Thứ 3, 20/05/2025, 02:04[GMT+7]

Điểm sáng thu hút hội viên công giáo

Thứ 6, 07/10/2011 | 15:26:41
1,550 lượt xem
Kinh tế gia đình ngày càng được nâng cao, đời sống tinh thần được cải thiện, các nữ giáo dân thôn Văn Lang tự nguyện xin vào sinh hoạt Hội ngày càng đông; vì vậy BCH Chi hội không còn phải vất vả đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà làm công tác tư tưởng nữa. Điều đó càng thêm chứng tỏ, Chi hội phụ nữ thôn Văn Lang đã thực sự trở thành địa chỉ tin cậy của phụ nữ giáo dân.

Phụ nữ xã Thượng Hiền (Kiến Xương) với nghề mây tre đan truyền thống. Ảnh: Ngọc Linh

Thôn Văn Lang, xã Thượng Hiền (Kiến Xương), có 537 hộ, 100% chị em theo đạo Thiên chúa giáo. Vì thế, việc thu hút chị em giáo dân vào sinh hoạt Hội phụ nữ ở đây khó khăn hơn gấp nhiều lần ở những nơi khác. Khó nhưng không phải là không làm được. Chi hội phụ nữ thôn Văn Lang đã khẳng định điều đó bằng tỷ lệ hội viên khá cao (trên 80%) đang sát cánh cùng Ban chấp hành (BCH) xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

Nói về quá trình vận động nữ giáo dân vào sinh hoạt Hội, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Văn Lang- Đỗ Thị Nhưng gói gọn trong 3 chữ: khó khăn lắm. Song vì bản thân chị cũng theo đạo nên sự đồng cảm cao. Biết rằng, với người dân theo đạo Thiên chúa giáo, tiếng nói của cha xứ, ban trùm là rất quan trọng, chị Nhưng và BCH đã đến gặp cha xứ giãi bày mong nhận được sự ủng hộ. Và rồi, sau mỗi buổi truyền đạo, cha xứ đã kêu gọi các con chiên của mình tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ để nâng cao kiến thức về mọi mặt, cha xứ còn cho phép BCH Chi hội truyền thông kiến thức xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, phòng trừ sâu bệnh... cho chị em. Trình độ nhận thức của chị em đã được nâng lên phần nào, nhưng thế vẫn chưa đủ để chị em tin tưởng gắn bó với tổ chức Hội. Điều chị em muốn là những quyền lợi sát sườn giúp họ tạo ra cuộc sống tươi mới.  Làm thế nào để đáp ứng được cho chị em?

Sau bao ngày trăn trở, BCH Chi hội cũng đã tìm ra giải pháp. Vừa tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ của cha xứ, vừa phối hợp với HTX dịch vụ nông nghiệp mở các hội nghị chuyên đề, tiến bộ khoa học để áp dụng vào cuộc sống, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, chọn giống cây, con giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất, chăn nuôi, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đứng ra tín chấp với ngân hàng vay vốn giúp chị em giải quyết  bài toán nan giải về vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh và vay tiền cho con ăn học. Vận động hội viên giúp đỡ nhau tiền, giống, vốn, vật tư... Tổ chức dạy các nghề: gấp giấy tiền, mây tre đan, may công nghiệp... tạo việc làm cho 40% chị em trong lúc nông nhàn, có thêm thu nhập cải thiện đời sống. Vì thế, chị em ngày càng gắn bó với tổ chức Hội, tích cực tham gia xây dựng Hội vững mạnh.

Khi chưa là hội viên Chi hội phụ nữ thôn Văn Lang, gia đình chị Phạm Thị Hon đói cả về kiến thức, cái ăn, đồ uống. Trong danh sách hộ nghèo của xã, gia đình chị luôn ở hàng đầu tiên, vậy mà, chỉ sau có vài năm đã thoát nghèo, trở thành hộ khá giả. Có cuộc sống ấm no là nhờ sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của BCH Chi hội phụ nữ thôn- chị Hon thổ lộ. Không dừng lại ở việc vận động chị Hon vào sinh hoạt, BCH Chi hội còn cung cấp kiến thức cần thiết để chị áp dụng vào phát triển sản xuất, chăn nuôi, tín chấp với ngân hàng cho chị vay 3 triệu đồng, định hướng chị nuôi lợn nái.

Bây giờ, chị Hon không còn nuôi lợn nái nữa mà chuyển sang kinh doanh buôn bán thóc, gạo, đạm lân... bởi chị muốn giúp đỡ nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn trong thôn có lượng đạm, lân cần thiết chăm bón kịp thời cho lúa, rau màu, thu hoạch mùa vụ xong mới phải trả tiền. Chi hội phụ nữ thôn tiếp tục tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho chị Hon vay 100 triệu đồng làm vốn kinh doanh. Nhiều năm qua, chị Hon đều là hội viên tích cực đi đầu trong các phong trào thi đua và hoạt động của Chi hội.

Được tận mắt thấy chị Hon và các chị em khác nhờ trở thành hội viên phụ nữ đã thoát khỏi đói nghèo, khẳng định vai trò trong gia đình và xã hội. Qua nghe cha xứ truyền giáo, cán bộ phụ nữ xã và Chi hội tuyên truyền kiến thức xây dựng gia đình hạnh phúc, hướng dẫn kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt... sau mỗi lần kết thúc nghi lễ Chúa nhật ở Nhà thờ, chị Đỗ Thị Dâu nhận ra rằng: Chi hội phụ nữ chính là địa chỉ tin cậy giúp mình công ăn việc làm để có tiền mua thuốc chữa bệnh cho người chồng là bộ đội phục viên bị bệnh thần kinh và nuôi con nhỏ.

Ngay sau khi viết tên mình vào danh sách hội viên, chị Dâu đã được Chi hội tạo điều kiện tham gia tổ thu gom rác thải do phụ nữ đảm nhận, với mức thu nhập 400.000 đồng/tháng. Ngôi nhà dột nát của gia đình cũng đã được sửa chữa, nâng cấp bằng số tiền 5 triệu đồng Chi hội phụ nữ thôn cho vay, công trình nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh được xây nhờ tiền hỗ trợ của “Quỹ quay vòng vốn nước sạch vệ sinh hộ gia đình”. Dù chưa thoát cảnh “chạy ăn từng bữa”, nhưng con đường đi đến no ấm đã ở rất gần gia đình chị Dâu.

Kinh tế gia đình ngày càng được nâng cao, đời sống tinh thần được cải thiện, các nữ giáo dân thôn Văn Lang tự nguyện xin vào sinh hoạt Hội ngày càng đông; vì vậy BCH Chi hội không còn phải vất vả đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà làm công tác tư tưởng nữa. Điều đó càng thêm chứng tỏ, Chi hội phụ nữ thôn Văn Lang đã thực sự trở thành địa chỉ tin cậy của phụ nữ giáo dân.

Thu Hiền

  • Từ khóa