Chủ nhật, 28/07/2024, 03:29[GMT+7]

Vùng chăn nuôi tập trung xã Đông Kinh Cánh chim đầu đàn về hiệu quả kinh tế

Thứ 5, 30/06/2011 | 07:00:12
1,478 lượt xem
Đông Kinh (Đông Hưng) là xã được tỉnh chọn thí điểm xây dựng mô hình chăn nuôi tập trung. Từ khi bắt tay vào xây dựng mô hình này xã đã có nhiều đổi thay theo hướng tích cực, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương. Hiện nay, vùng chăn nuôi này được đánh giá là đạt hiệu quả kinh tế cao nhất trong 7 vùng chăn nuôi tập trung thí điểm của tỉnh.

Lãnh đạo xã Đông Kinh cho biết: ngay khi UBND tỉnh có quyết định phê duyệt quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung ở xã, UBND xã đã thành lập ban chỉ đạo, phân công cán bộ triển khai thực hiện việc xây dựng, tổ chức chăn nuôi ở vùng. Các ban, ngành, đoàn thể, cơ sở thôn đã vào cuộc tích cực trong công tác dồn đổi ruộng.

Sau khi nhận được sự đồng tình thống nhất của nhân dân, xã đã chia đất cho từng hộ và lựa chọn những hộ đủ tiêu chí về sức khỏe, tiềm năng nguồn vốn, biện pháp kỹ thuật chăn nuôi vào khu chăn nuôi tập trung. Vì thế ngay trong năm 2005 xã đã quy hoạch được vùng 1 diện tích 5,4ha với 14 hộ tham gia sản xuất và đến nay đã thực hiện thành công ở cả hai vùng với tổng diện tích 15,6ha với 34 hộ tham gia sản xuất. Sau khi được phân chia đất, các hộ đã bắt tay ngay vào công tác huy động vốn để đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi.

Bên cạnh đó, ứng dụng các tiến bộ khoa học trong chăn nuôi từ khâu xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường...Đến nay, các hộ trong vùng chăn nuôi ở Đông Kinh đã xây dựng được gần 5.000m2 chuồng trại với số vốn xây dựng cơ bản là gần 7 tỷ đồng. 

Dừng chân ở khu chăn nuôi tập trung chúng tôi thấy mọi nhà đều tất bật với việc ''tăng gia sản xuất''. Người thả cá, người đang chăm chút cho đàn lợn, người thì đang xoay sở với hàng nghìn con gà... Lãnh đạo xã cho biết thêm: trong vùng ai cũng hăng say lao động vì thế tất cả các hộ đều chăn nuôi theo hình thức tổng hợp đem lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với cấy lúa.

Tại thời điểm tháng 4, tổng đàn lợn trong vùng có  930 con, chiếm khoảng 20% tổng đàn trong toàn xã; đàn gia cầm có 12.500 con, chiếm khoảng 25% tổng đàn của toàn xã. Hiệu quả sản xuất chăn nuôi của các hộ trong vùng đạt khá cao, lợi nhuận bình quân đạt 70,65 triệu đồng/hộ, đem lại giá trị sản xuất/ha canh tác đạt tới 999,74 triệu đồng.

Ghé thăm khu chăn nuôi của anh Đỗ Văn Khải - hộ được coi là có mức thu nhập trung bình nhưng cũng đạt tới trên 100 triệu đồng/năm. Anh đã có trên 1000m2 để nuôi gần 100 lợn thịt, vài trăm con gà và hai ao thả cá.  

Còn anh Đỗ Văn Được là hộ đạt lợi nhuận cao nhất vùng, tới trên 300 triệu đồng/năm. Với tổng diện tích trên 1 mẫu, anh đã dành 5 sào để xây dựng chuồng trại, thường xuyên nuôi hàng nghìn vịt đẻ, trên 100 gà đẻ và ấp trứng vịt lộn, gà giống để bán. Hiện nay cứ một tuần anh xuất hai lần trứng vịt lộn, trung bình 3.000 quả/lần với giá bán buôn 3.300đồng/trứng và hàng trăm trứng gà ấp với giá 8.000 đồng/con giống. Đặc biệt, mỗi năm anh còn xuất trên 1 tấn cá, hàng chục đầu lợn với thu nhập bình quân đạt trên, dưới 100 triệu đồng/năm.

Hay hộ anh Đỗ Văn Đàm với mức đầu tư khởi điểm gần 400 triệu đồng, mỗi năm anh nuôi thường xuyên 400 đầu lợn, gần 100 gà đẻ, 9 sào ao nuôi cá, bình quân lợi nhuận đạt gần 200 triệu đồng/năm. Theo anh, nếu cứ thuận lợi như năm nay chỉ tính riêng nuôi lợn anh đã lãi 1 triệu đồng/con. Từ tiềm lực kinh tế như trên đã tạo động lực cho anh Đàm tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi. Năm 2010, anh đấu thầu thêm 4 mẫu vùng đất chua trũng của xã để nuôi bò, dê sinh sản kết hợp với trồng chè, chuối. Hiện nay các vật nuôi đang bắt đầu sinh sản lứa đầu tiên, dự tính mỗi năm khu chăn nuôi này sẽ đem lại thu nhập cho anh Đàm đạt trên 100 triệu đồng/năm.     

Hiệu quả từ vùng chăn nuôi tập trung đã góp phần quan trọng đưa giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của địa phương đạt ngày càng cao. Năm 2010 đạt 26 tỷ đồng, tăng 56,6% so với năm 2005, trong đó tỷ trọng chăn nuôi chiếm trên 50% trong cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần vào việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm qua lên 12,15%/năm và tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 12,34% (giảm 5,76% so với năm 2005).

Song có một thực tế đang diễn ra ở vùng chuyển đổi này là hộ nào càng phát triển, càng thu lợi nhuận cao thì hộ đó lại càng đầu tư vào xây dựng nhà kiên cố. Đông Kinh đã xuất hiện 3 hộ xây dựng nhà cao tầng ở khu chăn nuôi. Như vậy, các hộ chuyển đổi đã đi ngược lại với những quy định của tỉnh, biến vùng chăn nuôi tập trung dần thành ''xóm mới'', là địa bàn “giãn dân’’. Do đó đòi hỏi phải có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của chính quyền địa phương trong công tác quản lý, ở vùng chăn nuôi tập trung .

Để vùng chăn nuôi tập trung của xã phát triển bền vững, hiệu quả hơn nữa,  trong thời gian tới Đông Kinh mong các cấp sớm đầu tư đồng bộ hệ thống tiêu thoát nước, đường, điện cho vùng 2 để giảm bớt những khó khăn chung cho các hộ chuyển đổi. Đồng thời, có những chính sách ưu đãi riêng về công tác vay vốn để các trang trại phát triển theo quy mô lớn, công nghiệp hơn.

Bài: Thu Thủy

Ảnh: Thành Tâm

  • Từ khóa