Thứ 5, 08/08/2024, 17:13[GMT+7]

Vũ Thư: Trăn trở nghề, làng nghề suy giảm

Thứ 3, 18/10/2011 | 09:00:08
1,650 lượt xem
Theo đánh giá của Sở Công Thương, huyện Vũ Thư hiện có 4 xã nghề, 14 làng nghề suy giảm, chiếm 75% tổng số xã nghề, làng nghề, đứng thứ 2 trong toàn tỉnh. Trong đó 13 đơn vị không đạt tiêu chí về lao động, 11 đơn vị không đạt tiêu chí về giá trị sản xuất, đặc biệt có 7 đơn vị không đạt cả 2 tiêu chí.

Nghề làm chổi đót ở Tam Quang tạo việc làm cho trên 300 lao động địa phương có thu nhập bình quân 50 – 60 ngàn đồng/tháng.

Tính đến hết năm 2010, Vũ Thư đã có 9 xã nghề, 15 làng nghề được tỉnh công nhận. Nghề, làng nghề đã giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động, góp phần ổn định KT-XH của địa phương.  Đồng thời là hướng đột phá quan trọng nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

        

Vũ Thư có 3 xã nghề chuyên chế biến lương thực, thực phẩm khá nổi tiếng là Vũ Hội, Vũ Tiến, Đồng Thanh. Năm 2008, 2009 các xã gặp khó khăn, việc làm và thu nhập giảm nhưng  năm 2010, 2011 có bước tăng trưởng khá, Vũ Hội giá trị sản xuất đạt trên 61 tỷ đồng, chiếm 50,5% cơ cấu kinh tế,  Vũ Tiến tuy chỉ thu hút 43,8% lao động nhưng giá trị sản xuất đạt 66,3 tỷ đồng chiếm 68,9% tổng giá trị sản xuất toàn xã. Đồng Thanh có nghề làm cốm nổi tiếng, thu nhập từ nghề đạt 47,2 tỷ đồng, chiếm 63,5% kinh tế toàn xã. Một số làng nghề truyền thống phát triển tốt, đạt cả 2 tiêu chí trong 2 năm liền đó là làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm Đồng Tiến, (Việt Thuận), làng nghề thêu Văn Lãng, (Song Lãng). Riêng làng cơ khí Hương Đường, (Việt Hùng), tạo việc làm cho trên 90% lao động, giá trị sản xuất chiếm trên 80%…

    

Tuy nhiên, bên cạnh những xã nghề, làng nghề tồn tại, phát triển bền bỉ theo thời gian, không ít nghề, làng nghề mai một. Theo đánh giá của sở Công Thương, huyện Vũ Thư hiện có 4 xã nghề, 14 làng nghề suy giảm, chiếm 75% tổng số xã nghề, làng nghề, đứng thứ 2 trong toàn tỉnh. Trong đó 13 đơn vị không đạt tiêu chí về lao động, 11 đơn vị không đạt tiêu chí về giá trị sản xuất, đặc biệt có 7 đơn vị không đạt cả 2 tiêu chí. Một trong những nguyên nhân chính đó là do thu nhập từ một số nghề, làng nghề thấp, không bảo đảm đời sống của người lao động, do đó họ chuyển sang làm nghề khác.

 

Một số cơ sở thêu của Minh Lãng hiện đã chuyển sang làm may công nghiệp. Nghề đan rổ rá, nia sàng bằng tre ở Nguyên Xá bị mất dần do sản phẩm đồ nhựa, kim loại thay thế. Một số xã muốn tổ chức các lớp dạy nghề, học nghề nhưng lực lượng lao động trẻ khỏe, có khả năng tiếp thu nhanh ở nông thôn hầu hết đi làm xa, lao động nông nhàn chủ yếu ở tuổi trung niên và người già, khả năng tiếp thu học nghề hạn chế.

 

Do bước đầu công lao động thấp nên nhiều người không mặn mà, gắn bó bỏ thời gian, công sức đi học nghề. Cán bộ khuyến công của các xã, 100% kiêm nhiệm nhiều việc, công tác không ổn định, không có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phụ cấp ít ỏi, phổ biến 100 ngàn đồng/người/tháng, do đó họ không toàn tâm, toàn ý với việc phát triển nghề, làng nghề. Mặt khác do tiêu chí làng , xã nghề thay đổi theo Quyết định 03/2008- QĐ-UB của UBND tỉnh quy định nên nhiều làng nghề không đạt 2 tiêu chí mới đó là lao động và giá trị sản xuất chiếm trên 50% trong lĩnh vực CN-TTCN-xây dựng ( không tính số lao động làm thương mại và giá trị thương mại). 4 năm qua, tổng vốn khuyến công của tỉnh đầu tư cho huyện đạt 675 triệu đồng, chưa đủ để thúc đẩy nghề, làng nghề tăng tốc. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền một số xã chưa quan tâm đến việc phát triển ngành nghề địa phương do nguồn ngân sách xã hạn chế, nhỏ hẹp.

    

Trước tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của làng nghề gặp sóng gió, khó khăn, cấp ủy, chính quyền huyện và các xã cũng có nhiều băn khoăn, trăn trở, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho làng nghề. UBND huyện đã lập quy hoạch chi tiết, được tỉnh phê duyệt 5 cụm CN-TTCN làng nghề có 1 doanh nghiệp đầu tư đi vào hoạt động; Nguyên Xá 6,7 ha có 7 cơ sở với tổng diện tích hơn 40ha. Tuy nhiên, các cụm CN-TTCN làng nghề chưa được đầu tư giao thông, hệ thống thoát nước, xử lý nước thải và đường điện. Các doanh nghiệp, hộ sản xuất không có đủ điều kiện chi phí đền bù, giải tỏa nên mặc dù hoạt động trong khu dân cư ô nhiễm, bị nhiều người phản đối song họ thực sự “lực bất tòng tâm” nếu không có sự hỗ trợ cụ thể của các ngành, các cấp.

    

Câu hỏi: Tìm nghề gì, đưa nghề gì có tính chất bền vững về dạy cho dân để tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập thì vẫn chưa có đáp án chính xác. Đồng chí Tô Thế Hệ (Phó trưởng Phòng Công Thương) cho biết: Phòng Công Thương đã hợp đồng với Công ty TNHH Hữu Nghị đưa nghề mây tre đan về một số xã nhưng phía công ty gặp khó khăn về nguồn hàng. Dạy nghề xong không bảo đảm được nguyên liệu và việc làm cho người lao động nên đã từ chối. Hiện nay, một số xã có các tổ may gia công, may màn, quần áo đồng phục học sinh, mỗi cơ sở có từ 10-20 máy may. Nghề sản xuất gạch không nung hầu như xã nào cũng có nhưng nhỏ lẻ, chủ yếu ở quy mô hộ gia đình. Một số nghề mới du nhập vào huyện như làm đồ chơi cho con vật nuôi ở Tự Tân, nghề may túi siêu thị ở Vũ Tiến nhỏ lẻ, không đủ sức lan tỏa, phát triển, thu hút lực lượng lao động lớn.

    

Sắp tới, ngành chức năng của huyện sẽ tiến hành rà soát, khảo sát đánh giá thực trạng từng nghề, làng nghề. Tiến tới xây dựng chương trình đào tạo nghề gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Để xây dựng thành công 5 cụm CN-TTCN làng nghề, huyện và tỉnh cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển làm đầu mối bao tiêu sản phẩm của làng nghề.

Bài, ảnh: Bảo Linh

  • Từ khóa