Thứ 3, 02/07/2024, 20:17[GMT+7]

Quỳnh Phụ Có một vụ đông "cực sớm"

Thứ 3, 27/09/2011 | 10:09:08
1,328 lượt xem
Trong khi hầu hết diện tích lúa mùa của các địa phương mới đang ở giai đoạn làm đòng và trổ bông thì một số xã ở huyện Quỳnh Phụ nông dân đã bắt tay vào việc thu hoạch lúa mùa và gieo trồng cây vụ đông ưa ấm.

Trà bí đông sớm tại Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) đã cho trái đầu mùa

 

Năm 2011 này, toàn huyện Quỳnh Phụ phấn đấu gieo trồng 6.200ha cây rau màu các loại, trong đó riêng trà vụ đông gieo trồng trước 25/ 9 chiếm khoảng 1.200ha. Có thể coi đây là trà vụ đông "cực sớm" của huyện.

 

Trao đổi với chung tôi, anh Nguyễn Văn Nhiễm- Trưởng phòng NN& PTNT huyện Quỳnh Phụ tự hào cho biết, tính đến ngày 5/ 9 đã có khoảng 6.000ha lúa mùa của huyện trổ bông và vào mẩy, tương đương khoảng 50% diện tích; đến giữa tháng 9 đã có trên 90% diện tích lúa mùa trổ bông. Dự kiến đến ngày 5/ 10 tới sẽ có khoảng 6.000ha lúa mùa cho thu hoạch, hoàn toàn đủ quỹ đất để gieo trồng cây vụ đông theo kế hoạch, kể cả nhóm cây ưa ấm.

 

Nếu so với các năm trước thì thời vụ thu hoạch lúa mùa ở một số xã có chậm hơn đôi chút, nhưng vẫn bảo đảm hoàn toàn nằm trong khung thời vụ tốt nhất để gieo trồng các loại cây ưa ấm. Để có được kết quả này, ngay từ vụ lúa xuân, huyện Quỳnh Phụ đã phải đồng thời giải quyết hai bài toán nan giải, đó là tìm diện tích đất để gieo mạ mùa và đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa xuân kết hợp làm đất kịp thời vụ không để mạ chờ đất.

 

Việc thu xuân, làm mùa được thực hiện theo thứ tự ưu tiên vùng trồng cây vụ đông sớm thu hoạch và làm đất trước, vùng trồng cây ưa lạnh và để ải thu hoạch sau. Còn việc gieo mạ mùa được chỉ đạo theo 3 hướng, hạn chế gieo mạ dược vì không có quỹ đất và thời gian sinh trưởng của mạ mất quá nhiều thời gian; tận dụng quỹ đất chuyên màu để gieo mạ dược; khuyến khích các hộ tận dụng sân, vườn, ngõ đi, khoảnh đất trống ven sông... để gieo mạ theo phương pháp trên nền đất cứng, cách làm này vừa chủ động được quỹ đất vừa rút ngắn đáng kể khoảng thời gian từ khi gieo mạ đến khi cấy.

 

Cũng chính vì vậy mà Quỳnh Phụ là một trong những huyện hoàn thành gieo cấy lúa mùa sớm nhất tỉnh. Riêng trà lúa mùa sớm và cực sớm cơ bản đảm bảo theo kế hoạch, cả về diện tích và thời vụ. Xuất phát từ đặc điểm đa số diện tích cây vụ đông ở Quỳnh Phụ đều là nhóm cây ưa ấm, đòi hỏi rất khắt khe về thời vụ nên ngoài các giải pháp trên, nhiều xã còn chỉ đạo bố trí hoàn toàn trà lúa mùa sớm và cực sớm bằng các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn như: QR1, P6, N87, TH3- 3... Hầu hết các giống lúa này đều có thời gian sinh trưởng chỉ khoảng 90- 105 ngày là có thể cho thu hoạch.

           

Riêng với diện tích trà lúa mùa cực sớm đã bắt đầu cho thu hoạch từ ngày 10/ 9. Đến nay các xã đã thu hoạch xong toàn bộ 1.200ha và chuyển sang gieo trồng các cây rau màu ưa ấm. Những xã có diện tích trà lúa mùa cực sớm tương đối lớn là Quỳnh Hải, Quỳnh Hội, Quỳnh Minh, An ấp, An Cầu, Quỳnh Hồng, An Thái, An Đồng... Đây đều là các xã có truyền thống trồng cây vụ đông ưa ấm, phần lớn diện tích trà lúa mùa cực sớm sau thu hoạch được các hộ dân chuyển sang trồng ớt, bí xanh, su hào, bắp cải... Do chủ yếu sử dụng phương pháp đặt bầu nên đến nay một số diện tích cây màu sớm đã bén rễ lên xanh, cá biệt có nơi những ruộng ớt đã trổ lứa hoa đầu.

 

Điều đáng nói là mặc dù thu hoạch từ rất sớm nhưng năng suất của trà cực sớm vẫn khá cao, tương đương với trà đại trà.Thực tế các xã đã thu hoạch cho thấy, năng suất chung vẫn đạt từ 55- 60 tạ/ ha, một số giống như QR1 đạt 2,3 tạ/ sào, P6 đạt 1,8 tạ/ sào, N87 đạt 2 tạ/ sào... Tuy nhiên, điều mà người dân quan tâm không phải là năng suất lúa cao hay thấp mà chủ yếu là sau thu hoạch họ có thể gieo trồng các cây vụ đông "cực" sớm. Việc gieo trồng các cây màu theo kiểu lệch vụ, trái vụ khi mà hầu hết các xã chưa trồng được đã mang lại cho họ nhiều cái lợi như: giảm sức ép cạnh tranh trên thị trường, do sản phẩm trái vụ nên rất dễ tiêu thụ; giá sản phẩm thường rất cao, điển hình như cây ớt nếu trồng trái vụ giá có thể đạt 37.000- 40.000đ/ 1kg, trong khi giá lúc đại trà chỉ 15.000- 20.000đ/ 1kg, thậm chí thấp hơn; nếu gieo trồng sớm người nông dân có thể kéo dài thời gian thu hoạch (như với cây ớt) hoặc luân canh thêm một số lứa cây nữa (như với su hào, bắp cải), vì vậy mà lợi nhuận mang lại cũng cao hơn hẳn.

           

Việc gieo trồng cây vụ đông ưa ấm trên chân đất hai lúa đã có nhiều nơi làm được, nhưng hình thành được trà lúa mùa cực sớm và gieo trồng các cây màu "cực sớm" trên vùng đất hai lúa thì không đâu thành công bằng Quỳnh Phụ. Ngay giữa các xã có trà lúa mùa cực sớm cũng tìm nhiều cách để đẩy thời vụ lên sớm hơn. Với một số hộ dân ở Quỳnh Minh hay Quỳnh Hải thì hoàn thành gieo cấy trà lúa mùa cực sớm trước 30/ 6 với họ như thế là "muộn", vì nhiều gia đình tại đây đã hoàn thành cấy trà lúa mùa cực sớm ngay từ cuối tháng 5 dương lịch khi mà nhiều nơi lúa mùa mới bắt đầu vào mẩy.

 

Bài, ảnh: Vũ Mạnh

  • Từ khóa