Thứ 7, 27/07/2024, 06:10[GMT+7]

Xây dựng vùng chăn nuôi tập trung thí điểm ở Vũ Thắng Vì sao chững lại?

Thứ 5, 30/06/2011 | 07:03:53
1,478 lượt xem
Vũ Thắng (Kiến Xương) là một trong 7 địa phương của tỉnh thực hiện xây dựng thí điểm vùng chăn nuôi tập trung với tổng diện tích 10 ha. Sau 5 năm triển khai, mặc dù đã có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, song đến nay, vùng chăn nuôi tập trung này mới chỉ hoàn thành khâu giải phóng mặt bằng quy hoạch đất.

Vùng chăn nuôi tập trung của Vũ Thắng (Kiến Xương) đã được quy hoạch.

Trả lời về nguyên nhân chững lại của dự án, ông Ngô Xuân Tám – Chủ tịch UBND xã cho biết: Hầu hết 6 hộ gia đình đăng ký tham gia đều không đủ năng lực thực hiện dự án. Bởi thực tế nguồn vốn của các chủ hộ rất hạn chế, trong khi đó, nếu ra vùng quy hoạch chăn nuôi mỗi hộ sẽ phải trả trung bình khoảng 400 triệu đồng để mua đất quỹ I của dân theo giá của Nhà nước. Bên cạnh đó, những năm trở lại đây, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đặc biệt là trên đàn lợn diễn biến rất phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến các hộ chăn nuôi trong toàn xã, nhất là các hộ chăn nuôi có quy mô lớn. Vũ Thắng được biết đến bởi là địa phương có truyền thống trong phát triển chăn nuôi, có những thời điểm toàn xã có tới trên 2.000 con lợn. Nhưng hiện nay, rất nhiều gia đình ở Vũ Thắng “trắng”chuồng do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến người dân lo lắng không dám phát triển chăn nuôi.

Thực chất của vấn đề này; đó là, nhiều năm trở lại đây trên địa bàn xã tuy không xuất hiện dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; bởi, hàng năm địa phương đã trích 19-20 triệu đồng từ ngân sách xã chỉ phục vụ cho công tác tiêm phòng; nhưng lại bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh của các tỉnh, thành trong cả nước và các địa phương trong tỉnh khiến đàn lợn đến kỳ không thể xuất bán được. Chính vì vậy, đến nay, toàn xã chỉ còn 900 con lợn/ 1.700 hộ chăn nuôi.

Một trong những nguyên nhân nữa làm cho các hộ không nhiệt tình tham gia Dự án; đó là, giá cả chăn nuôi ngày càng tăng cao. Anh Hoàng Văn Cân (thôn 2) cho biết: Kể từ khi có Nghị quyết 12 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, anh cũng như các hộ gia đình khác rất phấn khởi, bởi chăn nuôi với quy mô lớn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, Dự án xây dựng thí điểm vùng chăn nuôi tập trung: là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Thực chất người dân trong xã rất muốn tham gia dự án, song khó khăn nhất vẫn là vốn đầu tư.

Bản thân gia đình anh Cân, năm 2005, khi tham gia đấu thầu vùng đất úng trũng ven làng xây dựng trang trại, đã đầu tư hơn 200 triệu đồng xây dựng chuồng trại với tổng diện tích 3.600 m2. Chưa kể đến số tiền phải đầu tư vào giống lợn hơn 100 triệu đồng và thức ăn chăn nuôi. Hiện tại, trang trại anh Cân đang duy trì 10 con lợn nái và 100 con lợn thịt mà hàng tháng cũng phải chi mất 50 triệu đồng tiền cám. Khi xã triển khai Dự án khu chăn nuôi tập trung, anh Cân đăng ký với xã đầu tư thêm 1 ha khu phía sau trang trại hiện có để mở rộng sản xuất nhưng chưa thực hiện được do khó khăn về vốn.

Về phía địa phương, ông Tám cũng cho biết thêm: Mặc dù xã đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhân dân, hoàn thành giải phóng mặt bằng, lập thiết kế dự toán và đầu tư hệ thống đường giao thông; song, tiến độ dự án vẫn bị chững lại. Do vậy, địa phương đành phải “khoanh tay” đứng nhìn.

 

Bên cạnh đó, xã cũng rất lo ngại về vấn đề môi trường khi dự án đi vào hoạt động. Mặc dù đã được quy hoạch, nhưng vùng chăn nuôi tập trung vẫn rất gần với khu dân cư. Nếu phát triển với quy mô lớn, địa phương e ngại bể Iogas sẽ không đủ sức chứa để xử lý hết được chất thải ra môi trường.

 

Theo quy hoạch nông thôn mới, vùng chăn nuôi tập trung đã được quy hoạch sẽ chuyển thành vùng sinh thái (bao gồm: vườn hoa, cây cảnh, ao cá) của xã. Theo chỉ dẫn của Chủ tịch xã, chúng tôi qua vùng được xã quy hoạch khu chăn nuôi tập trung. Đường xá đã được xây dựng nhưng chưa hoàn chỉnh, hệ thống mương thoát nước và đường điện vẫn chưa được đầu tư. Khu chăn nuôi đã được quy hoạch khá gần dân cư; do vậy, yếu tố môi trường chắc chắn không được bảo đảm. 

 

Ông Nguyễn Mạnh Lực – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đối với dự án chăn nuôi tập trung ở Vũ Thắng, huyện đã có sự vào cuộc rất tích cực nhằm tạo điểm nhấn trong phát triển chăn nuôi tập trung. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, dự án thực sự đi vào bế tắc.

 

Để giúp Vũ Thắng đẩy mạnh phát triển kinh tế trong công cuộc đổi mới, phát huy truyền thống anh hùng của địa phương; những năm qua, tỉnh, huyện và các cấp, các ngành đã giành nhiều sự quan tâm hỗ trợ như: công trình cải tạo lưới điện thuộc dự án điện nông thôn II, Nhà máy cung cấp nước sạch; đặc biệt huyện đã đưa dự án thí điểm xây dựng khu chăn nuôi tập trung về địa phương thực hiện. Đây là mô hình chắc chắn mang lại hiệu quả cao hơn cấy lúa, hạn chế được dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện điểm chăn nuôi tập trung ở Vũ Thắng chưa đạt được yêu cầu của mô hình chăn nuôi công nghiệp. Nhận thấy tính khả thi của dự án không cao; năm 2010, cùng với tỉnh, Kiến Xương đã tạm dừng đầu tư.

 

Để đưa một dự án chăn nuôi có quy mô lớn vào địa phương đã khó; song để dự án đi vào hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế lại càng khó hơn. Do vậy, các cấp, các ngành cùng địa phương nên một lần nữa cùng nhau bàn bạc, tháo gỡ khó khăn tìm ra hướng đi đúng đắn nhất. Nên tạo điều kiện thuận lợi giúp các hộ dân vay vốn, khoanh vùng triệt để khi có dịch bệnh xảy ra; đồng thời, tìm đầu ra vững chắc cho sản phẩm giúp các hộ yên tâm sản xuất.

                                                                Bài, ảnh: Minh Hương

  • Từ khóa