Thứ 4, 21/05/2025, 21:11[GMT+7]

Hội LHPN Hưng Hà: Kinh nghiệm thực hiện chương trình cho vay HSSV

Thứ 3, 12/07/2011 | 15:27:56
1,747 lượt xem
Thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chương trình cho vay học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn, Hội Phụ nữ Hưng Hà là 1 trong 4 đơn vị trên địa bàn nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH huyện để thực hiện chương trình này.

Ảnh chỉ mang tính minh họa

Trong quá trình thực hiện, Hội Phụ nữ Hưng Hà đã rút ra được nhiều kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả giải ngân giúp các hộ nghèo, cận nghèo có thêm điều kiện cho con em theo học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Sau 3 năm số dư nợ do Hội quản lý là gần 55 tỷ đồng, cho 3.312 hộ vay đảm bảo đúng quy định, không để xảy ra khiếu nại tố cáo gây mất đoàn kết trong dân.

 

Xác định chương trình cho vay HSSV là hoạt động có quy mô rộng lớn, thể hiện tính nhân văn và sử dụng trong đầu tư cho tương lai của đất nước, Hội Phụ nữ Hưng Hà đã  thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình để đồng vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng.

 

Trong quá trình triển khai thực hiện, các cấp Hội Phụ nữ đã kết hợp chặt chẽ với Ngân hàng, các đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền đến các xã, thị trấn, thôn làng về chính sách ưu đãi của Chính phủ. Để tránh sự hiểu lầm rằng ai cũng được vay vốn mà chỉ những gia đình nào thực sự khó khăn có con em đang theo học ở các trường ĐH, CĐ, THCN mới được thụ hưởng chương trình này, Ban quản lý các tổ tiết kiệm và vay vốn đã kết hợp với các xã, thị trấn thực hiện bình xét công khai, dân chủ.

 

Cụ thể, Hội đã hướng dẫn các tổ vay vốn kết hợp với chính quyền cơ sở tiến hành rà soát, lập danh sách những gia đình có con em đang theo học ở các trường có đủ điều kiện vay vốn thì trình UBND xã xác nhận và hoàn thiện các thủ tục để đưa ra tổ vay vốn bình xét. Tuy nhiên, đây là việc làm mới nên các cấp Hội chưa có kinh nghiệm nhiều, trong khi  đó số người có nhu cầu vay vốn cao nên trong quá trình bình xét cón lúng túng, không xác định rõ đối tượng được thụ hưởng.

 

Sau những bỡ ngỡ đó, Hội đã họp rút kinh nghiệm, đồng thời phối hợp chặt chẽ  với Ngân hàng CSXH huyện kiểm tra tại cơ sở để bổ khuyết những vấn đề còn tồn tại. Điển hình như việc tăng cường tuyên truyền để chị em hội viên hiểu rõ thế nào là HSSV có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng, điều kiện được vay; trường hợp nào khó khăn nhưng không được vay, mức vay, thời hạn trả nợ và trách nhiệm của người vay...

 

Hay việc thực hiện giải ngân của thẻ ATM bước đầu rất khó khăn, do các hộ vay vốn không đồng ý. Các gia đình cho rằng giải ngân vào thẻ ATM thì không thể quản lý được chi tiêu của con em họ và đây là hình thức mới tiếp cận nên rất khó cho việc sử dụng, phiền hà mất thời gian... Để người dân hiểu hơn về ý nghĩa, mục đích thông quả việc giải ngân qua thẻ ATM, các cấp Hội Phụ nữ Hưng Hà đã xuống tận thôn xóm, hộ gia đình tuyên truyền, như dùng thẻ sẽ quản lý tiền mặt an toàn, không mất thời gian đi lại để lấy tiền và tránh việc sử dụng tiền vay sai mục đích...Với sự nỗ lực đó, sau hơn 2 năm  triển khai giải ngân qua thẻ ATM đã có 60% số HSSV thực hiện nhận tiền vay qua thẻ “lập nghiệp” một cách nhanh chóng thuận tiện. 

 

Nhìn chung qua sự ủy thác của Ngân hàng về vốn vay HSSV, Hội Phụ nữ đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình để các gia đình có hoàn cảnh khó khăn có tiền cho con ăn học. Điển hình như gia đình chị Phạm Thị Xíu, xã Đông Đô nhờ có nguồn vốn vay từ Ngân hàng nên đã nuôi được 2 con học đại học; chị Nguyễn Thị Hiên, xã Độc Lập, thu nhập chủ yếu dựa trên mấy sào ruộng, lo cái ăn còn khó huống chi nuôi con học đại học, nhưng do được vay vốn cùng với sự chắt chiu của gia đình nên con chị đã tiếp tục được theo học. Ngoài việc đưa tiền đến tay những gia đình khó khăn, nhiệm vụ không kém phần quan trọng đó là bảo đảm được các hộ sử dụng đúng mục đích, do đó Hội Phụ nữ đã phối hợp với cán bộ hội cơ sở và ngân hàng thường xuyên kiểm tra việc sử dụng vốn vay và trả nợ đúng hạn.

 

Hàng năm, Hội Phụ nữ đều tổ chức kiểm  tra thường xuyên, định kỳ tại 100% tổ vay vốn, kiểm tra đến tận hộ vay, đồng thời tổ chức tập huấn các văn bản mới để các hộ nắm được chủ trương, chính sách về vay vốn. Không chỉ đơn thuần là  kiểm tra, kiểm soát các hộ sử dụng đúng mục đích và trả nợ đúng hạn mà còn mang ý nghĩa xã hội to lớn, bởi nguồn vốn sẽ được lưu thông giành cho các đối tượng khó khăn khác có cơ hội tiếp cận chương trình vốn vay này. Sau 3 năm đã có 630 hộ trả nợ với số tiền 3.553 triệu đồng, nhìn chung các hộ đều trả nợ đúng hạn, góp phần tạo điều kiện cho các hộ khác có thêm  cơ hội vốn vay. Một số cơ sở hội làm tốt công tác ủy thác cho vay như Hội phụ nữ xã Thái Phương với 7 tổ tiết kiệm và vay vốn, giải quyết cho 168 hộ, dư nợ đến nay gần 3 tỷ đồng, không có nợ quá hạn; Hội Phụ nữ xã Tiến Đức quản lý 9 tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ trên 2,2 tỷ đồng...

 

Theo kiến nghị của Hội Phụ nữ Hưng Hà, trong thời gian tới để chương trình cho vay HSSV đạt hiệu quả cao hơn cần phải nâng mức vay, do học phí và giá cả tăng cao; nâng mức phí ủy thác cho các đơn vị, tỷ lệ như hiện nay chưa phù hợp; bố trí nguồn vốn ngay từ đầu năm học, nếu không các HSSV rất khó khăn với các khoản đóng góp ngay khi nhập học. Ngoài ra, các trường khi phát hành giấy xác nhận cho HSSV cần theo một mẫu quy định để tránh phiền hà cho các đối tượng vay vốn...

  

Nguyên Bình

  • Từ khóa