Thứ 6, 02/05/2025, 12:02[GMT+7]

Chạm tay đến ước mơ

Thứ 5, 14/06/2012 | 09:37:44
822 lượt xem
Ước mơ là tài sản vô giá của tuổi trẻ, hãy dùng nó để mua lấy những mục tiêu cuộc đời. “Ðể bay cao trong cuộc đời, bạn phải cất cánh với chính đôi cánh của bạn”. Ðó là một quan điểm sống rất đúng đắn mà chúng ta cần phải tiếp thu và học tập. Còn với tôi để “chạm tay” đến ước mơ của mình là cả một quá trình không ngừng rèn luyện, học hỏi và quyết tâm đến cùng.

Sinh viên báo chí tác nghiệp

Thích đi và đam mê viết tôi đã chọn nghề báo. Một ý nghĩ non nớt cho một sự lựa chọn lớn. Lúc đầu không một ai trong gia đình đồng ý với sự lựa chọn của tôi bởi vì ai cũng cho rằng đàn ông làm báo còn mệt huống chi tôi là con gái.  Nhưng dù lo lắng cho con, bố mẹ vẫn ủng hộ con đường con đi. Bởi hơn ai hết con biết bố mẹ hiểu những giá trị lớn lao của nghề báo trong xã hội. Chọn nghề báo là lựa chọn con đường đầy chông gai và tự đặt ra cho mình vô vàn những thử thách. Tôi  cứ mải miết đi, tìm và viết đôi khi chỉ để thỏa mãn lòng đam mê và tìm hiểu những điều chưa biết trong cuộc sống xung quanh mình.

 Làm báo vất vả nhưng rất nhiều niềm vui. Chính vì thế mà ai đã bước chân vào nghề thì không dễ dàng từ bỏ. Nghề báo không phải ai lựa chọn mà cũng có thể theo và làm tốt được và để trở thành một nhà báo giỏi cần có một quá trình rèn luyện và học hỏi lâu dài để có đầy đủ tài năng, trí tuệ, bản lĩnh và cả tấm lòng nhân ái khi nhìn nhận mỗi sự việc, hiện tượng. Ðược đi và viết tôi thấy hiểu về cuộc sống nhiều hơn. Thấy quanh mình còn nhiều những mảnh đời bất hạnh. Nhìn vào họ, chính bản thân lại thấy mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa... Những chuyến đi cho tôi biết rất nhiều người đang từng ngày, từng giờ đấu tranh với số phận để vươn lên góp thêm cho cuộc đời những điều tốt đẹp. Ngoài cuộc sống còn rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn mà hàng ngày họ phải đương đầu vật lộn nhưng không vì thế mà họ mất niềm tin, sự hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp về sau. Nghề làm báo cho tôi được cơ hội tiếp xúc với  nhiều người, không ít người trong số họ gây ấn tượng mạnh, thậm chí có người đã làm thay đổi cả nhận thức của tôi về cuộc sống. Tôi yêu sự lựa chọn của mình cũng như chân thành yêu những người đã trở thành nhân vật trong tác phẩm của tôi, những người biết cách “để lại một vết xước trong cuộc đời vô tận” này.

Tôi vừa hoàn thành xong một bài phóng sự về những gánh hàng rong. Chủ đề không hề mới nhưng tôi thực sự thấy khâm phục những người mẹ tảo tần, nuôi con vào đại học bằng những gánh hàng kĩu kịt trên vai từ tờ mờ sáng đến tối khuya mỗi ngày. Gánh nặng cuộc đời in hằn  trên đôi vai hao gầy của mẹ bao nỗi vất vả nhọc nhằn nhưng chính những gánh hàng ấy đã nuôi lớn những thế hệ tương lai của đất nước, xây dựng cuộc sống giàu mạnh trong tương lai.

Trước đây khi chưa học báo, tôi không thể nào hình dung nổi sự phức tạp và khó khăn của nghề báo. Nhưng khi đã xâm nhập vào nghề, tôi thấy nghề báo không chấp nhận sự lười biếng, thiếu sáng tạo dù là làm báo Trung ương hay báo Ðảng địa phương. Tuy nhiên để có thể tự khẳng định mình, người làm báo phải thực sự yêu nghề và biết dấn thân. Khi biết tôi theo nghề báo nhiều người tỏ vẻ ái ngại, chặc lưỡi vì làm báo vất vả đủ đường, vừa phải hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa phải chăm lo cho gia đình, thêm biết bao nhiêu áp lực… Không ít lần tôi phải dậy thật sớm, rón rén cầm chiếc máy ảnh và cuốn sổ ghi chép chạy bộ gần 4km để đến khu chợ lao động để lấy thông tin cho bài viết của mình. Vì là những lao động nông thôn, không nghề nghiệp dắt túi nên ngày ngày họ tập trung từ sáng sớm để mong chờ sẽ có ai đó thuê mướn làm bất cứ việc gì. Họ không còn trẻ, nhưng vì gánh nặng cơm áo gạo tiền mà sẵn sàng bán sức lao động. Thôi thì như các cụ ta đã nói hy sinh đời bố, củng cố đời con. Cả đời họ đã khổ, không được học hành nên phải đi đội đất, đội đá để kiếm tiền nuôi các con, chỉ hy vọng sau này chúng nó học hành mà thoát khỏi cái dốt, cái nghèo … Nhiều lúc mẹ tôi vẫn trách sao bao nhiêu con đường con không chọn, bao lối đi con không rẽ mà cứ phải chọn con đường gian nan và những khúc rẽ quanh co…

Thế nhưng công việc nào cũng có khó khăn và thuận lợi riêng, cũng có những áp lực đặc thù. Trong xã hội chẳng có gì là nhàn hạ cũng chẳng có nghề gì mà phụ nữ không làm được. Ðiều quan trọng hơn bao giờ hết là phải thực sự yêu nghề, tâm huyết với nghề, nỗ lực phấn đấu khắc phục mọi khó khăn. Nếu ai mới thấy khó khăn đã nản chí, cho rằng nghề báo là gian khổ, vất vả thì không thể làm báo được. Vì vậy phụ nữ cũng như nam giới đều có thể làm báo và làm báo tốt nếu như họ có một chữ “say” với nghề để ngòi bút được thăng hoa qua từng trang viết. Có một câu nói của nhà văn nổi tiếng Victo Hugo mà tôi nhớ mãi: “ Ðể sáng tạo tương lai hãy bắt đầu từ một ước mơ.” Hãy đặt ra ước mơ cho mình và cùng biến nó thành hiện thực các bạn nhé.

Tuyết Nhung

(Sinh viên thực tập)

  • Từ khóa