Thứ 4, 31/07/2024, 01:19[GMT+7]

Tìm lời giải cho bài toán xây dựng bãi chôn lấp và xử lý rác thải ở nông thôn

Thứ 5, 26/04/2012 | 15:26:33
1,382 lượt xem
Tỉnh ta có hơn 90% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, quá trình sản xuất và sinh hoạt hàng ngày xả ra môi trường một lượng lớn rác thải, trong đó có loại rác khó phân huỷ, độc hại như túi ni lon, bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên việc thu gom, xử lý rác thải lâu nay hầu hết đều thực hiện một cách tùy tiện, thiếu khoa học, tự phát, quản lý lỏng lẻo… dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chính cuộc sống của người dân.

Hiện nay, rác thải ở nông thôn thực sự trở thành vấn đề bức xúc. Rác có ở khắp mọi nơi, chưa được phân loại, chưa xử lý bằng các biện pháp công nghệ hợp vệ sinh môi trường mà “mạnh xã nào xã ấy lo”. Người dân có thể tự đem rác ra đổ tại các ao hồ, kênh rạch, cánh đồng, đường làng, bãi đất trống cạnh đường giao thông... Hoặc nhiều xã có đội vệ sinh môi trường đi thu gom hoạt động theo hình thức tự quản. Nhân dân tự đóng góp mỗi hộ từ 3.000đ đến 5.000đ/tháng để trả cho người thu gom rác. Khối lượng rác khá lớn, công việc vất vả, nặng nhọc, tiềm ẩn nguy cơ độc hại nhưng mức thù lao thấp, từ 700 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/người/tháng, có nơi thu bằng thóc cuối vụ trả một lần. Trong khi, các trang thiết bị như: xe chở rác, thùng chứa rác, dụng cụ thu gom, quần áo bảo hộ lao động thiếu và phải tự đầu tư nên phần lớn các đội tự quản vệ sinh môi trường hoạt động chưa hiệu quả.

 

Hầu hết các bãi đổ rác hiện nay đều chưa có quy hoạch được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, diện tích nhỏ, không bảo đảm đủ quy mô, sức chứa, quy trình công nghệ xử lý hợp vệ sinh môi trường, mà các xã tự lựa chọn một số khu vực đầm trũng, ruộng hoang hoá, bạc màu để làm bãi đổ rác, thậm chí mỗi thôn có 1 đến 2 bãi rác. Các bãi rác này hình thành một cách tự phát, vị trí tuỳ tiện, có khi sát ngay khu dân cư, gần trường học, trạm y tế, nhà văn hoá, không hệ thống thu và xử lý nước rỉ, thu khí ga nên không bảo đảm vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nước thải từ các bãi rác chảy khắp nơi hoà vào dòng nước ao hồ, kênh rạch, thẩm thấu đến các giếng nước sinh hoạt của người dân, cũng chính nơi đây phát sinh chuột bọ, ruồi muỗi gây hại cho cộng đồng.

 

Theo số liệu thống kê kết quả phiếu điều tra tại các xã, thị trấn của Viện Kiến trúc Quy hoạch Thái Bình ( Sở Xây dựng): toàn tỉnh hiện có có 380 bãi rác các xã tự quy hoạch chôn lấp rác, 449 bãi rác chưa được quy hoạch, 631 bãi rác không được quy hoạch, không bảo đảm vệ sinh. Nguyên nhân của tình trạng trên là do: lâu nay nhận thức của người dân ở vùng nông thôn về ô nhiễm môi trường từ rác thải còn hạn chế, nhiều người vẫn giữ thói quen tùy tiện, xả rác bừa bãi. Cấp uỷ, chính quyền cơ sở chưa tích cực tuyên truyền, huy động các tổ chức chính trị cùng vào cuộc vận động người dân tự phân loại, xử lý rác thải, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường trong cộng đồng dân cư. Chưa có biện pháp gắn kết công tác quản lý của xã với hoạt động của đội thu gom rác thải tại các thôn, xóm một cách hiệu quả; chưa có quy định chặt chẽ, thiếu các phương tiện kỹ thuật để kiểm tra, giám sát và xử lý những trường hợp gây ô nhiễm môi trường.

 

Năm 2010, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch Mạng lưới xử lý và chôn lấp rác thải tại các xã, thị trấn tỉnh Thái Bình đến năm 2020 và định hướng sau năm 2020. Quy hoạch đã tính toán trữ lượng rác thải hàng năm và dự báo 10 đến 15 năm sau cho các xã và huyện trong tỉnh dựa vào căn cứ quy mô phát triển dân số, tình hình phát triển KT-XH. Phương án xử lý rác thải hợp lý nhất từ nay đến năm 2020 là chôn lấp vệ sinh theo đúng quy trình kỹ thuật.

 

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, trong 2 năm 2010-2011, 100% số xã trong toàn tỉnh đã hoàn thành việc lập, phê duyệt quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới, trong đó từng xã đã quy hoạch được diện tích đất để đầu tư xây dựng bãi thu gom, xử lý rác thải bảo đảm theo tiêu chuẩn quy định. Tuy nhiên, cái khó  hiện nay  là nguồn vốn đầu tư xây dựng 1 bãi chôn lấp, xử lý rác thải bảo đảm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật với diện tích khoảng 1,5 ha, thời gian sử dụng trong vòng 10 năm phải mất vài tỷ đồng gồm: tiền đền bù giải phóng mặt bằng, máy móc thiết bị, nhân công đào đắp, nguyên liệu xử lý… địa phương không biết lấy  nguồn kinh phí ở đâu để đầu tư. Vì vậy, khi những bãi rác theo quy hoạch trên vẫn còn “nằm trên giấy” thì rác vẫn được xả bừa bãi ở khắp mọi nơi.

 

Để giải được bài toán này không phải là chuyện “một sớm một chiều” mà cần có lộ trình, cách thức cụ thể, rõ ràng và sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành và chính bản thân mỗi người dân. Vì vậy, vấn đề trước mắt hiện nay là cấp uỷ, chính quyền cơ sở, khu dân cư cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường cho người dân, không vứt rác bừa bãi. Phối hợp với ngành Tài nguyên & Môi trường hướng dẫn người dân biết cách phân loại, xử lý rác ngay tại nhà mình: chất thải rắn có thể chôn được thì chôn lấp ( gạch ngói, vôi vữa, sành sứ, thủy tinh); rác hữu cơ như rau, rơm rạ có thể ủ làm phân bón cho cây trồng, làm hầm Biôga;  cái gì có thể đốt được thì đốt như lá cây, que củi, bìa cứng; các chất độc hại như xác chết động vật bị bệnh, túi nilon, bao bì thuốc bảo vệ thực vật… thì phải thu gom, xử lý theo đúng quy trình kỹ thuật và đúng nơi quy định. Đầu tư hỗ trợ thêm kinh phí, tổ chức nâng cao hiệu quả hoạt động đội vệ sinh môi trường, đặt các thùng rác công cộng tại các điểm dân cư để người dân bỏ rác.

 

Đối với các bãi rác tự phát, không bảo đảm vệ sinh môi trường tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân biết về sự nguy hại, ảnh hưởng của rác thải đến môi trường và đời sống cộng đồng. Lập kế hoạch giải toả những bãi rác này đến địa điểm mới theo quy hoạch được phê duyệt hoặc sử dụng biện pháp lu lèn chặt rồi lấp đất, trồng cây xanh để phục hồi và cải thiện cảnh quan môi trường. Các ngành chức năng liên quan cũng cần tham mưu, đề xuất với tỉnh các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cơ chế, hành lang pháp lý rõ ràng nhằm “xã hội hoá” công tác bảo vệ môi trường, khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp tham gia thu gom xử lý chất thải, rác thải để “cứu” lấy môi trường nông thôn trước khi quá muộn.

 

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa