Thứ 7, 28/12/2024, 03:46[GMT+7]

Hướng tới mục tiêu Năm 2030, Việt Nam không còn bệnh lao

Thứ 3, 20/03/2012 | 15:30:10
993 lượt xem
Trong những năm qua, mặc dù chúng ta đã nỗ lực triển khai các hoạt động phòng chống lao để đạt mục tiêu khống chế và đẩy lùi bệnh lao. Tuy nhiên, cho đến nay, trên đất nước ta vẫn còn nhiều người lớn và trẻ em bị mắc và chết vì bệnh lao. Bệnh lao đang đe doạ tất cả chúng ta, nhưng người đang cùng chung sống trong một bầu không khí mà ở đó bệnh lao còn nặng nề.

Tọa đàm hưởng ứng tháng hành động quốc gia phòng chống lao năm 2012.

Mỗi năm, Việt Nam có thêm gần 200 nghìn người mắc bệnh lao và trên 30 nghìn người chết do lao, trong khi đó chúng ta mới phát hiện và chữa khỏi bệnh đượ 60% số người mới mắc bệnh lao trong cộng đồng.

Chương trình chống lao đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Đó là việc quản lý bệnh lao kháng đa thuốc, bệnh lao ở người nhiễm HIV, bệnh lao ở trẻ em và thách thức đặc biệt trong thời gian tới là thiếu hụt nguồn lực.

Ngày thế giới chống lao năm 2010 và năm 2011, Tổ chức Y tế thế giới đã kêu gọi “Đổi mới tư duy” và tiếp theo là “Đổi mới hành động” để rút ngắn thời gian tiến tới thanh toán bệnh lao. Ngày thế giới chống lao năm 2012, Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục phát đi thông điệp kêu gọi “Chúng ta hãy cùng nhau ngăn chặn bệnh lao, để trẻ em sinh ra trong thế kỷ này được chứng kiến một thế giới không có người mắc và không có người chết vì bệnh lao. Mọi người hãy kêu gọi hành động phòng chống lao”.

Thực hiện thông điệp của Tổ chức Y tế Thế giới và hướng tới mục tiêu năm 2030, Việt Nam không còn bệnh lao, chúng ta cần triển khai, thực hiện những nhiệm vụ sau:

- Xác định con người là vốn quy của xã hội, trẻ em là tương lai của đất nước. Không để trẻ em mắc lao và chết vì bệnh lao. Hãy coi những người bệnh lao là trung tâm của công tác phòng và chống bệnh lao.
- Không để người nhiễm HIV mắc bệnh lao. Hãy phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho họ.
- Hãy sớm mang những tiến bộ y học mới nhất liên quan đến phòng chống bệnh lao để chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.
- Đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo, hướng về người nghèo, những người đang chịu thiệt thòi, những người dễ bị tác động của các bệnh xã hội – lao và HIV.
- Tăng cường sự cam kết chính trị mạnh mẽ của chính quyền các cấp, sự hợp tác chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và toàn thể người dân trong cộng đồng tiếp tục đầu tư các nguồn lực cần thiết để triển khai các hoạt động phòng chống bệnh lao.

Mặt khác phải kiện toàn mạng lưới chống lao ở các tuyến, cán bộ chống lao phải được đào tạo có chất lượng, mọi hoạt động của chương trình phải được tuân thủ đúng nguyên tắc. Cán bộ chống lao phải làm việc có trách nhiệm, nhiệt tình với công tác chống lao.

Đẩy mạnh công tác TTGDSK vì bệnh lao bằng nhiều hình thức phong phú, làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của người dân trong cộng đồng để tăng cường sự phối hợp tích cực có hiệu quả của người bệnh với nhân viên Y tế trong quá trình khám, chẩn đoán và điều trị.

Chúng ta hãy hành động tích cực để tiến tới thanh toán bệnh lao ở Việt Nam vào năm 2030.

BSCKI Nguyễn Ngọc Sinh
Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi Thái Bình

 

  • Từ khóa