Thứ 5, 08/08/2024, 04:29[GMT+7]

Thực trạng phát triển làng nghề ở Đông Hưng

Thứ 3, 18/10/2011 | 09:06:39
3,462 lượt xem
Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển nghề và làng nghề, đến nay Đông Hưng đã có 25 làng, xã nghề tập trung tại 16 xã, tăng 19 làng nghề so với năm 2001. Mặc dù số lượng làng nghề tăng nhưng một số làng nghề đang có biểu hiện bị mai một do nhiều nguyên nhân khác nhau. Thực tế này đã khiến một số làng nghề ở huyện hiện nay không đạt các tiêu chí theo quy định.

Nghề truyền thống đan rổ, rá xã Hồng Châu, Đông Hưng. Ảnh: Thành Tâm

Sự phát triển của các làng nghề đã giải quyết được nhiều lao động ở khu vực nông thôn, nhất là lao động trong thời gian nông nhàn. Sự phát triển đó kéo theo đời sống, thu nhập của người lao động ở khu vực nông thôn được nâng lên, góp phần giảm hộ nghèo, tăng tỷ lệ hộ giàu.

 

Cùng với việc duy trì các làng nghề truyền thống, năm qua Đông Hưng đã phát triển thêm được 3 làng nghề mới, đó là làng Kinh Hào (xã Đông Kinh), Cao Phú  (xã Đồng Phú) và Nguyên Lâm (xã Hoa Lư). Làng nghề phát triển đã đưa giá trị sản xuất ở khu vực hộ gia đình và làng nghề chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất CN – TTCN toàn huyện. Đã xuất hiện một số làng nghề đạt giá trị sản xuất ngày càng cao, thu hút nhiều lao động như nghề cơ khí, thảm len làng Bái (xã Đông Hợp), năm 2010 địa phương này đã có 648 lao động tham gia làm nghề, chiếm 70,4% tổng số lao động, đem lại thu nhập từ nghề là 49.271 triệu đồng, chiếm 87,1% tổng giá trị sản xuất, tăng 187 lao động và 19.185 triệu đồng so với năm 2009. Hay nghề dũa thép xã Mê Linh cũng tăng đột biến từ 664 lao động năm 2009 lên 1.176 năm 2010 và giá trị sản xuất từ nghề cũng tăng từ 10.287 triệu đồng lên 28.174 triệu đồng...

       

Tuy nhiên, đến nay một số ngành nghề truyền thống ở Đông Hưng đã có biểu hiện suy giảm. Đã có 6/25 làng nghề không đạt tiêu chí, đó là làng nghề dệt chiếu cói xã Đông Phương, nghề mây tre đan, thêu ren thuộc làng Đông Am (xã Đông Lĩnh), nghề đan rổ rá ở 3 thôn xã Hồng Châu và làng nghề dệt chiếu cói, xe đay xã Đông Vinh. Nguyên nhân của sự suy giảm là do việc gia công sản phẩm còn qua nhiều khâu trung gian nên hiệu quả kinh tế không cao.

 

Trong các làng nghề chưa có nhiều đại lý, doanh nghiệp, HTX tiêu thụ sản phẩm, phần lớn phụ thuộc vào các doanh nghiệp ngoài huyện và ngoài tỉnh. Do chưa có sự vào cuộc, quan tâm của các cấp chính quyền địa phương đến phát triển nghề, chưa có cán bộ có năng lực chuyên môn nghiệp vụ trực tiếp phụ trách vì thế các làng nghề vẫn chỉ mang tính chất tự phát là chủ yếu.

 

Đặc biệt, hiện nay đa số các lao động trẻ đều chuyển sang làm ở các khu công nghiệp, đi lao động nước ngoài và các thành phố lớn có thu nhập cao hơn. Các lao động ở độ tuổi trung niên có sức khoẻ cũng chuyển sang làm các nghề khác có mức thu nhập cao gấp nhiều lần so với nghề phụ tại nhà.

      

Hồng Châu là xã có 3 làng nghề thì cả 3 làng nghề đều suy giảm mạnh. Địa phương có truyền thống làm nghề đan tre như rổ, rá, dần, sàng, nong, nia, dậm... Các mặt hàng này đến nay vẫn được bày bán không chỉ ở trong huyện mà còn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở ngoài huyện, ngoài tỉnh. Theo anh Nguyễn Khắc Diễn - Phó Chủ tịch UBND xã thì nghề này cũng đem lại thu nhập khá. Người dân chỉ cần mua cây luồng với giá từ 20.000-30.000 đồng là có thể làm ra hàng chục sản phẩm bán được vài trăm nghìn đồng, thu nhập trung bình từ 700- 800.000đồng/người/tháng.

 

Nhưng kể từ năm 2007, trên địa bàn xã xuất hiện Công ty may mặc của Hàn Quốc nên đã thu hút 400 lao động của xã, trong đó chủ yếu là thanh niên với mức lương gấp trên 3 lần so với nghề đan tre. Những năm qua trong xã còn phát triển thêm nghề đánh bắt thuỷ sản nên nhiều hộ cũng bỏ nghề đan rổ rá để đi các nơi đánh bắt những con đặc sản như rắn, lươn, ếch, chạch...

 

Hiện có khoảng trên 100 lao động làm nghề này và có đại lý thu gom các con vật ngay khi các hộ đánh bắt về. Vì thế, hiện nay Hồng Châu có rất nhiều hộ thu nhập không dưới 10 triệu đồng/tháng, điển hình như hộ ông Lê Văn Dương, Nguyễn Khắc Đăng (thôn Đoàn Kết), Nguyễn Bá Khê (thôn Hưng Tiến). Ngoài ra, trong xã còn có khoảng 400 lao động làm thợ xây, trên 30 hộ làm nghề mộc và gần 40 hộ phát triển nghề gò, hàn cũng có mức thu nhập cao. Do vậy nghề đan rổ, rá ở Hồng Châu đã bị giảm mạnh về số lượng lao động, từ 500 lao động tới nay giảm còn khoảng gần 200 lao động, số lao động còn tham gia chủ yếu là người già.

        

Như vậy, sự suy giảm làng nghề ở Hồng Châu thực chất không kéo theo sự thụt giảm cuộc sống của người dân, mà chính người dân đã hướng tới nghề có mức thu nhập cao hơn, thuận lợi hơn so với nghề cũ. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm ở một số làng nghề khác ở Đông Hưng. Tuy nhiên để các làng nghề tiếp tục duy trì và phát triển, Đông Hưng cũng đã có nhiều giải pháp khắc phục trong thời gian tới như tạo điều kiện về vốn, tích cực đào tạo dạy nghề, tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của chính quyền địa phương, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp, công ty để bao tiêu sản phẩm cho nông dân...

                                                                               Thu Thuỷ

  • Từ khóa