Thứ 4, 31/07/2024, 13:31[GMT+7]

Người chăn nuôi ở Thái Thụy Trăn trở nỗi lo tái đàn

Thứ 6, 26/08/2011 | 10:09:11
1,387 lượt xem
Sau các đợt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm liên tiếp xảy ra, thời gian gần đây, giá lợn hơi liên tục được đẩy lên với mức cao " kỷ lục" từ 60 đến 70 ngàn đồng/kg. Nhờ vậy sau 2 tháng, người chăn nuôi có thể lãi từ 800 ngàn đồng đến trên 1,2 triệu đồng/con lợn. Phấn khởi vì lợn thịt bán được giá, song hầu hết các chủ trang trại, gia trại ở Thái Thụy hiện vẫn canh cánh nỗi lo trong việc tái đàn.

  một vùng chuyển đổi 20 ha, 120 trang trại, gia trại, những năm qua nguồn thu  từ chăn nuôi đóng góp khoảng 40% giá trị sản xuất của xã Thụy Hưng. Ông Trần Văn Hiểu, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: "Chăn nuôi là nghề chính của nhiều người dân địa phương. Toàn xã hiện có khoảng 44.000 con gà, vịt đẻ - thương phẩm, 16.000 con lợn nái, lợn thịt, chưa kể các ao cá.

 

Từ đầu năm đến nay, giá thực phẩm liên tục tăng, đặc biệt là giá lợn hơi ở mức cao nên nhiều hộ lãi ròng cả trăm triệu đồng. "Duy trì nghề chăn nuôi lợn nái ngoại 3 năm nay với quy mô 10 con nái, 70 đến 80 con lợn thịt kết hợp cung ứng cám chăn nuôi phục vụ bà con, mỗi năm anh Phạm Văn Toàn thu lãi từ 60 đến 70 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, anh xuất chuồng 6 tấn lợn hơi, lãi gần 100 triệu đồng. Hiện trong chuồng còn 40 con, chuẩn bị xuất bán, dự kiến có thêm nguồn thu đáng kể. Anh Toàn cho biết: "Nuôi lợn nái ngoại dễ bán hơn lợn nội rất nhiều, lãi cao hơn khoảng 30%. Đàn lợn đến kỳ xuất chuồng, thương lái tìm đến mua hết đến đó.

 

Tuy nhiên, chi phí đầu tư cho chuồng trại, văcxin, thức ăn nuôi lợn nái ngoại rất lớn, việc chăn nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật. Đặc biệt, nguồn lợn giống để sinh sản khan hiếm, giá rất đắt, lợn đực giống 12 triệu đồng/con, lợn nái sinh sản 8 triệu đồng/con. Tôi phải lên tận trại giống của Công ty CP ở Hà Nội, đăng ký đợi 5 tháng mới mua được lợn về ". 

 

Góp thêm lời anh Toàn, anh Nguyễn Văn Hiện  chia sẻ : " Gia đình tôi nuôi lợn nội, sau 2 lứa xuất bán 74 con, lãi 50 triệu đồng, trong nhiều năm nuôi lợn chưa bao giờ lãi lớn thế này. Trong chuồng nhà còn mấy chục con nữa  đã đến kỳ bán nhưng hiện nay giá lợn hơi đã giảm 10.000 đ/kg, nhiều thương lái đến xem nhưng vẫn chần chừ chưa mua. Nếu thịt lợn hơi cứ giảm, giá lợn giống vẫn đắt thì từ nay đến cuối năm tôi cũng chỉ nuôi thêm một lứa nữa thôi".

 

Chung niềm vui với các chủ trang trại ở Thụy Hưng, những ngày này người nuôi lợn ở vùng chăn nuôi tập trung xã Thụy Ninh cũng rất phấn khởi. Với  23 trang trại, thường xuyên nuôi 1.000 con lợn, vào thời điểm lợn tăng giá hầu như hộ nào cũng lãi từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Ông Phạm Văn Hồng cho biết: " Mấy chục năm làm nghề chăn nuôi, chưa bao giờ nuôi lợn thuận như năm nay.  Tôi nuôi 20 lợn nái, 100 lợn thịt, gần 1.000 gà vịt, 200 con thỏ, thả  1 mẫu cá. Tính đến hết tháng 7, sau khi cộng sổ gia đình lãi khoảng 300 triệu đồng, trong đó phần lớn là nguồn thu từ lợn. Hiện tôi đang chuẩn bị tiếp tục tái đàn nhưng cái khó nhất là đầu năm do không tính toán kỹ vội vàng thay nái giờ chưa kịp sinh sản lợn con, mua ở ngoài thị trường rất khan hiếm mà giá lại cao".

 

Tuy nuôi lợn hiện đang thu lợi nhuận ở mức cao nhưng có một nghịch lý là đa số  người chăn nuôi ở Thái Thụy đều rất thận trọng và e dè trong việc tái đàn, mặc dù thời điểm này lẽ ra phải vào giống để  chuẩn bị nguồn hàng cung ứng dịp cuối năm. Thứ nhất là do: hiện tại giá lợn hơi đã giảm bình quân 10 ngàn đồng/kg, sức mua bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Nhiều hộ sợ quy luật “giá cao rồi sẽ giảm”, nếu đồng loạt tái đàn trong điều kiện tình hình dịch bệnh còn diễn biến rất phức tạp, có thể xảy ra bất cứ lúc nào sẽ rủi ro rất lớn.

 

Thêm một lý do nữa, giá lợn giống hiện đang ở mức rất cao: lợn lai kinh tế giá khoảng 700 ngàn đồng/con trọng lượng 4kg, lợn 3 máu khoảng 1,1 triệu đồng/con trọng lượng 7 kg, còn lợn con giống ngoại dao động từ 1,8 đến 2,2 triệu đồng/ con. Không chỉ giá cao mà nguồn cung cũng hạn chế. Trên địa bàn huyện, đến nay không có một trại sản xuất lợn giống ngoại quy mô lớn, hầu hết lợn con được các chủ trang trại tự nhân giống hoặc mua gom của các hộ nuôi nhỏ lẻ về thả tập trung.

 

Mấy năm gần đây, dịch bệnh liên tiếp  xảy ra khiến đàn lợn nái giảm đáng kể, tư thương lại không ngừng thu gom lợn con để xuất bán sang Trung Quốc khiến nguồn giống trên địa bàn rất khan hiếm. Do vậy, sau khi xuất lợn thịt, người chăn nuôi ở Thái Thụy đang đứng trước nguy cơ thiếu con giống để tái đàn. Vấn đề tiếp theo là vốn, bởi hầu hết các chủ trang trại, gia trại chăn nuôi lợn quy mô vài chục con trở lên đều cần một lượng vốn khá lớn. Sau bao năm lao đao vì dịch bệnh, nhiều hộ khánh kiệt, mới trúng đậm một, hai lứa lợn chưa ăn thua gì trong khi vốn vay ngân hàng lãi suất ở mức cao, giá thức ăn chăn nuôi cũng liên tục tăng.

 

Những khó khăn trong việc tái đàn đối với các chủ trang trại, gia trại ở Thái Thụy  cũng là những khó khăn chung đối với người chăn nuôi ở tỉnh ta hiện nay. Vì vậy, tỉnh, huyện, các ngành chuyên môn cần tích cực vào cuộc, khảo sát nắm tình hình, tìm giải pháp tháo gỡ. Trước mắt, tạo cơ chế, chính sách thuận lợi, phù hợp khuyến khích người dân duy trì đàn lợn nái để tái đàn, kết hợp làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh nhằm hạn chế rủi ro. Tiếp tục hỗ trợ xây dựng các vùng nhân giống tập trung tại các địa phương, trang trại để sản xuất nguồn giống tốt, bảo đảm chất lượng phục vụ nhu cầu mở rộng sản xuất của người chăn nuôi. Chỉ đạo các Công ty, trang trại sản xuất giống quy mô lớn tăng cường thu mua thêm nguồn giống ở các địa phương khác, ưu tiên bán giống cho nông dân, những hộ chăn nuôi quy mô lớn. Các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho người chăn nuôi được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi, tạo tâm lý ổn định cho người chăn nuôi sau các đợt dịch bệnh, yên tâm tái đàn.... có như vậy mới từng bước góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi của tỉnh ta phát triển ổn định, bền vững.

 

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

 

 

  • Từ khóa