Chủ nhật, 28/07/2024, 09:17[GMT+7]

Vũ Tiến Để vùng chăn nuôi tập trung đạt hiệu quả cao

Thứ 5, 30/06/2011 | 06:57:40
1,604 lượt xem
Xã Vũ Tiến là một trong những điển hình tiên tiến về chăn nuôi đạt tỷ trọng cao không những của riêng huyện Vũ Thư mà của toàn ngành nông nghiệp Thái Bình. Với lợi thế đó, tỉnh đã chọn Vũ Tiến cùng với 6 địa phương khác trong tỉnh để triển khai dự án xây dựng thí điểm vùng chăn nuôi tập trung. Những năm qua, chính quyền các cấp và nông dân địa phương đã nỗ lực thực hiện dự án nhằm đạt hiệu quả cao.

Ông Trần Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Vũ Tiến khi mới triển khai dự án xây dựng vùng chăn nuôi tập trung gặp phải không ít vướng mắc, nhất là trong việc dồn đổi diện tích đất phải thực hiện theo hướng dồn đổi được bao nhiêu đất thì tổ chức đào đắp và đưa vào sản xuất bấy nhiêu. Đây là việc khó khăn nhất trong quá trình thực hiện dự án do chủ yếu đất đai xây dựng vùng chăn nuôi tập trung là đất công ích, đất cho thuê thu sản nên rất khó khăn cho chính quyền cơ sở trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, việc xét duyệt theo tiêu chí chọn hộ ra vùng chăn nuôi tập trung còn lúng túng do những hạn chế trong tư tưởng nhận thức, năng lực, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cũng như khả năng về tài chính của các hộ...”.

Trước tình hình đó, huyện Vũ Thư xác định và quán triệt việc xây dựng vùng chăn nuôi tập trung là một chủ trương đúng, hợp lòng dân. Do đó, huyện đã từng bước cùng Vũ Tiến tháo gỡ những khó khăn như tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn địa phương quyết liệt tổ chức giải phóng mặt bằng và dồn đổi đất đai theo hình thức hộ không có nhu cầu sản xuất chăn nuôi thì chuyển nhượng cho hộ có nhu cầu và thanh toán hàng năm qua UBND xã; hướng dẫn địa phương căn cứ vào tiêu chí chọn hộ để khuyến khích các hộ đầu tư vào vùng chăn nuôi; đồng thời chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện phối hợp với địa phương tổ chức tập huấn hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ.

Với sự tham gia tích cực của cấp uỷ, chính quyền huyện, sự hợp tác, đồng thuận của chính quyền cơ sở và người nông dân, đến nay vùng chăn nuôi tập trung ở Vũ Tiến đã được xây dựng với tổng diện tích 17 ha. Trong đó, diện tích đất đã giao là 10,8 ha; diện tích sản xuất 10,2 ha. Số hộ đã nhận đất là 12 hộ, diện tích bình quân 0,850 ha/hộ.

Với sự hỗ trợ của tỉnh, huyện và vốn địa phương, vùng chăn nuôi tập trung đã xây dựng 698m đường bê tông; 471m mương cấp, tiêu nước; 490m đường điện hạ thế cùng 4 cống thoát nước và 01 trạm biến áp. Tuy cơ sở hạ tầng được đầu tư khá đầy đủ nhưng kết quả tổ chức sản xuất của các hộ trong vùng chăn nuôi tập trung lại chưa đạt được theo yêu cầu.

Theo ông Đỗ Năng Hoạt – Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư: “Trong khi vốn là yếu tố quan trọng quyết định đến kết quả tổ chức sản xuất thì đây lại là khó khăn lớn nhất của các hộ nông dân khi chuyển ra vùng chăn nuôi tập trung”.

Chúng tôi đến khu đất của gia đình anh Trần Xuân Trọng được vợ anh Trọng cho biết: “Hiện gia đình anh chị chỉ nuôi hơn 20 con lợn do thức ăn chăn nuôi tăng, dịch bệnh hay xảy ra, thêm vào đó đầu ra của sản phẩm cũng bấp bênh. Còn hơn hai mẫu đất vườn, ao, anh chị vừa thả cá vừa gieo trồng ngô, các loại rau màu ngắn ngày để “lấy ngắn nuôi dài” bởi có bao nhiêu vốn thì đầu tư rồi, giờ muốn đầu tư thêm nhưng không có vốn”.

Theo báo cáo của huyện, đến nay diện tích chuồng trại được xây dựng trong vùng chăn nuôi là 1.915 m2; diện tích nuôi thuỷ sản là 0,49 ha. Như vậy, diện tích chuồng nuôi và ao của các hộ ở đây mới chiếm khoảng 35 – 40% diện tích được giao. Duy nhất có một hộ đầu tư chăn nuôi lợn tổng hợp nhưng thời điểm nuôi nhiều nhất cũng chỉ mới 200 – 300 con/lứa. Toàn vùng chưa có hộ nào đầu tư xây dựng chuồng trại đủ quy mô mang tính công nghiệp.

Hiện nay số lượng vật nuôi của các hộ trong vùng có thể đếm được trên đầu ngón tay: lợn nái 16 con; lợn thịt 177 con; gà đẻ 875 con; gà thịt 700 con và 4.500 con vịt, ngan. Lợi nhuận bình quân đạt 62 triệu/hộ/năm. Một số hộ có thu nhập cao hơn như hộ ông Từ đạt 150 triệu đồng/năm, anh Trọng đạt 85 triệu đồng/năm... Con số đó cho thấy, nếu được đầu tư đúng quy hoạch thì lợi nhuận thu được sẽ còn cao gấp nhiều lần.

Cũng theo ông Đỗ Năng Hoạt: “Từ những kết quả ban đầu đó, một lần nữa chúng tôi khẳng định việc xây dựng vùng chăn nuôi tập trung là chủ trương đúng, hợp lòng dân. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến thủ tục đất đai, vệ sinh môi trường, đầu ra sản phẩm... đang là thách thức lớn đối với chính quyền địa phương và người nông dân. Do đó, chúng tôi cũng mong tỉnh có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn đến cơ sở không chỉ với dự án này mà các dự án chăn nuôi khác. Việc đầu tư xây dựng cơ bản không nhất  thiết phải đầu tư như một dự án xây dựng khu đô thị.

Ngoài ra tỉnh cũng cần hỗ trợ các vùng chăn nuôi tập trung xây dựng hệ thống xử lý môi trường hầm bioga công suất lớn để cải thiện môi trường bảo đảm sức khoẻ cộng đồng và tăng thêm hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Bên cạnh đó cần tạo điều kiện để người chăn nuôi có thể tiếp cận được với nguồn vốn vay tín dụng, có chính sách khuyến khích phát triển vùng chăn nuôi tập trung đạt hiệu quả, có giải pháp giảm thiểu rủi ro về kinh tế khi xảy ra dịch bệnh, biến động bất lợi cho người chăn nuôi về giá cả, thị trường... nhằm tạo lòng tin, động lực để các hộ chăn nuôi yên tâm đầu tư phát triển kinh tế”.

Bài: Ngọc Mai

Ảnh: Thành Tâm

  • Từ khóa