Thứ 4, 31/07/2024, 07:25[GMT+7]

Có phải chăn nuôi lợn đang “thắng đậm”?!

Thứ 6, 26/08/2011 | 10:13:17
1,607 lượt xem
Thời gian qua, giá thịt lợn hơi có lúc lên tới 70 - 73.000đ/kg, nhiều ý kiến cho rằng, người nuôi đã đạt tới mức lãi “kỷ lục”: 4 triệu đồng/con (khoảng 100kg). Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, liệu đó có phải số lãi thực sự và tại sao lãi lớn như vậy mà người nuôi vẫn “treo chuồng”, giảm quy mô, ngại tái đàn.

Chăn nuôi lợn tập trung ở Tiền Hải.

Hãy làm một phép tính: Lợn con từ khi tách mẹ (6kg) tới lúc xuất chuồng (100kg) ăn hết khoảng 230 - 250 kg thức ăn. Với giá thức ăn hiện tại, chi phí này khoảng 3 triệu đồng. Cộng thêm các khoản chi khác (tính trên đầu con): tiền thuốc thú y 50.000đ; khấu hao chuồng trại 50.000đ; nhân công, điện, nước... khoảng 100.000đ thì tổng mức chi phí là 4,8 triệu đồng/ con. Tạm tính giá lợn 70.000đ/kg lợn hơi (nguyên con) thì người chăn nuôi lãi khoảng 2,2 triệu đồng/ con.

 

Thế nhưng, theo các chủ trang trại thì đó chỉ là phép tính thuần túy, dẫn đến thời gian vừa qua các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin người chăn nuôi đạt lãi đến 4 triệu đồng/con và có ý kiến của cơ quan chức năng định cho nhập khẩu thịt lợn nhằm giảm cơn sốt giá thịt lợn. Cũng theo các chủ trang trại, cần đưa tỷ lệ hao hụt khi có dịch bệnh (30%) vào chi phí giá thành, bởi khi có dịch, phần hỗ trợ của Nhà nước chỉ mang tính động viên, thiệt hại kinh tế chủ yếu người nuôi phải gánh chịu.

 

Ngoài ra, trong “cơn bão” lạm phát, giá thức ăn, thuốc thú y, nhân công, điện, lãi suất ngân hàng... đều tăng, cộng với chi phí phân phối lưu thông khiến chi phí thực tế phải là 6 triệu đồng/ con, chứ không phải 4,8 triệu đồng/ con, như cách tính ở trên. Như vậy, lãi thực chỉ còn 1 triệu đồng/con và trong trường hợp hao hụt trên 50% thì chắc chắn lỗ. Đó chỉ là một trong những nguyên nhân khiến người chăn nuôi giảm quy mô, ngại tái đàn, thậm chí có nơi “treo chuồng” bỏ hẳn.

 

Chúng tôi có cuộc khảo sát thực địa tại Tiền Hải, một huyện tương đối mạnh của tỉnh trong phát triển chăn nuôi. Hết quý 1 năm 2011, toàn huyện xuất chuồng 9.840 tấn thịt lợn hơi, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Kỹ sư Nguyễn Thanh Liêm, Phó trưởng Phòng nông nghiệp huyện cho biết, chăn nuôi gia súc, gia cầm tuy có những bước chuyển biến tích cực, song cần phải có những nỗ lực hơn nữa. Để có nền chăn nuôi phát triển, cần tập trung phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại và đáp ứng hai yếu tố quan trọng, đó là nguồn vốn và cơ sở hạ tầng.

 

Theo tính toán của các chủ trang trại, kể từ lúc làm chuồng trại đến xuất chuồng lợn con, chưa kể tiền đất, suất đầu tư cho lợn nái là 40 triệu đồng/con. Trang trại Thái Hoa, xã Đông Lâm hiện đang chăn nuôi 1.200 lợn nái, đồng nghĩa vốn đầu tư lên tới 48 tỷ đồng. Trang trại đã đầu tư gần chục tỷ đồng nhưng vẫn chưa thể  đáp ứng nhu cầu đầu tư bài bản. Tiếp cận nguồn vốn ngân hàng khó khăn, với điều kiện hiện tại, cũng như nhiều hộ chăn nuôi khác, chủ trang trại đành phải lựa chọn chăn nuôi gia công. Anh Thái, chủ trang trại cho rằng, nếu tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, Nhà nước có chính sách hỗ trợ vốn tối thiểu trong hai năm đầu, trang trại có thể tự tổ chức chăn nuôi, mà không phải làm thuê cho nước ngoài. Ngoài vốn, vấn đề đất (thuê hoặc mua) còn nhiều vấn đề gây khó cho các chủ trang trại. Vì đáp ứng yêu cầu xa khu dân cư nên thiếu nhiều yếu tố thuận tiện cho chăn nuôi như đường giao thông (thiếu, kém), điện (yếu, hay bị cắt).

 

Thêm vào đó, để khuyến khích đầu tư, đất sử dụng phải từ 20 năm trở lên, nhưng qua số liệu tại khu chăn nuôi tập trung xã Nam Thắng, hầu hết các chủ trang trại chỉ còn hạn 2 năm (đến 2013) là hết hạn thuê. Điều này khiến trang trại không thể thế chấp đất để vay vốn ngân hàng, nếu có vốn cũng chỉ đầu tư “dè dặt” để “nghe ngóng” cơ chế, chính sách. Một nguyên nhân nữa, cuối 2010 do ảnh hưởng dịch, một số hộ chăn nuôi bị lỗ, nợ ngân hàng, sang năm 2011, do chính sách thắt chặt tiền tệ, ngân hàng thu hẹp các khoản vay, lãi suất lại cao (khoảng 23%/năm, lãi suất thỏa thuận có thời điểm 25%/năm) nên nhiều chủ trang trại không còn khả năng tái đầu tư.

   

Chăn nuôi nhỏ lẻ, gia trại khi xảy ra dịch bệnh khó kiểm soát nên nguy cơ lỗ luôn đe dọa, chăn nuôi tập trung thì chưa đến “tầm” trên nhiều phương diện, chỉ còn chăn nuôi gia công, mà thực chất là làm thuê, chủ yếu làm giàu cho chủ nước ngoài. Điều đó lý giải tại sao, trong thời kỳ “hoàng kim” của thịt lợn mà quy mô, sản lượng thịt lợn vẫn giảm, người chăn nuôi vẫn ngại tái đàn. Thiết nghĩ, cần có chính sách hỗ trợ đồng bộ, phù hợp của Nhà nước trong chăn nuôi, mà trước mắt là tập trung hỗ trợ vốn, quỹ đất, khoa học kỹ thuật...

 

Bài, ảnh: Phan Anh

                                                                                  

 

 

  • Từ khóa