Thứ 7, 12/10/2024, 01:25[GMT+7]

Thái Thụy Nông dân chưa "mặn mà" với bảo hiểm nông nghiệp

Thứ 3, 08/05/2012 | 14:34:36
1,131 lượt xem
Thái Thụy là 1 trong 3 huyện được tỉnh chọn triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) giai đoạn 2011-2013 và bắt đầu làm từ vụ lúa xuân năm 2012. Song trái hẳn với sự vui mừng, háo hức ban đầu, sau hơn 4 tháng thực hiện, đa số nông dân trong huyện vẫn còn rất nhiều băn khoăn và chưa quyết định "rút hầu bao" để mua bảo hiểm cho những ruộng lúa của mình.

Triển khai tích cực nhưng nông dân vẫn "thờ ơ"

 

Theo quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 1/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm BHNN giai đoạn 2011-2013, Thái Bình thuộc nhóm các tỉnh thực hiện thí điểm bảo hiểm đối với cây lúa. Nếu mua BHNN, hộ nông dân nghèo sản xuất nông nghiệp sẽ được Nhà nước hỗ trợ 100% phí bảo hiểm, hộ cận nghèo được hỗ trợ 80% phí bảo hiểm, hộ nông dân không thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo được hỗ trợ 60% phí bảo hiểm.

 

Ông Phạm Hữu Thoại, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy cho biết: để BHNN đến được với người nông dân, từ tháng 1/2012 Thái Thụy thành lập BCĐ từ huyện đến xã, đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện thí điểm BHNN giai đoạn 2011-2013, tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên hệ thống loa truyền thanh để người dân nắm được các nội dung, tiêu chí, định mức, cơ chế chính sách khi tham gia. Đầu tháng 2/2012, Công ty Bảo Việt Thái Bình tổ chức tập huấn nội dung bảo hiểm, nghiệp vụ chuyên môn đến các thành viên BCĐ huyện, chủ tịch UBND các xã, thị trấn, chủ nhiệm, kế toán trưởng HTX dịch vụ nông nghiệp, chủ tịch Hội Phụ nữ, chủ tịch Hội Nông dân và các trưởng thôn. BCĐ thí điểm BHNN xã, thị trấn đã giao cho HTX dịch vụ dịch vụ nông nghiệp ( trực tiếp là chủ nhiệm) làm chủ thể ký hợp đồng bảo hiểm cho xã viên.

 

Các công việc: triển khai đăng ký đến các hộ theo mẫu quy định, tổ chức ký hợp đồng với các tổ chức, cá nhân tham gia BHNN được các xã, thị trấn triển khai tích cực, huyện cũng ra nhiều công văn đôn đốc các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tham gia mua bảo hiểm cho cây lúa. Tuy nhiên, theo báo cáo của BCĐ thí điểm BHNN huyện Thái Thụy đến đầu tháng 5/2012 toàn huyện có 60 HTX ký hợp đồng BHNN cho nông dân với Công ty Bảo Việt Thái Bình, còn 2 HTX là Thái Hồng và Thái An chưa thực hiện ký hợp đồng. Đối tượng tham gia bảo hiểm hầu hết là nông dân nghèo- hộ được Nhà nước hỗ trợ 100% phí bảo hiểm, toàn huyện có 3.002 hộ cận nghèo nhưng chỉ có hơn 100 hộ mua BHNN, chưa có người nông dân nào không thuộc diện nghèo và cận nghèo hay doanh nghiệp tham gia.

 

Phí bảo hiểm cao, nhiều tiêu chí khó thực hiện

 

Qua tìm hiểu của phóng viên: có nhiều nguyên nhân khiến người nông dân Thái Thụy chưa "mặn mà" với BHNN. Theo Quyết định số 3035/QĐ-BTC (ngày 16/12/2011)  của Bộ Tài chính về việc ban hành quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm cây lúa theo chỉ số năng suất thì: số tiền bảo hiểm được tính bằng diện tích lúa được bảo hiểm nhân với năng suất lúa bình quân của xã và nhân với đơn giá lúa; phí bảo hiểm được tính bằng số tiền bảo hiểm nhân với tỷ lệ phí bảo hiểm áp dụng với cây lúa là 5,23%; còn số tiền bồi thường được tính bằng mức sụt giảm năng suất nhân với diện tích lúa được bảo hiểm nhân với đơn giá lúa ( các số liệu phải do Chi cục thống kê huyện công bố).

 

Nếu tính cụ thể đối với Thái Thụy, ngay cả hộ cận nghèo khi được hỗ trợ 80% phí bảo hiểm thì năm 2012 mỗi sào họ phải đóng phí khoảng 20.000đ để mua BHNN, còn hộ nông dân bình thường phải đóng phí khoảng 40.000đ/sào. Đa số nông dân đều cho rằng mức phí này là cao so với điều kiện sống thực tế của họ. Ông Phạm Trọng Bài, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp xã Thái Đô cho biết :" Người dân xã Thái Đô hầu hết sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng đánh bắt thuỷ hải sản. Mỗi năm HTX cân đối các định mức kinh tế kỹ thuật tất tật chỉ thu của xã viên 42.000đ/sào ruộng và 12.884đ/sào nuôi trồng thủy sản, vậy mà nhiều hộ dân còn không có tiền đóng. Đến thời điểm này, số thóc xã viên còn khê nợ HTX là 137 tấn. Vì vậy, vừa qua khi xã triển khai thực hiện thí điểm BHNN bà con cũng chưa nhiệt tình hưởng ứng, ngoài 143 hộ nghèo chỉ có thêm 5 hộ cận nghèo tham gia".

 

Còn ông Nguyễn Hữu Khâm, nông dân thôn Bắc Ô Trình ( xã Thụy Trình) thì tính toán: " Gia đình tôi cấy 1,1 mẫu ruộng, nếu tham gia bảo hiểm cây lúa sẽ được Nhà nước hỗ trợ 60% phí, một năm vẫn  phải đóng 440.000đ. Nếu cộng thêm các chi phí: cày bừa, cấy, phân đạm, thuốc trừ sâu, công chăm sóc và thu hoạch… thì thu nhập còn chẳng đáng là bao, giá lúa xuống thấp thậm chí còn lỗ nên cũng không biết lấy nguồn đâu ra mà tham gia BHNN". Vì nhiều người có chung quan điểm với ông Khâm nên dù Thụy Trình tích cực triển khai, tuyên truyền vận động, nhưng toàn xã chỉ có 107 hộ nghèo ký hợp đồng mua bảo hiểm cho cây lúa, không có hộ cận nghèo hay hộ nông dân nào tham gia.

 

Theo quy định tại Thông tư số 47 của Bộ Nông nghiệp &PTNT ngày 29/6/2011 hướng dẫn việc thực hiện thí điểm BHNN trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thì điều kiện để được bồi thường BHNN đối với cây lúa gặp rủi ro do thiên tai như: bão lũ, lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại, sương giá, xâm nhập mặn, sóng thần hoặc các loại dịch bệnh: vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen, cháy lá, đạo ôn, dịch rầy nâu thì Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công bố xác định thiên tai, dịch bệnh xảy ra tại địa phương. Quy mô vùng chuyên canh lúa nước phải có diện tích tối thiểu 5ha trở lên, chưa kể phải bảo đảm các điều kiện về giao thông, thủy lợi. Bồi thường bảo hiểm chỉ được chi trả trong trường hợp năng suất thực tế thấp hơn 80% năng suất bình quân toàn xã của 3 vụ trong 3 năm trước đó ( số liệu do Chi cục Thống kê huyện công bố).

 

Nhiều nông dân cho rằng: với những điều kiện "ngặt nghèo" như vậy nếu có mua bảo hiểm cũng rất khó được bồi thường. Bởi hiện nay hầu hết bà con đều nắm chắc quy trình thâm canh lúa nước, ứng dụng tốt các tiến bộ KHKT, cộng thêm hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu nước cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh các ngành chức năng đều vào cuộc tích cực cùng nhân dân để phòng chống nên khả năng để sụt giảm năng suất thấp hơn 80% năng suất lúa bình quân toàn xã là rất hiếm. Ông Đào Đức Viện, Trưởng phòng Nông nghiệp &PTNT huyện cho biết: " Đối với Thái Thụy, khoảng 10 năm trở lại đây chưa năm nào xảy ra mất mùa trên diện rộng, năng suất lúa bình quân toàn huyện năm sau đều cao hơn năm trước".

 

Cần có cơ chế, chính sách phù hợp hơn

 

Những khó khăn, vướng mắc sau một thời gian triển khai thực hiện thí điểm BHNN ở Thái Thụy cũng là vấn đề mà 2 huyện Tiền Hải và Vũ Thư gặp phải. Ngày 16/4/2012 vừa qua, đoàn công tác của Bộ Tài chính đã làm việc với UBND tỉnh nghe báo cáo tiến độ thực hiện thí điểm BHNN của Thái Bình. Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã nhận định đây là chủ trương, chính sách mới nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn, đối tượng và phạm vi bảo hiểm trên diện rộng, mức phí bảo hiểm còn cao nên chưa thu hút được người nông dân tham gia. BCĐ thực hiện thí điểm BHNN tỉnh đã kiến nghị, đề xuất với Bộ các vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, quy tắc bảo hiểm, biểu phí cần phải sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tiễn ở các địa phương…. để việc triển khai thực hiện thí điểm BHNN hiệu quả hơn, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

 

 

  • Từ khóa