Thứ 2, 05/08/2024, 07:17[GMT+7]

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng

Thứ 3, 13/03/2012 | 16:09:40
1,310 lượt xem
Ngày 5/3/2012, BTV Tỉnh ủy Thái Bình đã ra Công văn số 412-CV/TU về việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng. Toàn văn như sau:

Từ đầu năm 2012 đến nay, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện, đạt được nhiều kết quả. Trật tự an toàn giao thông được đảm bảo; trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, tai nạn giao thông giảm cả 3 chỉ số, không để xảy ra đua xe trái phép và ùn tắc giao thông.

Tuy nhiên, trật tự giao thông, trật tự công cộng ở nhiều nơi, nhất là Thành phố, thị trấn, thị tứ và các tuyến quốc lộ còn diễn biến phức tạp. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi đỗ, đậu xe, họp chợ, sản xuất, kinh doanh chưa được khắc phục, làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội, trật tự an toàn giao thông, trật tự và mỹ quan đô thị. Tình trạng người điều khiển xe mô tô không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng; phương tiện vận tải chở quá số người quy định, đỗ, dừng, đón, trả khách không đúng quy định; người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu bia; tai nạn giao thông tuy giảm, nhưng vẫn còn xảy ra nhiều. Tình hình trên đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội triển khai thực hiện quyết liệt và thường xuyên các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông và trật tự công cộng đã đề ra của Năm an toàn giao thông.

Để thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, đạt kết quả cao trong Năm an toàn giao thông – 2012, thiết lập lại trật tự an toàn giao thông và trật tự công cộng trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và cơ quan, đơn vị trong tỉnh thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10-CT/TU, ngày 04/02/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh “về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chuyên trách triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, thường xuyên các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng; kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông và trật tự công cộng.

Chỉ đạo xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tập trung kiểm tra, rà soát, hỗ trợ kinh phí để duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ tự quản, nhất là những tổ hoạt động ở những tuyến, địa bàn trọng điểm phức tạp về trật tự an toàn giao thông.

Xây dựng quy chế xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng phức tạp về trật tự an toàn giao thông và gia tăng tai nạn giao thông. Hàng năm, những địa phương, cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng phức tạp về trật tự an toàn giao thông, có nhiều người vi phạm; tổ chức Đảng có đảng viên vi phạm; các hộ gia đình có người thân vi phạm; cán bộ, đảng viên và học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông và trật tự công cộng thì phải được xem xét khi đánh giá, xếp loại tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị và gia đình văn hóa; đồng thời, cân nhắc khi đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng xử và xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh, sinh viên.

Trong sinh hoạt thường kỳ hàng tháng, các chi bộ đảng phải kiểm điểm tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng trên địa bàn và việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng của cán bộ, đảng viên công chức, viên chức và nhân dân ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo ngành Giao thông vận tải phối hợp với cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng, phân tuyến, phân luồng, khắc phục “điểm đen” và những nguy cơ mất an toàn giao thông trên các tuyến đường. Rà soát, kiểm tra các đèn tín hiệu, biển báo, điểm dừng, điểm đỗ phương tiện vận tải, bến bãi kinh doanh để quy hoạch, bố trí cho phù hợp, không để gây ùn tắc, cản trợ giao thông. Thực hiện nghiêm các quy định về kiểm định chất lượng phương tiện; loại bỏ, không cho phép lưu hành các phương tiện hết niên hạn sử dụng, không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật. quản lý chặt chẽ các cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện cơ giới, khắc phục tình trạng phương tiện không đăng ký, đăng kiểm; bến bãi kinh doanh không có giấy phép. Tăng cường công tác thanh tra giao thông, rà soát, kiến nghị với cấp có thẩm quyền thu hồi đất, xử lý các trường hợp sử dụng đất hành lang an toàn giao thông đường bộ có ảnh hưởng đến trật tự ATGT và các công trình đường bộ; kiên quyết giải tỏa, không bồi thường cho các tổ chức, cá nhân lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn giao thông.

Các cơ quan có thẩm quyền khi thẩm định, phê duyệt các công trình xây dựng phải xem xét các vấn đề liên quan đến sử dụng hành lang an toàn giao thông, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

3. Công an tỉnh xây dựng Phương án bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng và chỉ đạo tổ chức thực hiện; trước mắt, tập trung giải quyết, thiết lập lại trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng trên địa bàn Thành phố, các thị trấn, thị tứ, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Chỉ đạo Công an các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn làm tốt công tác tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng trên địa bàn.

4. Cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn tập trung giải quyết trật tự an toàn giao thông tĩnh; trước mắt, giải quyết dứt điểm các tụ điểm phức tạp về trật tự giao thông, trật tự công cộng ở Thành phố, thị trấn, ven các đường quốc lộ, tỉnh lộ, các vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường... Lập lại trật tự, kỷ cương hành lang an toàn giao thông và trật tự đô thị. Tổ chức sắp xếp các bến bãi, điểm đỗ, dừng phương tiện giao thông đúng quy định; quản lý chặt chẽ hoạt động của các bến đò chở khách, khai thác cát trái phép trên sông và xe công nông, xe tự chế hoạt động trên địa bàn tỉnh.

5. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng cho đoàn viên, hội viên và nhân dân; vận động đoàn viên, hội viên và người thân phát huy tính tiền phong, gương mẫu, nghiêm túc chấp hành và tích cực tham gia công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông và trật tự công cộng.

Các sở, ban, ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, chủ động phối hợp xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng; tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự an toàn giao thông và trật tự công công.

Văn phòng Tỉnh ủy phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, các ban, ngành liên quan thường xuyên theo dõi tình hình bảo đảm trật tự an toàn giao thông và việc thực hiện Công văn này, báo cáo kết quả với Thường trực Tỉnh ủy.


 

  • Từ khóa