần một vài người không bán tiếp thì không thể làm được. Mong muốn nhất của anh hiện nay là sau năm 2013, các ngành chức năng tạo điều kiện cấp sổ đỏ cho diện tích đất trang trại để gia đình anh yên tâm đầu tư sản xuất và cũng là cơ sở để tiếp cận các nguồn vốn.

 

Hay trang trại của anh Phạm Xuân Nhu, diện tích 3.800 m2, diện tích này phải chuyển đổi cho 2 hộ và mua của một hộ. Anh Nhu cũng chưa biết tìm giải pháp nào để sau năm 2013 gia đình anh tiếp tục được sử dụng diện tích trang trại này, tất cả đều phải chờ sau khi xã tiến hành dồn điền đổi thửa xong trong thời gian tới.

         

 Anh Đinh Trọng Thuận, Phó ban chỉ đạo chăn nuôi xã cho hay, chủ trương phát triển chăn nuôi tập trung của tỉnh là rất đúng, hợp lòng dân và cũng là xu hướng tất yếu phát triển chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay. Song, vùng chăn nuôi tập trung ở Đông Đô không đạt được kết quả so với mục tiêu đề ra, nguyên nhân do chưa có những chính sách cụ thể về giải phóng mặt bằng, giao và cho thuê đất, hỗ trợ vốn vay...nên các chủ trang trại còn “ngại” huy động mọi nguồn lực để mở rộng đầu tư sản xuất.

 

Đối với những khó khăn về thời hạn thuê, mua đất của các chủ trang trại, anh Thuận cũng thẳng thắn thừa nhận xã cũng rất “đau đầu” vì việc này. Giải pháp để giải quyết chỉ còn cách trông chờ sau khi dồn điền đổi thửa xong theo chương trình xây dựng nông thôn mới và hướng dẫn cụ thể từ trên về quy hoạch đất đai, xây dựng khu chăn nuôi tập trung.

                                                                            

Bài, ảnh: Nguyên Bình

 

 

  • Từ khóa