Thứ 5, 22/05/2025, 13:11[GMT+7]

Con đường đến với Báo Thái Bình

Thứ 5, 14/06/2012 | 10:22:28
867 lượt xem
Nói về đất và người Thái Bình, quá khứ cũng như hiện tại, đề tài mênh mông lắm đấy, viết không xuể đâu. Bó bện nơi chôn rau cắt rốn, nặng lòng với những con người cuốc bẫm cày sâu tôi chỉ ước sao bài viết của mình đăng trên “Thái Bình cuối tuần” và “Nguyệt san Thái Bình” ít nhiều gây được cảm tình đối với bạn đọc.

Phóng viên Báo Thái Bình tác nghiệp tại cở sở. Ảnh: Thành Tâm

Năm 1959, trong đội Thanh niên xung phong (TNXP) xây dựng miền Tây, một đoàn trai gái tuổi 16, 17 của Thái Bình hăm hở ngược đường số 6 trên hàng chục chiếc xe kéo pháo nhận nhiệm vụ mở rộng hơn 80 cây số đường chiến lược từ Tuần Giáo vào lòng chảo Ðiện Biên. Treo mình lơ lửng trên Taluy dương phá đá giữa hầm hập gió Lào. Bì bõm dưới suối khai thác cấp phối trong cái lạnh thấu xương của mùa đông miền Tây. Quanh năm suốt tháng làm bạn với cơm nếp nương, bí đỏ, cá khô và điệp khúc canh rau dớn, rau tàu bay nấu nước suối pha muối. Công việc cực nhọc, ăn uống kham khổ, khí hậu khắc nghiệt cộng thêm sốt rét làm người nào người ấy “béo” vàng. Cái khổ đã tột cùng nhưng may mắn được bù đắp bằng đời sống tinh thần. Ban ngày căng sức ở hiện trường, tối tối doanh trại vẫn rộn vang những bài hát “Qua miền Tây Bắc”, “Tình ca Tây Bắc”... Ðặc biệt, trước các cuộc họp thể nào cũng sôi động nhịp vỗ tay giòn giã tạo thứ “nhạc đệm” cho giai điệu trầm hùng của bài ca “Thanh niên xung phong”.

“... Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền...”.

 

Ðại đội TNXP nào cũng rộ lên phong trào làm “Bích báo”. “Bích báo” nghĩa là “báo tường”, nhưng thực tình chẳng có “tường” đâu mà treo vì doanh trại dã chiến tứ bề đều được quây bằng nứa đập dập. Ðể giải quyết “bế tắc”, chúng tôi nảy ra sáng kiến: Vào rừng chặt tre đan hẳn một tấm liếp rõ đẹp dùng làm cốt dán các bài báo. Ngày nắng đưa báo ra sân túm tụm đọc. Hễ thấy trời sấm chớp sắp đổ mưa liền hò nhau khênh nhanh vào doanh trại. Thế là danh từ “bích báo” được thay bằng “báo liếp đại đội”. Thuở gian khổ ấy ở Tây Bắc mà kiếm được một cuốn sách, một ấn phẩm để đọc phải coi là thứ “xa xỉ phẩm”. Trong hoàn cảnh ấy báo liếp “có giá” đáo để. Ðược cán bộ khích lệ, hết giờ lao động ngoài công trường tôi dành hết thời gian vào viết lách. Anh chị em đã đặt tặng cho tôi “chức danh” rất hài hước: “Phóng viên báo liếp”. Một buổi sáng, trên “báo liếp đại đội” thấy dán  hai câu thơ không rõ của cô gái TNXP tinh nghịch nào:

 

Chồng mày hoạn lợn khéo tay

Chồng tao “Báo liếp” tối ngày chẻ tre.

 

Trêu vậy chứ trêu nữa suy cho cùng cũng là sự hồn nhiên tuổi trẻ. Hai năm phá núi mở đường là hai năm tôi gắn bó với “báo liếp đại đội”. Thật không ngờ, những năm gian khổ này chính là thời khắc khởi thủy khiến tôi lạc vào “nghiệp” cầm bút cho đến tận bây giờ. Thấm thoắt đã hơn nửa thế kỷ, giờ đây tuổi đã thất thập vẫn “dan díu” với nàng Văn nàng Báo không dứt ra được. Ðảm nhận cộng tác viên chuyên trách Bản tin Cựu TNXP Việt Nam, được dịp qua tỉnh này, tỉnh kia tìm đến đồng đội của một thời xẻ dọc Trường Sơn càng khiến tôi không ngừng rèn luyện nâng cao chất lượng mỗi bài viết của mình. Song song với những trang TNXP tôi dành quá nửa thời gian viết về mảnh đất và con người Thái Bình.

 

Tuy còn nghèo nhưng Thái Bình lại hiện hữu một kho tàng đồ sộ chuyện đất, chuyện người dẫu có viết  cả đời cũng không hết. Ông Nguyễn Ðức Cảnh, một người con kiệt xuất của Ðảng, vị lãnh tụ đầu tiên của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; rồi Nguyễn Thị Chiên, nữ Anh hùng Quân đội số một; Tạ Quốc Luật, người chỉ huy bắt sống tướng Ðờ Cát; Phạm Tuân, phi công đầu tiên trên thế giới bắt rơi siêu pháo đài bay B52 của Mỹ; Bùi Quang Thận, chiến sỹ cắm lá cờ toàn thắng trên nóc Dinh Ðộc Lập... Họ đều là người quê lúa Thái Bình mà tên tuổi sống mãi với những mốc son chói lọi trong lịch sử đánh đuổi ngoại xâm. Không chỉ đánh giặc, người Thái Bình làm gì cũng giỏi. Cách đây gần nửa thế kỷ, giữa ngày bom đạn, Thái Bình đã kiêu hãnh đạt danh hiệu “Tỉnh 5 tấn đầu tiên trong cả nước”. Và hôm nay, nếu đem so với thời “cây số 3 đau thương” năm Ất Dậu 1945, Thái Bình đã thay da đổi thịt. Vinh quang này thuộc về lớp lớp thế hệ dũng cảm, cần cù thuộc xứ thuần nông Thái Bình. Sống nhờ vào hạt gạo, cọng rau quê hương nên tôi viết nhiều về mảnh đất, con người Thái Bình. Chiến tranh, lịch sử, nông thôn, miền biển rồi giao thông, văn hóa ngay cả góc ẩm thực dân dã chốn thôn quê, đề tài nào tôi cũng “nghiện”.

 

Ðọc những bài ký quanh khóm lúa, cọng rạ, lũy tre, đoạn đường, ngôi chùa đến câu cá, bắt cua, canh don, nộm sứa... sau khi tỏ lời khen thấy có người chân tình ngỏ ý: Hình như Hoàng Ngọc Khuyến không thể vượt qua lũy tre làng? Vâng nói về đất và người Thái Bình, quá khứ cũng như hiện tại, đề tài mênh mông lắm đấy, viết không xuể đâu. Bó bện nơi chôn rau cắt rốn, nặng lòng với những con người cuốc bẫm cày sâu tôi chỉ ước sao bài viết của mình đăng trên “Thái Bình cuối tuần” và “Nguyệt san Thái Bình” ít nhiều gây được cảm tình đối với bạn đọc. Chỉ một điều, độc giả bây giờ có xuất phát điểm tri thức rất cao nên “kỹ tính” lắm. Viết hay, viết dở cứ lướt vài dòng mở đầu là họ lên tiếng ngay. Những bài bút ký, tùy bút, dù đề tài nào cũng phải chỉn chu từng câu từng chữ thậm chí từng dấu phẩy, dấu chấm. Nghiêm khắc trong viết lách là tôn trọng độc giả, cũng có nghĩa tôn trọng chính mình.

Hoàng Ngọc khuyến

(Khu 3 Thị trấn Diêm Ðiền, Thái Thụy)

 

  • Từ khóa