Thứ 4, 16/07/2025, 23:59[GMT+7]

Thái Thụy: Làm gì để giữ nghề cho dân?

Thứ 3, 18/10/2011 | 09:14:20
1,874 lượt xem
Những năm gần đây do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và một số nguyên nhân khác đã khiến nhiều làng nghề ở Thái Thụy hoạt động trong tình trạng cầm chừng, số lao động cũng như doanh thu sụt giảm đáng kể. Một số làng nghề truyền thống đang dần bị mai một và có nguy cơ bị xóa sổ trong tương lai.

Nghề móc sợi do doanh nghiệp Thanh Bình (Thái Xuyên, Thái Thụy) tổ chức sản xuất đã tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Thái Thụy hiện có 26 làng nghề và 1 xã nghề tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn. Tuy nhiên, những năm gần đây do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và một số nguyên nhân khác đã khiến nhiều làng nghề hoạt động trong tình trạng cầm chừng, số lao động cũng như doanh thu sụt giảm đáng kể. Thậm chí, một số làng nghề truyền thống đang dần bị mai một và có nguy cơ bị xóa sổ trong tương lai.

 

Thụy Chính, 5 năm trước được coi là điểm sáng của Thái Thụy trong phát triển nghề truyền thống: mây tre đan, thêu ren, móc sợi. Người dân làm nghề chiếm từ 70 đến 80% số lao động của địa phương.  Xã có 4 thôn thì 3 thôn được UBND tỉnh cấp bằng công nhận là làng nghề. Nhưng 3 năm trở lại đây, nghề và làng nghề ở Thụy Chính gặp rất nhiều khó khăn.

 

Theo lời anh Nguyễn Văn Nhưỡng, Chủ tịch UBND xã:" Các tiểu chủ đứng ra sản xuất trong xã chủ yếu làm vệ tinh cho các doanh nghiệp, nguồn hàng cung cấp, đầu ra cho sản phẩm không ổn định, hiệu quả sản xuất thấp nên sau mấy năm hoạt động nay một số đã bỏ nghề. Mức thu nhập của người  dân  từ nghề truyền thống quá thấp trung bình đạt 500 ngàn đồng/tháng nên cũng không thiết tha với nghề. Doanh thu từ nghề cũng như số lao động tham gia làm nghề ở cả 3 làng chỉ chiếm từ 38 đến 42%  so với tổng thu nhập cũng như tổng số lao động trong làng, nếu xét theo tiêu chí làng nghề thì không đạt yêu cầu đề ra".

 

Hiện xã đã thu hút một cơ sở may vào sản xuất, tạo công ăn việc làm cho 50 lao động địa phương với mức thu nhập từ 1,5 đến 2 triệu đồng/người/tháng nhưng ngặt nỗi không phải ai cũng làm được nghề may. Còn lại, nghề truyền thống  nay vẫn sản xuất cầm chừng chưa có dấu hiệu chuyển biến. Cũng có nghề truyền thống giống như ở Thụy Chính nhưng làng Tam Đồng (xã Thụy Hải) hiện vẫn có khoảng 80% dân số tham gia làm muối, thu nhập từ nghề muối chiếm 82% giá trị sản xuất của làng, nếu xét về tiêu chí làng nghề thì vẫn đạt tiêu chuẩn. Nhưng có một nghịch lý, người dân nơi đây lại không sống nổi bằng nghề.

 

Ông Bùi Đình Tháp, Bí thư chi bộ thôn cho biết: Tam Đồng không có ruộng cấy lúa, hầu hết người dân sinh sống bằng nghề làm muối. Vất vả, cực nhọc nhất trong các nghề nhưng những năm qua, giá muối rớt thê thảm còn từ 1.000 đồng đến 1.200 đồng/cân chỉ bằng 1/10 cân gạo mà có khi còn chẳng bán được. Năm ngoái, bình quân mỗi người làm muối thu nhập 6 triệu đồng, năm nay nắng ít, mưa nhiều sản lượng giảm quá nửa nhưng giá muối không tăng chắc nguồn thu còn thấp hơn. Phần lớn người dân  đều chán nản nhưng vẫn phải cố  vì nếu bỏ nghề muối thì cũng chẳng biết làm gì.

 

Không riêng gì các làng nghề ở Thụy Chính, làng muối Tam Đồng, hiện nay sản xuất tại các làng nghề ở Thái Thụy đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhóm nghề thủ công mỹ nghệ như: mây tre đan, móc sợi, thêu ren là những nghề truyền thống những năm trước thu hút nhiều lao động nhất, chiếm số lượng nhiều làng nghề nhất vẫn được duy trì nhưng tốc độ tăng trưởng không cao do nguồn hàng xuất khẩu giảm đáng kể. Nguồn hải sản ngày một ít dần, giá xăng dầu tăng cao, ngư dân ra khơi nhiều chuyến bị lỗ nên sản lượng từ nghề khai thác hải sản giảm, kéo theo đó nghề chế biến hải sản cũng suy giảm theo. Các nghề: làm nón, ươm tơ, làm lưỡi câu, đan vó... đã ngừng sản xuất, không còn hoặc chỉ có vài lao động làm nghề vì không có đầu mối tiêu thụ sản phẩm.

 

Ông Lê Sỹ Thiệp, Trưởng phòng Công Thương huyện cho biết: kết quả rà soát hoạt động của 26 làng nghề ở 18 xã vừa qua cho thấy: đa số các làng nghề hoạt động kém hơn năm 2010. Cụ thể, toàn huyện chỉ có 9 làng nghề ( chiếm 35%) vẫn duy trì sản xuất ổn định, 8 làng nghề ( chiếm 30%) hoạt động cầm chừng, 9 làng nghề ( chiếm 35%) thiếu ổn định không đạt tiêu chí của làng nghề.

 

Ngoài yếu tố khủng hoảng kinh tế, lãi xuất ngân hàng tăng cao còn có nguyên nhân nữa khiến nghề và làng nghề ở Thái Thụy suy giảm là: hoạt động sản xuất tại các làng nghề thời gian qua chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chưa có chiều sâu, quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Số doanh nghiệp trong làng nghề, xã nghề ít, phần lớn năng lực trình độ hạn chế, thiếu vốn, thông tin về thị trường, công nghệ sản xuất lạc hậu, nguyên liệu đầu vào, đầu ra cho sản phẩm còn phụ thuộc, qua nhiều khâu, đầu mối trung gian  nên chi phí giá thành cao, khả năng cạnh tranh kém. Sản phẩm làm ra đều do các doanh nghiệp, chủ cơ sở, bản thân những người dân tự lo nên không ổn định, chịu sức ép lớn từ nhiều mặt. Nhiều địa phương chưa tích cực vào cuộc tìm nghề cho dân, cũng không có định hướng và biện pháp tổ chức chỉ đạo thực hiện cụ thể nên làng nghề, xã nghề không phát triển. Các cơ chế chính sách  hỗ trợ về vốn, đào tạo nghề cho người lao động, ứng dụng công nghệ sản xuất mới... cho làng nghề, xã nghề từ các cấp, các ngành còn hạn chế. Việc xây dựng các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Thái Thụy còn chậm, thiếu mặt bằng cho các cơ sở sản xuất, cộng thêm tình trạng ô nhiễm môi trường từ làng nghề đã hạn chế thu hút đầu tư vào các làng nghề, xã nghề.  Thu nhập của người làm nghề quá thấp, phần lớn từ 400 đến 500 ngàn đồng/tháng, khiến nhiều người bỏ ra thành phố tìm việc làm khác. Chế độ phụ cấp cho cán bộ khuyến công viên chỉ có 100 ngàn đồng/tháng nên không ai muốn nhận việc làm chứ chưa nói gì đến chuyện tâm huyết với nghề.

 

Thực tế, để "cứu" được các làng nghề ở Thái Thụy  khỏi nguy cơ  'tuột dốc"cần một giải pháp tổng thể về: đào tạo dạy nghề, về vốn, đầu tư kết cấu hạ tầng trong làng nghề, công nghệ phát triển trong các doanh nghiệp, thị trường tiêu thụ sản phẩm... Tuy nhiên nếu cứ để xã, chủ cơ sở sản xuất "loay hoay" tự tìm phương án thì có lẽ việc sẽ không bao giờ thành mà quan trọng nhất là phải có sự chỉ đạo thống nhất từ cơ quan chuyên môn, sự vào cuộc tích cực, phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành từ tỉnh, huyện đến các cơ sở thì mới có hi vọng giữ được nghề cho dân.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

 

 

  • Từ khóa