Chủ nhật, 11/08/2024, 04:23[GMT+7]

Chiến sĩ tình báo Nguyễn Duy Nhất - chuyện bây giờ mới kể

Thứ 2, 18/04/2016 | 08:36:23
1,719 lượt xem
Mấy hôm nay, ở xã An Ninh (Quỳnh Phụ), người ta vui mừng kháo nhau về lễ đón nhận Bằng Tổ quốc ghi công cho ông giáo Nhất, rủ nhau ra xem ngôi mộ to được những người học trò nay đã ở tuổi “cổ lai hy” từ mọi miền Tổ quốc chung tay xây đắp cho thầy. Câu chuyện ông giáo Nhất theo giặc, thực chất là chiến sĩ tình báo cộng sản cũng được người ta kể cho nhau nghe bằng tất cả niềm tự hào và khâm phục.

Các học trò tưởng nhớ thầy giáo Nguyễn Duy Nhất.

 

Người chiến sĩ tình báo thầm lặng

 

Ông giáo Nhất, tức Nguyễn Duy Nhất, sinh năm 1898 tại vùng duyên hải Hậu Chữ, Thụy Duyên, Thụy Anh (nay là Thái Thụy). Người dân Dục Linh (thuộc Phụ Dực - Vĩnh Linh cũ, nay là An Ninh, Quỳnh Phụ) kể lại, vào những năm 40, họ thấy một thầy giáo đưa gia đình về đây sinh sống và dạy học. Dưới thời thuộc Pháp, chữ nghĩa được coi như một thứ xa xỉ do chính sách cai trị hà khắc cùng chủ trương ngu dân của chính quyền thực dân. Hình ảnh thầy giáo làng với hàng chục học sinh từ lớp vỡ lòng đến lớp nhì, lớp nhất được dạy chung trong một căn phòng nhỏ mượn được của một vị phụ huynh hảo tâm đã trở thành ký ức in đậm trong tâm trí nhiều người.

 

Ông giáo Nhất được biết đến là người thầy nghiêm khắc và viết chữ rất đẹp. Học trò đến học ông đều được dạy lễ nghĩa, phân phải trái, đúng sai. Thời đó, cả huyện mới có một, hai thầy giáo nên ông vừa dạy chữ vừa dạy đủ các môn: văn, toán, sử, địa, kể cả tiếng Pháp, Hán Nôm nữa nếu có yêu cầu. Trình độ uyên thâm nên tiếng lành đồn xa, chẳng mấy mà người ta biết đến ông như một con người tài ba hiếm có. Song không ai biết rằng, ông chính là một trong những điệp viên của lưới tình báo cộng sản.

 

Ðầu những năm 50, diễn biến phức tạp của tình hình chiến sự thế giới cộng với những thất bại trên chiến trường Việt Nam đã khiến giới chức Pháp đau đầu. Ðể bình ổn lại trận địa, Capentier được điều làm tổng chỉ huy quân đội Pháp tại Ðông Dương thay cho Blaizot. Ngay sau đó chúng thành lập một binh đoàn cơ động do Alexandri chỉ huy với một loạt những cuộc hành quân càn quét miền Bắc Việt Nam. Ngày 8/2/1950, ở Thái Bình, chúng thực hiện cuộc hành quân Tourneau với hơn 5.000 quân cùng 2 tàu chiến, 4 ca nô, 18 xe lội nước, trong đó hơn 4.000 quân chia làm ba cánh vượt sông Luộc đánh sâu vào các huyện Hưng Nhân, Duyên Hà, Quỳnh Côi, Phụ Dực. Nhờ lực lượng đông cùng trang bị vũ khí hiện đại, chúng đã nhanh chóng áp đảo và chiếm giữ được các chốt quan trọng của ta.

 

Tại phố Lầy - một trong những vị trí quân sự trọng yếu nằm giữa Phụ Dực và Quỳnh Côi, chúng cho lập bốt Dục Linh và bốt quận. Hàng loạt pháo đài xi măng cốt sắt mọc lên. Tất cả cây cối, lũy tre đều bị chặt trụi nhằm mở rộng tầm nhìn, ngăn không cho Việt Minh trà trộn vào bốt. Ðiều này gây khó khăn rất nhiều cho ta. Tổ chức nhận định, cấp thiết phải có một người nằm vùng, hoạt động trong lòng địch để nắm bắt tình hình, tạo thế chủ động với quân địch. Nhận được sự giao phó, thầy giáo Nguyễn Duy Nhất dưới lớp vỏ dạy học đã từng bước len lỏi vào bộ máy chính quyền thực dân bằng cách làm thông ngôn cho sĩ quan Pháp trong bốt Dục Linh. Tại đây, một mặt ông hoàn thành tốt nhiệm vụ bọn sĩ quan Pháp giao, một mặt ông âm thầm tìm cách chuyển ảnh, tài liệu và thông tin về các cuộc càn quét của địch cho ta. Hoạt động đơn tuyến, chỉ chịu sự chỉ đạo của một cán bộ cách mạng có tiếng nói trong tổ chức nên không ai biết ông là cộng sản. Tin ông làm mật thám theo giặc, phản cách mạng nhanh chóng lan truyền. Họ kháo nhau cả nhà ông đã theo giặc, hưởng lương giặc, ở nhà giặc. Ông biết, song nhiệm vụ là nhiệm vụ, đã hoạt động bí mật thì không thể làm khác được. Chỉ cần một sơ hở nhỏ có thể dẫn đến mất mạng cả nhà, thậm chí lộ tổ chức, gây thiệt hại cho cơ sở. Nhờ những thư mật hàng ngày được gửi về từ bốt giặc mà quân ta biết trước nhiều trận càn, nhiều tư liệu mật của địch, tránh được những tổn thất nặng nề.

 

Bà Phan Thị Ngọ, một trong những du kích làm công tác địch vận của tổ chức lúc đó kể lại, con gái lớn của ông giáo Nhất, Nguyễn Thúy Hồng, cũng là một trong những chiến sĩ tình báo được gài vào lòng địch. Hồng là cô gái thông minh, sắc sảo, lại xinh đẹp nên ngay từ cái nhìn đầu tiên đã chiếm được cảm tình của đám sĩ quan Pháp. Ban ngày ở trong vùng địch dưới “mác” con gái ông thông ngôn, ban đêm cô vừa làm công tác địch vận vừa chuyển thư từ, tài liệu bí mật đến cơ sở. Chẳng ai ngờ cha con ông giáo Nhất hiền lành, tốt bụng dạy chữ cho trẻ nghèo lại làm tay sai cho giặc.

 

Song với bản chất cáo già sẵn có và nhờ chỉ điểm, địch nhanh chóng đánh hơi được Hồng là cộng sản. Hoạt động của cô bị lộ. Cuộc vây ráp nhanh chóng được tiến hành để bắt bằng được người con gái Việt Minh “có lá gan to”, dám “vượt mặt quan”. Chúng tra tấn cô bằng tất cả những đòn roi man rợ nhất. Ông Ðào Khắc Bền (xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ), người từng bị nhốt chung nhà tù với Nguyễn Thúy Hồng kể lại: “Bà ấy gan dạ lắm. Tra khảo thế nào cũng nhất quyết không khai. Một mình chịu đủ đau đớn từ thể xác đến tinh thần. Mỗi tiếng roi vút lên là một lần môi cắn chặt đến tứa máu…”.

 

Biết con gặp chuyện nhưng thân đang mang nhiệm vụ nên ông giáo Nhất chỉ có thể im lặng, nuốt nước mắt đau đớn thay con, cũng là đau cho mình. Trách nhiệm đặt trên vai không cho phép ông hành động.

 

Sau thất bại trong chiến dịch biên giới thu đông năm 1950, tiếp đó lại bị đánh mạnh ở đường 18 Hà Nam Ninh, quân Pháp lâm vào thế phòng ngự bị động. Ðể giành lại thế chủ động, mùa đông năm 1951, Pháp mở cuộc tiến công ra Hòa Bình, lập phòng tuyến sông Ðà nối liền với tuyến phòng thủ trung tâm nhằm nối lại “Hành lang Ðông - Tây”, tăng cường khả năng phòng thủ đồng bằng Bắc Bộ, cắt đứt đường liên lạc giữa chiến khu Việt Bắc với các liên khu 3 và 4. Tại Thái Bình, địch huy động tới 5 binh đoàn cơ động do đích thân tướng Sa-lăng trực tiếp chỉ huy mở cuộc hành quân Thủy Ngân (Mercure) củng cố lại các vị trí đóng quân trên đường 10.

 

Phố Lầy tuy không trực tiếp nằm trong chiến dịch càn quét nhưng lại là một trong những vị trí trọng yếu nên địch cảnh giác rất cao. Ðặc biệt, sau khi Hồng bị phát giác, nghi ngờ có tình báo của cộng sản trong hàng ngũ, năm 1952, chúng cho thuyên chuyển cả gia đình ông Nhất từ bốt Dục Linh sang bốt Ðọ Xá (bốt Ðò Bía) thuộc Ninh Giang, Hải Dương. Tại đây, ông vẫn tiếp tục làm thông ngôn cho địch nhưng hoạt động khó khăn hơn, vừa đơn tuyến vừa xa tổ chức, mọi “nhất cử nhất động” bị mật thám địch soi xét gắt gao. Chúng để gia đình ông sống trong bốt nhưng chính là cầm tù, không để cho ông có cơ hội truyền tin ra bên ngoài. Tuy vậy, bằng kỹ năng của một chiến sĩ tình báo, ông vẫn đều đặn chuyển được tin ra ngoài, giúp bộ đội ta rất nhiều trong các trận đánh sau đó.

 

Không lâu sau, người ta được tin gia đình ông giáo Nhất bị chết trong một trận công đồn do… bom lạc. Ðịch tung tin tuyên truyền rằng chính Việt Minh đã giết gia đình ông nhưng thực chất đó chỉ là sự ngụy tạo để che mắt dân chúng. Xác định ông là cộng sản, chúng đã cho thủ tiêu toàn bộ gia đình. Người con gái út may mắn thoát chết nhờ nằm dưới bụng mẹ. Riêng ông Nhất bị thương nặng, được học trò bí mật đưa về cứu chữa nhưng không qua khỏi. Ông giáo kiêm chiến sĩ tình báo kiên trung ấy ra đi khi vừa tròn 55 tuổi.

 

Hành trình trả nghĩa cho thầy

 

Rất lâu sau, người dân vùng Vĩnh Linh vẫn tin rằng cả nhà ông giáo Nhất chết bởi do chống cộng. Sau sự kiện Ðờ Cát-tơ-ri thất thủ ở Ðiện Biên Phủ, hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết buộc Pháp phải cuốn gói khỏi miền Bắc Việt Nam đồng thời rút chân ra khỏi Ðông Dương, phải đến tận năm 1965 người ta mới biết được sự thật về một con người làm cách mạng.

 

Ðó chính là sợi dây liên lạc duy nhất - ông Nguyễn Ngọc Rao, nguyên Phó Ty Công an Thái Bình, nguyên quán An Ðồng, người đồng đội cũ, cũng là cấp trên của ông giáo Nhất. Biết rõ nhiệm vụ tổ chức giao cho Nguyễn Duy Nhất và cái chết của ông, năm 1965, ông Rao đã đứng ra làm các thủ tục minh oan và báo công cho người đồng đội cùng gia đình. Sau đó, gia đình ông giáo Nhất đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba.

 

“Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Dòng chảy về người chiến sĩ tình báo kiên trung tưởng như đã dừng lại ở đó nếu không có một ngày những học trò cũ của ông giáo Nhất năm nào quyết định phải trả nghĩa thầy. Vì đều là trí thức, lại biết tin thầy được minh oan, từ sâu trong tâm khảm họ đều có chung suy nghĩ: thầy phải được công nhận là liệt sĩ.

 

Một học trò cũ của ông giáo Nhất kể lại, đó là một hành trình thật sự khó khăn. Có những tháng ngày ròng rã họ lần lượt đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh… nhưng tất cả đều không có bất kỳ tư liệu nào về hai con người mang tên Nguyễn Duy Nhất và Nguyễn Thúy Hồng. Trong bế tắc và tuyệt vọng, họ tìm đến địa chỉ cuối cùng là Ban Thi đua Khen thưởng trung ương. Với sự nhiệt tình của cán bộ tiếp dân, trong hàng núi hồ sơ lưu trữ với nhiều tài liệu đã mục nát, may mắn họ tìm được tập tài liệu có ghi: “Gia đình ông Nguyễn Duy Nhất - cơ sở của công an hoạt động ở vùng địch chiếm đóng 4 năm (1950 - 1954) cung cấp cho công an nhiều tài liệu của địch. Con gái là quân báo, địch vận và liên lạc giữa cơ sở với công an, bị lộ, địch bắt tra tấn dã man nhưng không cung khai và đã hy sinh anh dũng. Toàn thể gia đình đã hy sinh, hiện nay còn lại người con gái nhỏ”. Sau nhiều lần đi lại, những người học trò của ông giáo Nhất mới thuyết phục được Ban Thi đua Khen thưởng trung ương cho sao chép có dấu công chứng để các cấp chính quyền và mọi người công nhận.

 

Không còn là mồ đất hoang không người coi sóc, lăng mộ của thầy giáo Nguyễn Duy Nhất được học trò nhất tâm xây dựng lại khang trang hơn. Ðồng thời, lễ tưởng niệm và tri ân công lao của thầy cũng được diễn ra ngay tại Trường Tiểu học An Ninh. Cũng trong thời gian này, các thủ tục đề nghị Nhà nước truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công cho cụ Nhất và bà Hồng được các học trò, thân nhân của cụ và UBND xã An Ninh phối hợp tiến hành.

Sự việc một lần nữa rơi vào bế tắc khi hồ sơ chuyển lên Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã lâu nhưng mãi không thấy hồi âm. Trả lời cho thắc mắc về sự chậm trễ này chỉ là câu trả lời ngắn gọn: “Phải có sự xác nhận bằng văn bản sự hy sinh của cụ Nhất và bà Hồng”. Ðó thật là điều không tưởng! Ðồng đội của cụ liệu có ai còn sống được đến một trăm mấy chục tuổi để đi xác nhận? Hỏi đến tỉnh thì hồ sơ gốc bị thất lạc. Ban Thi đua Khen thưởng trung ương thì nói “chỉ làm nhiệm vụ lưu trữ, không có trách nhiệm xác nhận”. Tưởng chừng bỏ cuộc vì những thủ tục hành chính nhiêu khê nhưng “trung, hiếu, nghĩa, lý” đã thôi thúc họ phải làm đến cùng.

 

Cuối cùng, sau 3 năm, tính từ Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLÐTBXH-BQP của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Quốc phòng, Quyết định số 2462/QÐ-TTg ngày 29/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Nguyễn Duy Nhất và liệt sĩ Nguyễn Thúy Hồng đã hoan hỉ đến tay toàn thể nhân dân vùng Vĩnh Linh một thời. Lễ đón nhận Bằng Tổ quốc ghi công sẽ được tổ chức với tất cả niềm tự hào và vinh dự nhất. Về phần người con gái út, hiện đã đến tuổi thất thập và bị tai biến, bán thân bất toại, sau từng ấy năm không biết tin gì về gia đình mình, về người cha, người chị từng sống, chiến đấu và anh dũng hy sinh, bà đã trở về nơi cách đây hơn 60 năm là chiến trường khói lửa, nơi gắn với máu và nước mắt của một thời tuổi thơ đau đáu để đặt lên mộ cha bông hoa tươi thắm nhất. Những cánh hoa trắng muốt in trên nền trời xanh giống như tấm lòng trinh bạch, kiên trung của người chiến sĩ tình báo thuở nào.

 

Thùy Dung

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

 

(Bài viết sử dụng tư liệu cung cấp bởi các học trò của thầy giáo Nguyễn Duy Nhất và tư liệu Lịch sử Ðảng bộ tỉnh Thái Bình).

  • Từ khóa