Thứ 2, 29/07/2024, 09:30[GMT+7]

Vì sao các hộ chăn nuôi không mặn mà trước lợi nhuận cao?

Thứ 6, 26/08/2011 | 14:42:08
1,692 lượt xem
Chưa bao giờ giá lợn thịt và lợn giống cao như hiện nay. Theo tính toán của các chủ trang trại, một con lợn giống (6kg) nuôi đến khi được xuất bán (100kg) mất khoảng 4,5 tháng, trừ mọi chi phí lãi từ 800 – 1 triệu đồng/ con; một trang trại chỉ cần nuôi 100 đầu lợn đã có lời trên 80 triệu đồng/ lứa, một năm có thể nuôi được từ 2 -3 lứa lợn...   Các tin, bài liên quan: >> Giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững >> Có phải chăn nuôi lợn đang “thắng đậm”?! >> T

Mặc dù lợi nhuận từ nuôi lợn khá cao, song việc tái đàn ở các hộ chăn nuôi lại diễn ra khá chậm, nhiều trang trại còn lo lắng trước giá lợn thịt, lợn giống tăng giá. Vậy đâu là nguyên nhân khiến các hộ chăn nuôi không mặn mà trước lợi nhuận từ chăn nuôi đem lại như hiện nay?

 

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, 6 tháng đầu năm tổng đàn lợn tăng 5,41 % so với 1/10/2010. Ông Mai Xuân Chưởng, Trưởng phòng chăn nuôi – Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết, mặc dù có sự tăng trưởng khá nhưng việc tái đàn trong toàn tỉnh vẫn diễn ra khá chậm. Nguyên nhân do, dịch bệnh tai xanh, lở mồm long móng và thời tiết rét đậm kéo dài; giá lợn giống tăng cao; các hộ chăn nuôi khó tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng, có vay được vốn thì lãi suất quá cao khiến các hộ không giám mạo hiểm vay tiền để đầu tư. Việc tái đàn chậm còn do dịch bệnh làm chết lợn nái từ năm trước, bởi chu kỳ sản xuất chăn nuôi diễn ra trong thời gian dài, từ nuôi lợn nái – sinh sản – lợn thịt nhanh cũng mất hơn 1 năm...Do tái đàn chậm đã dẫn đến tình trạng cung không đáp ứng được cầu, nên giá lợn thịt hơi trên thị trường tăng mạnh, gần gấp đôi so với năm 2010.

 

Ông Đặng Xuân Chính, khu 4, thị trấn Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ), một người có nhiều kinh nghiệm về nuôi lợn cũng đã phải giảm số đầu lợn thịt, lợn nái trước tình hình hiện nay. Trang trại của ông có 2 dãy nhà khép kín nuôi lợn nái và 1 dãy nuôi lợn thịt, mỗi chuồng trại có gần 200 ô nuôi lợn, nhưng chỉ có gần 50% số ô được thả, còn lại trống trơn khung sắt. Ông Chính cho biết, hiện tại trang trại có 80 con lợn nái (giảm 40 con), 50 con lợn thịt (giảm 250 con) so với trước đây. Với 80 con lợn nái, bình quân một năm cho ra đời 1.760 con lợn giống, giá hiện tại là 1.850 nghìn đồng/ con giống; tổng thu đạt trên 3,2 tỷ đồng/ năm. Đối với lợn thịt thời gian nuôi là 4,5 tháng, trừ mọi chi phí lãi trên 800 nghìn đồng/ con.

 

Ông Chính cho hay, chưa bao giờ giá lợn giống lại đắt như hiện nay, năm 2010 đỉnh điểm cũng chỉ đạt 1,2 triệu đồng/ con giống; lợn thịt hơi giá cũng tăng gần gấp đôi. Mặc dù lợi nhuận từ nuôi lợn của gia đình ông không nhỏ, nhưng ông cũng rất thận trọng trong việc tăng số đầu lợn. Bởi trước đây (năm 2007) khi trang trại ông chuẩn bị cho thu hoạch lứa lợn đầu tiên thì cũng là tai họa dịch tai xanh ập đến, thiệt hại trên 500 triệu đồng.

 

Tuy nhiên, đây cũng không phải là nguyên nhân chính khiến ông phải thu hẹp đàn lợn, bởi trang trại đã được áp dụng chăn nuôi theo quy trình nghiệm ngặt như của Công ty CP Thái Lan; từ sau đại họa tai xanh năm 2007 đến nay, trang trại của gia đình ông luôn được an toàn trước dịch bệnh. Điều khiến ông lo lắng đó là giá lợn giống và thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi đó giá đầu ra lại không ổn định.

 

Thực tế tổng chi chi phí từ tiền lợn giống, thức ăn chăn nuôi, tiêm phòng dịch bệnh... đến khi lợn được xuất bán là 5,2 triệu đồng/ con, như giá lợn thịt hơi hiện tại thì lãi được trên 800 nghìn đồng/ con; cũng với chi đó, nhưng sau 4,5 tháng được bán nếu giá xuống còn 35 nghìn đồng/ kg (bằng giá năm 2010) thì người chăn nuôi lỗ to. Do đó, trang trại gia đình ông Chính chọn giải pháp an toàn là nuôi lợn nái, vừa được giá, lợi nhuận cao và không phải lo mất giá đầu ra nhiều.

 

Theo ông Chính, hiện nay các chủ trang trại chậm tái đàn còn do nguyên nhân lãi suất ngân hàng quá cao, nếu vay để đầu tư chăn nuôi thì không còn lãi, trong khi đó rủi ro cao. Đồng thời người chăn nuôi còn nghe ngóng thị trường, nếu tất cả ồ ạt đầu tư vào lúc này thì điều tất yếu sẽ xảy ra là cung có thể vượt cầu, hoặc bão hoà khiến giá lợn thịt giảm. Ngoài ra, để bình ổn giá thị trường, nhất là vào dịp cuối năm, có thể sẽ có sự can thiệp mạnh của các ngành chức năng nên giá lợn chắc không còn cao như hiện nay...

           

            Theo ông Mai Xuân Chưởng, để bảo đảm an toàn dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, đẩy nhanh việc tái đàn cũng như tránh rủi ro cho các hộ chăn nuôi cần phải tuyên truyền mạnh làm chuyển biến nhận thức, tư tưởng của người chăn nuôi. Trước hết phải phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại quy mô lớn, bằng việc vận động các chủ trang trại có vốn, kể cả những doanh nghiệp, hộ dân hiểu về lợi ích, hiệu quả bền vững của hình thức chăn nuôi này. Đồng thời phát huy vai trò của cấp uỷ, chính quyền, tổ chức đoàn thể các cấp trong việc tuyên truyền, chỉ đạo, tạo điều kiện về đất đai, hướng dẫn đầu tư để giúp các doanh nghiệp, chủ trang trại, hộ dân yên tâm đầu tư cho chăn nuôi.

 

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho người chăn nuôi vay vốn và các cấp có thẩm quyền có cơ chế chính sách ưu đãi ở lĩnh vực này. Đặc biệt là việc phòng chống dịch bệnh phải được thực hiện nghiêm ngặt và đồng bộ. Theo đó, các ngành chức năng thường xuyên mở các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ thú y cơ sở và người chăn nuôi trên địa bàn. Triển khai các đợt tiêm phòng theo kế hoạch và tiêm bổ sung thường xuyên cho đàn gia súc đến tuổi tiêm phòng về dịch bệnh lở mồm long móng, tai xanh...

 

Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động nguồn hoá chất, vôi bột và động viên các hộ chăn nuôi tự mua để tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Tăng cường kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm theo quy định. Triển khai các quy định về đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh đến các đơn vị, cá nhân sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh...

 

Ông Mai Xuân Chưởng nhận định, mặc dù ngành chăn nuôi gặp tương đối khó khăn, song từ nay đến cuối năm khả năng vẫn có sự tăng trưởng khá, cơ cấu đàn sẽ đạt so với kế hoạch tỉnh giao; tổng đàn lợn dự kiến đạt trên 1,1 triệu con và 9,5 triệu con gia cầm; tăng  9,5% so với năm 2010.

                                                                                                                        Nguyên Bình

 

  • Từ khóa