Điểm hẹn cuối tuần SA VĨ - VÂN ĐỒN, MÂY NƯỚC CHẲNG NGỦ YÊN
Đứng ở mũi Sa Vĩ ( Móng Cái - Quảng Ninh) địa đầu Tổ quốc, phóng tầm mắt ra xa có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của bờ biển Trà Cổ cong và dài 17 km. Một địa điểm quan trọng của an ninh quốc phòng vùng Đông Bắc. Trà Cổ được mệnh danh là bãi tắm dài và lãng mạn bậc nhất Việt Nam. Những dự án du lịch, vui chơi giải trí lớn nhỏ xuất hiện giữa làng chài. Nhiều gia đình bị cuốn vào cơn lốc hội nhập, vội vã bỏ chài lưới vào gác bếp, lao vào làm du lịch những mong đổi nghề, đổi đời. Trà Cổ từ một xã thuần nghề ngư, đến nay trên 60% số gia đình trong phường Trà Cổ đã biết làm du lịch và dịch vụ. Giữa vòng xoáy cuộc đời, chiến tranh loạn lạc ấy vậy mà người dân Trà Cổ vẫn còn lưu giữ ngôi đình có niên đại hơn 500 năm. Cụ già trông đình có tên gọi Vũ Tiến Nồng kể rằng: ngôi đình là tài sản vô giá mà cha ông từ 500 năm trước đã để lại.
Đình được xây dựng từ thời hậu Lê (thế kỷ XV). Trong đình còn hai bức hoành phi lớn sơn son thếp vàng đã xám màu thời gian, trên đó khắc : Địa cửu thiên trường (đất vững, trời dài) và Nam Sơn tịnh thọ (nước Nam bền vững); một bộ kiệu bát cống, 8 long ngai, 02 hạc rùa, một bộ bát biếu, 01 bộ thất sự bằng đồng, 05 bức đại tự, 05 cửa võng... đều được chạm khắc công phu, sơn son thếp vàng và nhiều hiện vật có từ thời Lê, Nguyễn. Đình được trùng tu, sửa chữa nhiều lần để thờ thành hoàng làng là 6 vị tiên công có công xây làng, lập ấp. Theo các bô lão trong làng truyền lại, thì tổ tiên xưa vốn là người Đồ Sơn (Hải Phòng) làm nghề đánh cá. Trong một lần đi biển, gặp sóng to gió lớn, 12 gia đình đã trôi dạt vào đây. Trước cảnh hoang vu, chỉ toàn sú vẹt, lau sậy cùng những đồi mua, đồi sim, có 6 gia đình đã chán nản nói: "Ở đây ăn bổng lộc gì?/Lộc sim thì chát, lộc si thì già". Nhưng 6 gia đình còn lại lại lạc quan, tin tưởng vào vùng đất tuy vắng vẻ nhưng khung cảnh đẹp, nên đã trả lời: "Ở đây vui thú non tiên/Tháng ngày lọc nước lấy tiền nuôi nhau". 6 gia đình ra đi, 6 gia đình ở lại khai phá miền đất mới, sinh làng lập ấp..."
Người dân nơi đây còn kể rằng mũi Sa Vĩ ngày trước chỉ có bộ đội biên phòng ngày đêm tuần tra bảo vệ và người dân trong vùng qua lại đánh cá bắt tôm thì nay cũng trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và cả ngoài nước. Đến đây ta sẽ thấy một con đường nhựa thẳng tắp, phẳng lỳ dài 8km từ gần đình Trà Cổ chạy thẳng ra Sa Vĩ. Đến Sa Vĩ, nhìn bức phù điêu hình 3 ngọn phi lao ghi câu thơ "Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước..." của nhà thơ Tố Hữu ta lại càng cảm nhận thiêng liêng hươn trách nhiệm lớn lao với sự nghiệp bảo vệ biên cương đất nước. Cạnh đó, hướng tầm nhìn về phía bắc là bức phù điêu Trà Cổ nằm sát mép biển, nơi có tấm biển ghi rõ 4 chữ "vành đai biên giới".
Chạnh lòng khi đọc đến những dòng thư của một người cha là khách du lịch viết riêng cho đứa con yêu dấu của anh ta trên Bloog: "Chúng ta đã đi dọc bờ biển Hạ Long và Bái Tử Long, qua Cẩm Phả, Cửa Ông tới Tiên Yên, Hà Cối,...để lên Móng Cái. Trước mặt bố con mình đã là mũi Sa Vĩ. Phải đứng ở đây, nơi chỉ có biển và cát, mới có thể cảm nhân được sự bắt đầu thiêng liêng của đất nước, những tấm ảnh bố con mình chụp trên những bờ cát nguyên sơ không một dấu chân người, nhìn ngang không một bóng cây, chỉ có rừng dương lùi lại phía sau,... Bố đã đưa con đi suốt chiều dài của bãi biển Trà Cổ, từ mũi Sa Vĩ đến mũi Ngọc, và bố nghĩ là con đã biết hơn về đất nước, yêu quí hơn những gì thuộc về một phần máu thịt mình. Tiếc là Trà Cổ quá xa để chúng ta có thể đến đây nhiều hơn. Bố nghĩ là chúng ta sẽ quay lại, và lần này bố con mình sẽ đi xe đạp một lần nữa, từ mũi Ngọc đến điểm cuối cùng của Sa Vĩ, để tận hưởng sự ngọt ngào và êm đềm của biển cả,...Bố tin là con đã biết thêm một phần của đất nước mình. Vân Đồn, Sa Vĩ, ải Chi Lăng, Quan Lạn, Bái Tử Long, Tiên Yên, Móng Cái... giờ đây đối với con không chỉ là những cái tên vô cảm trên bản đồ nữa, nó đã trở nên có hình hài, thân thuộc với con...".
Rời Sa Vĩ, Trà Cổ với rừng dương vi vu sóng hát, vượt qua bao núi sâu, vực thẳm về thị trấn Cái Bàu đi bằng đường bộ khoảng hơn mười cây số vượt qua chiếc cầu mới được xây dựng cách đây không lâu nối huyện đảo Vân Đồn với đất liền, ta sẽ đặt chân đến một vùng đất lạ núi non hùng vĩ, mây nước cuộn dâng. Nơi đây vào thế kỷ XIII quân dân Nhà Trần đã có cuộc chiến đấu oanh liệt đại thắng quân Nguyên Mông giành lại độc lập cho non sông gấm vóc. Vân Đồn có hai cụm đảo chính là Kế Bào và Vân Hải, với hàng trăm đảo đá nhấp nhô ven bờ vịnh Bái Tử Long xinh đẹp. Huyện đảo Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) ôm trọn vịnh Bái Tử Long, một quần thể biển đảo mà vẻ kỳ thú, giá trị địa chất, tính đa dạng sinh học có những yếu tố tương đồng với vịnh Hạ Long.
Nhiều đảo có dạng cấu tạo đá vôi, thường chỉ cao 200 đến 300m so với mặt biển và có nhiều hang động. Nơi đây còn là chứng nhân gắn với những sự tích chống quân xâm lược Nguyên Mông (1288) từ đời nhà Trần qua di tích lịch sử và lễ hội Quan Lạn (lễ hội đua bơi Quan Lạn) nhằm tưởng nhớ đến danh tướng Trần Khánh Dư. Đây cũng là ngày hội cầu được mùa của cư dân biển vùng đông bắc của Tổ Quốc. Một truyền thống văn hóa mà người dân nơi đây luôn tự hào là ngay từ thế kỷ 11, Quan Lạn đã là một trung tâm của thương cảng cổ Vân Đồn sầm uất và thịnh vượng, tàu bè ra vào tấp nập. Nằm cạnh vịnh Hạ Long, một di sản thiên nhiên thế giới nhưng du lịch Vân Đồn mới được du khách biết đến vài năm gần đây. Nếu đi bằng đường biển từ thành phố Hạ Long ra, qua khỏi ranh giới của vịnh hướng thẳng ra biển Đông, du khách tận mắt nhìn thấy thắng cảnh đầu tiên ở vùng biển này là Hòn Đũa. Đó là một tháp đá vôi có hình trụ, dân gian quen gọi là chiếc đũa trời đánh rơi.
Hòn Đũa đứng giữa biển trời mênh mông, chênh vênh và mảnh mai. Cách hòn Đũa khoảng 3km là hòn Thiên Nga và nhiều hòn núi nhô lên mặt biển với sức gợi cảm mê hồn, tha hồ cho khách tưởng tượng ra hình tượng mà mình yêu thích. Ngoài núi non trùng điệp giữa biển khơi mênh mang, thiên nhiên còn ban tặng cho vùng biển Vân Đồn một nguồn hải sản vô cùng quý giá; nhiều bãi tắm đẹp trên các đảo Quan Lạn, Ngọc Vừng; nhiều hang động kỳ ảo, mê hoặc bao du khách trong và ngoài nước. Đáp ứng nhu cầu thưởng thức du lịch, gần đây, tại Vân Đồn nghề nuôi trai lấy ngọc bắt đầu phát triển. Trai ngọc ở Vân Đồn được nuôi rất nhiều ở các đảo nhỏ nằm quanh đảo Cái Bầu ( là vùng biển liền kề vịnh Bái Tử Long ), được che chở bởi trùng điệp đảo đá với nguồn nước tự nhiên trong lành, nguồn phù du phong phú đã biến biển Vân Đồn thành những “cánh đồng trai” lý tưởng.
Trai ngọc nuôi ở đây là nguồn giống được lai tạo, thuần hóa giữa loài trai Akoya - Nhật Bản và loài trai địa phương nên khả năng thích nghi cao, tỷ lệ ngậm ngọc trên 50%. Ngọc trai Vân Đồn có độ thuần khiết cao và màu sắc quyến rũ như: vàng lưu ly, trắng anh đào, xám thủy ngân… không thua kém bất kỳ sản phẩm ngọc trai nào của các nước vùng Đông Nam Á. Diện tích nuôi trai được mở rộng ra khu vực đảo Cô Tô nhằm phát triển nghề nuôi trai lấy ngọc vốn có từ lâu đời ở khu vực này. Ngọc trai ở đây được thu hoạch quanh năm. Doanh nghiệp Taiheyyo Shinju đã lắp đặt dây chuyền chế tác ngọc ngay tại Vân Đồn, tạo việc làm cho người dân địa phương. Cùng với ưu thế về biển, đảo và phát triển nghề nuôi trai lấy ngọc, Vân Đồn đang tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, làm phong phú thêm cho loại hình du lịch biển ở Quảng Ninh.
Vân Đồn những ngày hè không khi nào thấy trời xanh, mây trắng ngừng bay. Giữa một vùng bao la núi non, biển xanh sóng sánh với màu xanh hiền hòa trải khắp trên khoảng 600 hòn đảo trong vịnh Bái Tử Long, du khách muốn được nghỉ dưỡng và tắm biển sẽ hài lòng với những bãi tắm đẹp trên các đảo Quan Lạn, Ngọc Vừng… Vân Đồn đang trở thành điểm đến của du lịch nghỉ dưỡng với những bãi cát “thủy tinh” trải rộng. Nơi trời, biển và cát trắng mênh mông dường như chẳng bao giờ ngủ yên!
Bài và ảnh: LÊ QUANG VIỆN
( Nguồn tham khảo TTXVN )
Tin cùng chuyên mục
- Biển đảo quê hươngMƠ VỀ ĐẢO NGỌC 21.08.2010 | 03:05 AM
- Những cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nướcTrần Khánh Thu - Đi đầu các phong trào tình nguyện 17.08.2010 | 08:49 AM
- Thực hiện Nghị quyết 01 của Tỉnh ủyNghề và làng nghề ở Quốc Tuấn 26.08.2010 | 15:29 PM
- Thái ThuỵĐạo – Đời hoà hợp chung tay xây dựng quê hương . 01.09.2010 | 10:39 AM
- Las Vegas của phương Đông 26.05.2010 | 17:42 PM
- Hội Nông dân Quỳnh MinhThực hiện hiệu quả công tác dân số – KHHGĐ 16.09.2010 | 15:15 PM
- Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội1000 năm và sức sống diệu kỳ của "Thiên đô chiếu" 01.09.2010 | 08:15 AM
- Kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2 - 9NGƯỜI ƯƠM MẦM CÁCH MẠNG TỪ QUẢNG CHÂU 22.08.2010 | 16:01 PM
- Công ty Môi trường và công trình đô thị Thái BìnhVì Thành Phố ngày càng xanh sạch đẹp 17.09.2010 | 08:10 AM
- Vũ Thư (Thái Bình)Năm giải pháp tiếp tục thực hiện nghị quyết 03 về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình 27.08.2010 | 10:15 AM
Xem tin theo ngày
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng
- Tháo gỡ khó khăn, không để các dự án trọng điểm của tỉnh chậm tiến độ
- UBND tỉnh tiếp nhận 1 tỷ đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam hỗ trợ tặng quà tết cho hộ có hoàn cảnh khó khăn
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy thăm, tặng quà đảng viên tiêu biểu, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa
- Quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội ngay từ đầu năm
- Bàn giao công tác của Chủ tịch UBND tỉnh
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy dự lễ khánh thành nhà cho hộ nghèo
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy thăm, chúc tết các văn nghệ sĩ
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm, chúc tết văn nghệ sĩ
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự lễ khánh thành nhà ở cho hộ nghèo huyện Vũ Thư