Thứ 2, 29/07/2024, 03:17[GMT+7]

Nan giải bài toán chăn nuôi tập trung ở Nam Thắng

Thứ 5, 30/06/2011 | 06:44:50
1,351 lượt xem
Vùng chăn nuôi tập trung xã Nam Thắng (Tiền Hải) được quy hoạch xây dựng trên diện tích đất của ba thôn Nam Đồng Bắc, Nam Đồng Nam và Tân Hưng. Đến nay, tổng diện tích đã thực hiện giao cho 32 hộ gia đình là 16,46ha, trung bình 0,5ha/hộ. Sau 5 năm thực hiện (2006-2011), 32/32 hộ đã hoàn thiện mặt bằng, xây dựng chuồng trại chăn nuôi, 25 hộ đầu tư đi vào sản xuất đạt kết quả, bước đầu giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, tạo thu nhập nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, góp

Ông Hồng đang chăm sóc vịt tại khu chăn nuôi tập trung Nam Thắng.

Ngay sau khi được phê duyệt báo cáo kinh tế – kỹ thuật, Đảng ủy- UBND xã thành lập ban chỉ đạo, phân công các tổ công tác và các ban điều chỉnh ruộng đất ở các thôn để tổ chức thực hiện chuyển đổi, chuyển nhượng đất tại các vùng cấy lúa kém hiệu quả quy hoạch thành vùng chăn nuôi tập trung. Đồng thời, xã triển khai đầu tư xây dựng đường vận chuyển trong vùng dự án, mương cấp thoát nước, giải phóng mặt bằng, đường điện hạ thế...

Cùng với đó, các hộ tham gia dự án thực hiện xây dựng 2.460m2 chuồng trại, 640m2 nhà trông coi, 58.000m2 ao thả cá với tổng giá trị gần 2,1 tỷ đồng. Theo báo cáo, năm 2010, hiệu quả sản xuất của các hộ trong vùng chăn nuôi tập trung tương đối tốt, lợn thịt đạt 18.400kg; lợn sữa 645 con; gà, ngan, vịt trên 7.000 con; thủy sản 36.020 kg, lợi nhuận thu về hơn 1 tỷ đồng.

Cùng với Phòng Nông nghiệp huyện, chúng tôi tới  trang trại gia đình ông Đào Văn Hồng, một trong những người đầu tiên nhận đất tại khu chăn nuôi tập trung. Ông Hồng cho biết đã đầu tư 400 triệu đồng trên diện tích 3.980m2, với 2 lao động thường xuyên, gia đình nuôi lợn, vịt và cá, năm vừa qua thu lãi 133 triệu đồng. Ông so sánh, trước đây gia đình có 5 khẩu, với 4 sào ruộng, vợ chồng phải làm thêm đủ nghề nhưng thu nhập so với hiện nay đúng là “một trời, một vực”.

Theo ông Vũ Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thắng, ngoài hiệu quả kinh tế, cái được còn ở chỗ tận dụng vùng đất kém hiệu quả và đặc biệt thay đổi tư duy kinh tế cho nông dân, tạo tiền đề xây dựng nông thôn mới. Nhận thức rõ điều này nên hàng năm, Đảng ủy đều có Nghị quyết chuyên đề giao cho UBND xã tổ chức thực hiện. Xã còn kết hợp với Phòng Nông nghiệp huyện, Trung tâm khuyến nông của tỉnh mở các lớp tập huấn về KH- KT cho các hộ chăn nuôi, hàng năm tổ chức đi tham quan mô hình trang trại tạo điều kiện cho các hộ tiếp thu và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất...

Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Nguyễn Thanh Liêm đánh giá, Nam Thắng có nhiều thuận lợi về diện tích, vị trí địa lý, giao thông và nhận thức của nông dân cũng như sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành địa phương... do vậy đã đạt được những thành công nhất định trong thực hiện dự án chăn nuôi tập trung. Tuy nhiên, nếu phấn đấu đạt được các tiêu chí của tỉnh đề ra thì phía trước, Nam Thắng còn nhiều bài toán nan giải.

Thứ nhất, các hộ trong vùng chăn nuôi tập trung của Nam Thắng đều đang “đói vốn”. Vốn trong chăn nuôi đòi hỏi lớn, gấp 5-7 lần trồng trọt (so cùng diện tích), trong khi các ngân hàng cho vay rất ít, chỉ vài chục triệu đồng. Nông dân muốn vay vốn, chủ yếu thế chấp “bìa đỏ” nhưng bìa đỏ cấp cho các hộ dân thời hạn chỉ đến năm 2013 (theo thời hạn đất 2 lúa trước đây), do vậy thường bị từ chối cho vay, mà khả năng huy động vốn từ các nguồn khác của người dân gần như không có.

Chính vì điều này, khảo sát tại thời điểm tháng 4/2011 cho thấy có tới 15/32 hộ chỉ đầu tư  được (cả vốn xây dưng cơ bản và vốn sản xuất) dưới 150 triệu đồng, 7/32 hộ dưới 100 triệu đồng, cá biệt có hộ vẻn vẹn chỉ 30 triệu đồng (hộ này năm 2010 thu lãi 5 triệu đồng).

Hiện trạng tài chính của nông dân như vậy trong khi theo tính toán của cơ quan chức năng, mức đầu tư xây dựng trang trại của mỗi hộ ít nhất phải có 350 triệu đồng tương ứng với quy mô diện tích 3.000m2. Bước vào sản xuất, đơn cử như nhà ông Hồng, nuôi 2.500 vịt, 20 lợn  thịt, 2 lợn nái và ao cá hơn 4 sào  phải chi phí thức ăn 45 triệu đồng/ tháng. Số tiền đó, không nhiều nông dân có thể “trụ” nổi.

Thứ hai, muốn chăn nuôi tập trung có hiệu quả thì phải có giống tốt. Dân gian có câu “tốt nái tốt một ổ, tốt đực tốt cả đàn”, kinh nghiệm đó đủ thấy khâu giống quan trọng như thế nào trong chăn nuôi, nhưng các hộ dân nơi đây vẫn “tự chủ” “mạnh ai nấy làm” trong việc mua giống, có hộ mua trôi nổi ở thị trường không rõ xuất xứ. Cũng từ nguyên nhân này khiến cán bộ thú y khó kiểm soát nguồn gây dịch bệnh.

Bài toán thứ  ba là điện và nước. Mặc dù tỉnh và huyện đã đầu tư 3,44 tỷ đồng (tỉnh 70%, huyện 30%) xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng điện năng cung cấp cho khu chăn nuôi tập trung thấp, mới sử dụng đủ cho sinh hoạt, chưa đáp ứng được khi sử dụng máy móc công nghiệp. Nguồn nước hiện sử dụng là giếng khoan... chưa đảm bảo hợp chuẩn phục vụ chăn nuôi sạch.

Thứ tư, chưa có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường, một số hộ mới chỉ áp dụng mô hình V.A.C để xử lý, không hộ nào dùng các giải pháp công nghệ khí sinh học biogas và chế phẩm sinh học EM. Thứ năm, tuy đã được tập huấn nhưng phần lớn các chủ trang trại có trình độ KH- KT thấp, ít am hiểu xã hội, trình độ quản lý trang trại ở quy mô lớn còn hạn chế... Những nguyên nhân trên cộng với chi phí đầu vào (thức ăn, vật tư, thuốc thú y, nhân công...) tăng cao khiến khu chăn nuôi tập trung Nam Thắng đang đứng trước nhiều thách thức .

Không ai có thể phủ nhận tính ưu việt của chăn nuôi tập trung so với tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán truyền thống. Song để đạt được mục tiêu, Nam Thắng cần có sự nỗ lực của các hộ dân kết hợp với sự giúp đỡ tích cực của các cấp, các ngành.

Chủ tịch xã Trần Ngọc Thủy khẳng định, xã đã nhìn thấy những tồn tại và nguyên nhân để từ đó đề ra những giải pháp như động viên các hộ tiếp tục huy động mọi nguồn vốn; hợp đồng với các đơn vị có uy tín về giống, thức ăn, khoa học kỹ thuật; đưa các loại con có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện thâm canh (lợn hướng nạc, gà, cá vược..); đề nghị với tỉnh, huyện quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện hơn nữa về cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ...  Hy vọng rằng Nam Thắng sớm thực hiện được điều đó, xây dựng thành công mô hình điểm chăn nuôi tập trung của tỉnh.
                                                                                            Bài, ảnh: Phan Anh

  • Từ khóa