Thứ 7, 03/08/2024, 11:20[GMT+7]

Báo chí Thái Bình với Trường sa

Thứ 3, 19/06/2012 | 14:15:38
960 lượt xem
Có thể nói, những ngày tác nghiệp ở Trường Sa là những ngày cánh báo chí chúng tôi “được” làm việc với cường độ “chóng mặt” theo một chu trình cố định: đi – đến – rời tàu, xuống xuồng vào đảo – gặp gỡ, trò chuyện, phỏng vấn, quay phim, chụp ảnh – viết, gửi tin, bài, hình ảnh về tòa soạn.

Trong thành phần Đoàn công tác của tỉnh ta đi thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa tháng 5 vừa rồi có 3 người của giới báo chí. Đó là nhà báo Vũ Anh Thao, Giám đốc Đài PTTH Thái Bình, quay phim Việt Thắng của Đài và tôi. Với riêng cá nhân tôi, đây là lần thứ hai trong đời làm báo được tác nghiệp tại địa danh mà mới chỉ nghe tên thôi đã trào dâng trong lòng mỗi người dân đất Việt bao sự hãnh diện, tự hào, bao niềm thương nỗi nhớ. Do vậy, ngay từ trước chuyến đi này, chúng tôi đều xác định phải bằng tất cả nỗ lực của mình để góp phần nhỏ bé giúp Trường Sa gần với đất liền hơn, làm “sợi dây liên lạc” giữa quê hương với những người con Thái Bình đang cùng đồng đội chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tác nghiệp tại Trường Sa lần này, “nhóm báo chí” của chúng tôi tuy chỉ 3 người nhưng trong hành trang có đến 3 laptop, 3 máy ảnh, 2 máy quay phim, 2 máy ghi âm. Tất nhiên là không thể thiếu được sổ, bút – những vật “bất ly thân” của người làm báo, và USB 3G để truyền tin, bài, hình ảnh về tòa soạn. Tất cả đều được kiểm tra “tình trạng kỹ thuật” kỹ lưỡng trước ngày lên đường để bảo đảm không có trục trặc xảy ra ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ. Tôi làm báo viết nên “trang bị” có phần gọn nhẹ hơn so với các đồng nghiệp bên truyền hình, các anh còn lỉnh kỉnh với những “phụ kiện” khác như chân máy quay, micro… Cũng như lần trước, lần này đến với Trường Sa tôi không quên lựa chọn, gói ghém cẩn thận những ấn phẩm đặc sắc nhất của Báo Thái Bình làm quà tặng các chiến sĩ.

Khỏi phải nói cán bộ, chiến sĩ Trường Sa – nhất là những người con của quê lúa Thái Bình, vui như thế nào khi có đoàn công tác ra thăm, và quà tặng là những “món ăn tinh thần” quý giá như vậy. Thiếu tá Bùi Văn Thành, Chính trị viên CCĐ 3 đảo Nam Yết cùng các đồng đội, đồng hương của mình chuyền tay nhau đọc Báo Thái Bình số đặc biệt chào mừng kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2012) và ngày Quốc tế lao động 1/5, trên khuôn mặt các anh không giấu được niềm vui khi biết được quê hương đang từng ngày đổi mới. Thiếu tá Thành cho biết, anh và các đồng đội của mình thường xuyên nhận được sự quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần của các cấp, các ngành, đó là sự động viên lớn lao giúp các anh vững vàng hơn nơi đầu sóng ngọn gió. Thay mặt cán bộ, chiến sĩ con em Thái Bình đang công tác trên đảo, Thiếu tá Thành cảm ơn sự quan tâm của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, hứa sẽ đem hết sức lực, trí tuệ cùng tập thể đơn vị sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Cũng khẳng định quyết tâm sẵn sàng chiến đấu của mình, chàng trai trẻ Trần Hữu Vương (quê Hồng An, Hưng Hà), ra đảo công tác từ tháng 12/2010 đến nay, không quên nhờ chúng tôi nhắn gửi tới gia đình lời chúc sức khỏe và sự vững tâm về người con đang công tác nơi đảo xa. Ở nơi tuyến đầu, Vương và các đồng đội của mình luôn vững vàng ý chí, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chia tay Thiếu tá Thành, Vương và những người con quê lúa ở Trường Sa, lòng chúng tôi tràn ngập tự hào. Quê hương Thái Bình gửi trọn niềm tin ở các anh!

Có thể nói, những ngày tác nghiệp ở Trường Sa là những ngày cánh báo chí chúng tôi “được” làm việc với cường độ “chóng mặt” theo một chu trình cố định: đi – đến – rời tàu, xuống xuồng vào đảo – gặp gỡ, trò chuyện, phỏng vấn, quay phim, chụp ảnh – viết, gửi tin, bài, hình ảnh về tòa soạn. Thời gian lên đảo thường không nhiều, do vậy chúng tôi vừa phải nắm bắt thông tin chung, vừa phải tranh thủ gặp gỡ, phỏng vấn cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo – càng nhiều càng tốt để làm tư liệu tuyên truyền sau này. Chúng tôi cũng xác định, phải viết và truyền tin, bài, hình ảnh sớm nhất về tòa soạn để những tin tức mới nhất về Trường Sa nhanh chóng đến được với đông đảo công chúng, bạn đọc. Nếu như việc viết khá ổn thì việc truyền tin, bài, hình ảnh từ Trường Sa về tòa soạn quả là một kỳ công. Do điều kiện kỹ thuật đường truyền giữa biển khơi không thể bằng trong đất liền nên mỗi khi truyền tin, bài, hình ảnh thì tôi và quay phim Việt Thắng phải “canh trực” bên máy tính hàng tiếng, thậm chí cả vài tiếng đồng hồ. Thế nên, mỗi khi có một tin, một bài, một ảnh hay một đoạn phim được truyền về thành công và cập nhật kịp thời trên Báo Thái Bình điện tử và Báo Thái Bình cuối tuần cũng như trên sóng phát thanh, truyền hình Thái Bình, cả ba anh em chúng tôi đều thấy rất vui, lòng thì nhẹ nhàng, khuôn mặt ai nấy như “giãn” ra đôi chút. Những tin tức từ quần đảo yêu thương của Tổ quốc đến với người đọc, người xem và được quan tâm đón nhận là sự cổ vũ, động viên để chúng tôi tiếp tục cuộc hải hành, tiếp tục với nhiệm vụ của mình.

Vất vả nhưng mà vui, xen lẫn niềm tự hào khi đã góp phần nhỏ bé giúp Trường Sa gần đất liền, gần với quê hương Thái Bình hơn – đó là cảm nhận chung của cả ba anh em chúng tôi sau chuyến đi này. Tôi luôn nghĩ rằng, và mong rằng, sẽ có một ngày gần đây nhất được trở lại với Trường Sa, trở lại với những người con kiên trung của Tổ quốc. Ở nơi ấy, giữa biển khơi mênh mông, chúng tôi lại được làm “cầu nối”, được kể lại sự vững vàng của tiền tuyến với hậu phương và mang tình cảm, niềm tin của hậu phương đến với những người chiến sĩ đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài, ảnh : Minh Sơn

  • Từ khóa