Thứ 5, 01/08/2024, 09:17[GMT+7]

Ngành Tài chính: Làm gì để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách nhà nước?

Thứ 4, 16/09/2015 | 14:39:44
1,827 lượt xem
Ðây là câu hỏi đặt ra, cũng là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành Tài chính nhằm tham mưu giúp tỉnh thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Giao dịch tại bộ phận một cửa Cục Thuế tỉnh.

 

Một trong những giải pháp được ngành Tài chính chú trọng thực hiện là hoàn thiện phân cấp ngân sách các cấp ở địa phương theo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 25/6/2015. Theo đó, để tạo sự chủ động cho các cấp trong việc quản lý, khai thác nguồn thu, toàn ngành sẽ thực hiện phân cấp ngân sách theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị, các cấp chính quyền địa phương; thực hiện phân cấp ngân sách đồng bộ với phân cấp quản lý kinh tế - xã hội, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; phân cấp tối đa nguồn thu trên địa bàn và mở rộng tỷ lệ điều tiết nguồn thu cho cơ sở bảo đảm nhiệm vụ chi được giao, hạn chế bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới. Bên cạnh đó, ngành cũng xây dựng phương án phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu các cấp ngân sách địa phương cho chu kỳ ổn định ngân sách mới 2017 - 2020; xây dựng tiêu chuẩn, định mức phân bổ ngân sách nhà nước thời kỳ ổn định mới.

 

 

Song song với việc hoàn thiện phân cấp ngân sách các cấp ở địa phương, ngành Tài chính đã bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để điều hành ngân sách linh hoạt, tiết kiệm, hạn chế tối đa bổ sung ngoài dự toán; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nhằm tăng thu cho ngân sách nhà nước; tổ chức đồng bộ các biện pháp thu phù hợp với từng sắc thuế, từng nguồn thu trên địa bàn; tăng cường các biện pháp chống thất thu ngân sách, chống gian lận thương mại, buôn lậu, trốn thuế; xác định thứ tự ưu tiên trong phân bổ nguồn ngân sách nhà nước đối với từng ngành, từng lĩnh vực; rà soát các cơ chế, chính sách, các đề án, dự án bảo đảm thiết thực, tránh dàn trải, trùng lặp, không hiệu quả; quản lý chặt chẽ nợ công… Tích cực tham mưu với UBND tỉnh thực hiện tốt công tác xã hội hóa một số dịch vụ công; phối hợp tốt với các ngành đổi mới căn bản về cơ chế quản lý, phương thức cung ứng dịch vụ công của các đơn vị sự nghiệp trên các lĩnh vực môi trường, giáo dục và đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và du lịch… Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát ngân sách bảo đảm đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, từ đó kịp thời chấn chỉnh những yếu kém, hạn chế trong công tác điều hành ngân sách; thực hiện cải cách các thủ tục hành chính đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan; thực hiện triệt để tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong quản lý và sử dụng ngân sách.

 

"Mục tiêu đến năm 2020, ngành Tài chính Thái Bình phấn đấu thu ngân sách trên địa bàn đạt 5.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 4.000 tỷ đồng; tốc độ tăng bình quân tối thiểu 10%/năm; tập trung các nguồn lực tài chính để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn".

 

 (Đồng chí Tạ Ngọc Giáo, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính)

 

Giai đoạn 2011 - 2015

  • Tổng thu ngân sách trên địa bàn bằng 2,5 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, tăng bình quân 16,6%/năm; trong đó, thu nội địa bằng 2,54 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, tăng bình quân 14%/năm

  • Tổng chi ngân sách địa phương bằng 2,69 lần so với giai đoạn 2006 - 2010; trong đó, chi đầu tư phát triển bằng 3,65 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, chiếm tỷ trọng 33,1% trong tổng chi ngân sách

  • Nhiều công trình được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn của trung ương và của tỉnh như: cứng hóa 30km đê biển xung yếu, Quảng trường Thái Bình và Tượng đài “Bác Hồ với nông dân”, cầu Hiệp, cầu Diêm Điền, cầu Trà Giang, cầu Trà Linh, cầu Thái Hà...

 

Minh Hương

  • Từ khóa