Thứ 3, 30/07/2024, 19:15[GMT+7]

Giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững

Thứ 6, 26/08/2011 | 10:28:37
1,821 lượt xem
Hiện nay, hình thức chăn nuôi truyền thống ở các địa phương với quy mô nhỏ lẻ, phân tán chiếm tỷ lệ khá cao và đang phải đối mặt với những thách thức về dịch bệnh, giá thức ăn cao, vệ sinh an toàn thực phẩm...làm giảm hiệu quả, tính bền vững của ngành chăn nuôi.

Gia trại chăn nuôi của một hộ nông dân ở xã Dân Chủ, huyện Hưng Hà tại vùng chuyển đổi. Ảnh: Hiền Trâm

Mấy năm gần đây dịch bệnh ở gia súc, gia cầm luôn hoành hành đã gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi; giá con giống, thức ăn vật nuôi tăng 40 – 50%...khiến các hộ chăn nuôi thu hẹp đàn hoặc ngừng đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, hiện vẫn có nhiều trang trại phát triển mạnh về số lượng, chất lượng, chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. Những trang trại này đã phát triển theo hình thức chăn nuôi quy mô lớn, đây là giải pháp chiếm ưu thế nhất trong giai đoạn hiện nay, nó đem lại hiệu quả và an toàn nhất.

 

Thực tế đã chứng minh hình thức chăn nuôi trang trại quy mô lớn theo phương pháp công nghiệp đã khắc phục được những tồn tại, khó khăn của chăn nuôi truyền thống. Cụ thể, các trang trại quản lý được đầu vào về giống, thức ăn, thú y và đưa kỹ thuật công nghệ tiên tiến vào sản xuất; đồng thời kiểm soát được dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm tốt hơn, số vòng quay đàn nhanh, hạ giá thành sản phẩm, tăng năng suất lao động và thu nhập.

 

Năm 2010, toàn tỉnh có 7 trang trại tự đầu tư nuôi lợn nái ngoại khép kín, bình quân có 351,4 lợn nái/ trang trại. Các trang trại này đã sản xuất được 47.132 lợn con; lợn con nuôi đến khi xuất chuồng  đạt 4.119,42 tấn, bình quân 686,57 tấn/trang trại; tổng doanh thu gần 60 tỷ đồng. Điển hình như doanh nghiệp Hoàng Liễn, xã Song An (Vũ Thư), nuôi 350 lợn nái, xuất 8.050 lợn thịt, sản lượng 764,75 tấn, lợi nhuận trên 2 tỷ đồng.

 

Đối với chăn nuôi gia cầm thịt và sinh sản có 9 trang trại, với tổng diện tích 11,58 ha, bình quân 1,29 ha/ trang trại; quy mô 8000 con/ lứa trở lên, gia cầm sinh sản từ 5000 con trở lên. Các trang trại này đều làm chủ được về dịch bệnh, con giống, thị trường...do đó đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Anh Nguyễn Trọng Phúc, giám sát chăn nuôi – Công ty Japfa comfeed Việt Nam, tại xã Đông Hải (Quỳnh Phụ) cho biết: Đây là nhà máy chuyên ấp trứng gia cầm đã đi vào hoạt động từ tháng 10/2010, với công suất trên 20 triệu gà giống/ năm; Công ty chủ yếu tiếp nhận trứng giống của các trại giống bố mẹ và ấp thành gà con một ngày tuổi để cung ứng cho thị trường trong tỉnh...Nhà máy hoàn toàn khép kín và áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật về phòng chống dịch bệnh, nên sản phẩm rất an toàn cho người chăn nuôi. Với hình thức sản xuất này, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho công ty mà đối với các trang trại cũng rất yên tâm về đầu vào làm tiền đề cho thắng lợi các bước tiếp theo.

 

Theo khảo sát và đánh giá của ngành nông nghiệp, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, chăn nuôi gia công trên địa bàn tỉnh chưa có trường hợp nào gặp rủi ro về dịch bệnh và lỗ vốn. Do đó, hình thức chăn nuôi trang trại quy mô lớn trong giai đoạn hiện nay là ưu việt hơn cả, cần được phổ biến rộng rãi để hướng tới một nền sản xuất an toàn, bền vững.

 

Theo quan điểm chỉ đạo của tỉnh, trong thời gian tới cần phải phát triển nhanh trang trại chăn nuôi quy mô lớn, đây là hướng chủ đạo và hiệu quả nhất để khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, nhằm loại bỏ dần chăn nuôi phân tán nhỏ lẻ. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong các khâu sản xuất, gắn chăn nuôi với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Mở rộng hợp tác với các công ty, thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng. Tuy nhiên, bước đầu chủ yếu khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại liên doanh, tiếp đó là từng bước áp dụng hình thức tự đầu tư phát triển trang trại quy mô lớn khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ.

 

Trong quá trình phát triển loại hình chăn nuôi này, tỉnh cần có cơ chế chính sách ưu đãi để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư. Để bảo đảm phát triển trang trại chăn nuôi quy mô lớn theo sự chỉ đạo của tỉnh đã đề ra, trước hết các ấp uỷ, chính quyền, tổ chức đoàn thể cần phải đẩy mạnh tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức, tư tưởng của người dân. Quy hoạch đất theo vùng tập trung để phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới và được chuyển mục đích sử dụng đất từ sản xuất trồng trọt sang chăn nuôi, xa khu dân cư, thuận lợi giao thông, xử lý môi trường, với thời gian tối thiểu 30 năm. Trước mắt mỗi huyện lựa chọn quy hoạch 2-3 vùng, diện tích từ 25 ha/vùng trở lên. Các vùng chăn nuôi này được đầu tư hỗ trợ cơ sở hạ tầng, như đường giao thông, điện, xử lý môi trường...Các nhà đầu tư vào các vùng chăn nuôi trang trại quy mô lớn phải có tiềm lực về vốn, năng lực quản lý sản xuất, tổ chức thị trường.

 

Ngay trong năm 2011, toàn tỉnh phấn đấu có 43 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, trong đó 23 trang trại chăn nuôi gia công, 20 trang trại tự đầu tư. Đến năm 2015, có 158 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, trong đó 110 trang trại chăn nuôi gia công, 48 trang trại tự đầu tư. Mục tiêu chung là tăng nhanh tỷ trọng các sản phẩm chăn nuôi được sản xuất theo phương thức chăn nuôi trang trại, công nghiệp, an toàn sinh học bảo đảm an toàn dịch bệnh, thực phẩm, bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng và xuất khẩu.

                                                                                                     Nguyên Bình

 

 

  • Từ khóa