Thứ 7, 17/05/2025, 21:56[GMT+7]

Đê, kè, cống Quỳnh Phụ Vẫn chưa an toàn trước mùa mưa bão

Thứ 5, 10/05/2012 | 14:14:27
896 lượt xem
Bước vào mùa mưa bão năm 2012, công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai đang được các địa phương gấp rút triển khai, trong đó bảo đảm an toàn cho các tuyến đê trước mùa mưa bão là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Công nhân đang gấp rút thi công đoạn kè thuộc xã Quỳnh Lâm (Quỳnh Phụ). Ảnh: Đức Dũng

Ông Trần Công Chung- Phó Trưởng phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Quỳnh Phụ cho biết: Chúng tôi phải tranh thủ từng ngày, từng giờ, chạy đua với thời gian để gia cố, sửa chữa lại các đoạn đê, các công trình trên đê bị xuống cấp, nhằm kịp thời đối phó khi lũ về.

 

Huyện Quỳnh Phụ có 2 tuyến đê chính, với chiều dài 35,5 km, gồm: đê Hữu Luộc, dài 19,5 km, bắt đầu từ km 16+ 500, thuộc địa phận xã Quỳnh Ngọc đến km 36+000, xã An Khê và đê Hữu Hóa, dài 16 km, từ km 0+000 thuộc xã An Khê đến km 16+000 xã An Mỹ. Với tổng chiều dài các tuyến đê lớn, khi xảy ra những sự cố về đê sẽ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ an toàn đê, kè, cống trong công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, các cấp, các ngành của huyện Quỳnh Phụ thường xuyên quan tâm đến công tác bảo vệ, hành lang đê, xử lý các vi phạm an toàn hành lang thân đê, mái đê. Thực hiện việc duy tu các điểm đê xung yếu có nguy cơ xảy ra sụt lún, sạt lở.

 

Trong mùa mưa bão năm nay, ngân sách tỉnh, huyện đã chi trên 8 tỷ đồng cho công tác tu sửa, gia cố các đoạn đê: km 16+900 đến km 17+300, dài 400 m thuộc xã Quỳnh Ngọc; km 26+200 đến km 26+700, dài 500 m thuộc địa phận xã Quỳnh Hoa; 2 đoạn kè dài 260 m thuộc xã Quỳnh Lâm và kè đê bối Quỳnh Hoa dài 300 m.

 

Tại công trình gia cố kè thuộc xã Quỳnh Lâm, trên 30 công nhân đang chạy đua cùng thời gian thi công các hạng mục. Mặc dù mới khởi công được hơn một tháng, công trình đã hoàn thành gần 50% khối lượng. Nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành, bàn giao công trình bảo đảm chất lượng theo đúng thiết kế trước ngày 1/6. Tuy nhiên, theo ông Chung thì số tiền trên 8 tỷ đồng chỉ như “muối bỏ bể”, không thấm vào đâu so với yêu cầu tu sửa đê, kè, cống của huyện Quỳnh Phụ hiện nay. Do đó, số tiền được tỉnh hỗ trợ, huyện chỉ tập trung vào việc tu sửa những đoạn xung yếu và những công trình trọng điểm. Theo ước tính, để tu sửa 2 tuyến đê thật sự vững chắc, đảm bảo vượt lũ an toàn phải cần đến số tiền hàng trăm tỉ đồng. Thế nhưng con số này là quá lớn, do vậy đành phải chấp nhận phương án tu sửa chắp vá để đối phó với lũ.

 

Để tìm hiểu thực trạng của các tuyến đê huyện Quỳnh Phụ, chúng tôi men theo các triền đê để mục sở thị “bệnh tình” của nó hiện nay ra sao? Hình ảnh mà chúng tôi chứng kiến được là nhiều đoạn đê, kè đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Đoạn kè Hiệp dài 900 m được xây dựng từ năm 1952, từ đó đến nay không được sửa chữa thường xuyên. Hơn nữa, trong phạm vi bảo vệ kè, địa phương đã cho các hộ kinh doanh đấu thầu làm bến bãi chứa, tập kết vật liệu, mái kè làm nơi neo đậu tàu thuyền nên bị xô tụt hết đá đỉnh kè và bãi lại chứa vật liệu quá cao từ 3- 4 m, gây mất an toàn.

 

Trên tuyến đê Hiệp, mật độ các phương tiện: xe máy, ô tô, công nông tự chế đi lại nhiều, nhất là các xe ô tô vận chuyển cát, sỏi, đá... ra vào các bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng đã làm mặt đê xuống cấp rất nhanh, tạo thành các hố ổ voi, ổ gà có nguy cơ làm mất an toàn cho thân đê và mất an toàn về giao thông. Kè Đại Nẫm, với tổng chiều dài 2,5 km, bắt đầu từ km 28+700 đến km 31+200, được xây dựng từ năm 1949. Mặc dù đã được đầu tư sửa chữa nhỏ một vài lần nhưng hiện phần giữa kè, thuộc km 29+800 đến km 30+200 do lở mái từ lâu nên hàng năm khi có lũ về vẫn bị lở tiếp, lấn sâu vào bãi. Đặc biệt, đoạn đầu kè dài gần 300 m, đỉnh kè gần sát với chân đê, chỗ gần nhất chỉ cách chân đê 5- 6 m. Trong trận lũ năm 2005, tại km 29+000 đỉnh kè đã bị tụt đá dài 50 m và lở đất lấn sâu vào bãi 1 m.

 

Tại đoạn kè Đại Nẫm, xã Quỳnh Thọ, địa phương cho nhân dân thuê làm bãi tập kết vật liệu, neo đậu tàu thuyền gây mất an toàn cho kè. Cùng với đó, do thiếu ý thức nên nhân dân còn đổ rác thải ra mặt đê, mái đê và chân đê. Tại triền đê Hữu Hóa, tình trạng người dân mở rộng bến bãi, lò gạch, lò vôi, nuôi trồng thủy sản... đã vi phạm hành lanh chân đê. Một thực trạng đáng nói là các loại phương tiện, quá tải thường xuyên chạy qua các tuyến đê, xong do chưa có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong kiểm tra, xử lý nên việc vi phạm vẫn xảy ra thường xuyên.

 

Một mùa mưa bão nữa đã đến, nhưng điều đáng quan ngại về mặt an toàn vẫn đang tiềm ẩn ở hệ thống đê, kè, cống Quỳnh Phụ. Vì vậy, để chủ động đối phó với mọi tình huống nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão năm 2012, các ngành, các cấp, đơn vị liên quan cần tập trung chỉ đạo hoàn thành dứt điểm kế hoạch tu bổ đê, kè, cống đúng tiến độ quy định. Chính quyền các cấp và nhân dân sống ven đê cần nâng cao trách nhiệm không để xảy ra những vi phạm trong công tác quản lý và bảo vệ đê điều; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ vi phạm trên mái đê, dọc theo chân đê và các vụ vi phạm trong lòng sông gây cản trở việc thoát lũ. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện cần tập trung chỉ đạo tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống đê, kè, cống, phát hiện kịp thời các sự cố ảnh hưởng đến an toàn của công trình và chủ động khắc phục, tu bổ để sẵn sàng đối phó với mùa mưa bão.

Minh Nguyệt

 

  • Từ khóa