Thứ 7, 24/05/2025, 12:22[GMT+7]

Kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4 Hiệu quả công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật của Hội bảo trợ NTT – TMC Thái Bình

Thứ 3, 17/04/2012 | 08:17:41
1,237 lượt xem
Hội Bảo trợ Người tàn tật – Trẻ mồ côi (NTT – TMC) tỉnh Thái Bình thành lập ngày 29 tháng 3 năm 1994. Trải qua 18 năm xây dựng và hoạt động, Hội không ngừng phát triển và trưởng thành về mọi mặt, trở thành mái nhà chung, nơi những người khuyết tật và trẻ em mồ côi trong tỉnh gửi trọn niềm tin. Những kết quả Hội đạt được đã góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

Ông Mai Xuân Trường, Chủ tịch Hội Bảo trợ NTT – TMC Thái Bình tiếp nhận tiền ủng hộ của Công ty Xổ số kiến thiết Thái Bình. Ảnh: Minh Sơn

Một trong những nét nổi bật trong hoạt động của Hội Bảo trợ NTT – TMC Thái Bình những năm qua là công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật. Nếu như những năm đầu mới thành lập, hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật còn mang tính tự phát thì từ 10 năm trở lại đây, công tác này dần đi vào nền nếp, quy củ với những bước phát triển vượt bậc. Cùng với việc xác định những ngành nghề phù hợp với đặc điểm, điều kiện của người khuyết tật (bao gồm may, mây tre đan, thêu ren, điện tử - điện lạnh, chạm khắc đồng - gỗ -  đá, trong đó ba ngành may, mây tre đan, thêu ren đã thu hút rất nhiều người khuyết tật theo học), năm 2000, Trung tâm Dạy nghề cho NTT trực thuộc Hội Bảo trợ NTT – TMC tỉnh được thành lập với quy mô đào tạo trên 200 học viên mỗi năm. Năm 2007 Trung tâm được đầu tư xây dựng nhà học ba tầng, diện tích sàn 888 m2, nhà ở cho học viên và các công trình phụ trợ. Ngoài Trung tâm Dạy nghề trực thuộc tỉnh Hội, hiện tại toàn tỉnh Thái Bình có 25 cơ sở sản xuất kinh doanh dành cho người khuyết tật được Sở Lao động – TBXH cấp giấy chứng nhận.

Trong công tác dạy nghề cho người khuyết tật, Thái Bình đã nghiên cứu và áp dụng mô hình dạy nghề xen ghép tại cộng đồng. Theo đó, tại các cơ sở dạy nghề ở cơ sở, người khuyết tật sẽ được bố trí học nghề xen kẽ với những người bình thường. Với cách làm này người khuyết tật sẽ không phải di chuyển nhiều (vì các cơ sở dạy nghề thường ở gần nhà), đồng thời trong quá trình học sẽ được những người xung quanh hỗ trợ ở mức tốt nhất theo cách “cầm tay chỉ việc”. Song song với mô hình dạy nghề xen ghép, Hội Bảo trợ NTT – TMC Thái Bình còn duy trì hình thức dạy nghề tập trung. Ưu điểm của hình thức này là công tác quản lý cũng như chất lượng dạy nghề được bảo đảm. Bằng cách phát huy mặt mạnh, khắc phục điểm hạn chế của mỗi mô hình, những năm qua công tác dạy nghề cho người khuyết tật ở Thái Bình đã thu được nhiều kết quả tích cực. Trung bình mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 400 đến 500 người khuyết tật được học nghề, năm cao nhất lên tới 700 người.

Không chỉ quan tâm đến công tác dạy nghề, Thái Bình còn chú trọng giới thiệu, tạo việc làm cho người khuyết tật. Điều này được thể hiện qua việc lựa chọn những ngành nghề không chỉ phù hợp với người khuyết tật mà còn đáp ứng nhu cầu, khả năng tiếp nhận của các nhà tuyển dụng. Sau mỗi khóa đào tạo, Hội Bảo trợ NTT – TMC tỉnh đều tổ chức bế giảng và mời một số tổ chức, cá nhân đến dự và xem xét việc tuyển dụng những người khuyết tật đã học nghề về làm việc tại cơ sở, doanh nghiệp mình. Với cách làm này, nhiều người khuyết tật ở Thái Bình đã có việc làm với thu nhập ổn định (bình quân đạt từ 1 đến 2 triệu đồng/người/tháng, người cao nhất đạt trên 3,7 triệu đồng/tháng). Đến nay toàn tỉnh Thái Bình có 59 cơ sở dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật (trong đó riêng năm 2011 có thêm 9 cơ sở). Ngoài ra, nhiều hộ gia đình có người khuyết tật và người khuyết tật còn được tạo điều kiện vay vốn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội và một số kênh tín dụng khác với số tiền hàng tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho bản thân và gia đình.

Nhờ được học nghề, nhiều người khuyết tật ở Thái Bình đã vươn lên trở thành những ông chủ, bà chủ, kinh doanh thành công, sở hữu số vốn hàng tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều người khác (bao gồm cả người bình thường và người khuyết tật) như Doanh nghiệp Hoàn Thủy (thị trấn Đông Hưng, huyện Đông Hưng), Công ty TNHH đồ thờ Trần Minh Dũng (xã Minh Tân, huyện Hưng Hà), Doanh nghiệp Phạm Xuân Thúy (xã Đông Phương, huyện Đông Hưng), Công ty TNHH mỹ nghệ vàng bạc trang sức đá quý Phú Điền (thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy), Doanh nghiệp tư nhân Liên Sơn (xã Nam Hà, huyện Tiền Hải), Cơ sở tăm hương xuất khẩu của anh Tuyến (xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng), Cơ sở may thêu Hoàn Lẫm (xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư)… Họ thực sự là những tấm gương tiêu biểu về nghị lực vượt lên số phận, chiến thắng tật nguyền.

Từ những kết quả đạt được trong công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật của Hội Bảo trợ NTT – TMC Thái Bình có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, phải tranh thủ được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Hội bảo trợ NTT – TMC Việt Nam, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể cũng như các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học trong và ngoài tỉnh, trong đó có các chương trình, dự án dạy nghề.

Thứ hai, phải tìm được đội ngũ giáo viên tâm huyết với nghề, hiểu đặc điểm tâm lý và các điều kiện của người khuyết tật, có kỹ năng sư phạm để truyền đạt kiến thức cho người học.

Thứ ba, phải có cơ sở vật chất và cảnh quan môi trường nơi học tốt để tạo sự lôi cuốn từ đầu đối với bản thân người khuyết tật cũng như gia đình của họ khi đến học.

Thứ tư, việc dạy nghề phải gắn với nhu cầu của người học và của xã hội, hết sức tránh tình trạng đào tạo tràn lan, sau đào tạo nghề phải giới thiệu được việc làm, bảo đảm thu nhập cho người khuyết tật.

Phát huy kết quả và bài học kinh nghiệm, khắc phục những mặt còn tồn tại, hạn chế, những năm tới, Hội Bảo trợ NTT – TMC Thái Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật, góp phần cùng các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cũng như các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học trong và ngoài tỉnh làm tốt hơn nữa công tác chăm lo đời sống của người khuyết tật, tiếp thêm niềm tin và tạo cơ hội cho người khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Mai Xuân Trường
(Chủ tịch Hội Bảo trợ NTT – TMC Thái Bình)

 

  • Từ khóa