Thứ 7, 10/08/2024, 14:18[GMT+7]

Coi khói đốt đồng mà ngậm ngùi...

Thứ 2, 19/09/2011 | 15:49:04
2,137 lượt xem
Một vài năm gần đây, như một câu chuyện buồn, “đến hẹn lại lên”, khói rơm, rạ lại nghi ngút mỗi khi mùa gặt tới. Nhà nhà, người người cứ “hồn nhiên, vô tư ” đốt rơm, rạ mà không biết rằng như thế là hại người và thiệt mình.

Ảnh minh họa nguồn Internet

Đốt rơm rạ ngày mùa là tập quán có từ lâu đời, xuất phát từ khu vực phía Namon>. Nó đã từng đi vào lời một bài hát  “coi khói đốt đồng để ngậm ngùi...”. Tập quán này vốn nguyên do từ việc thu dọn rơm rạ để gieo trồng vụ tiếp phải tốn nhiều công sức và thời gian. Một thời gian dài không còn hiện tượng này, bởi phần rơm rạ được cày lấp vào trong đất làm phân bón cho mùa vụ sau, làm thức ăn cho trâu, bò hoặc làm chất đốt. Nhưng một vài năm gần đây, như một câu chuyện buồn, “đến hẹn lại lên”, khói rơm, rạ lại nghi ngút mỗi khi mùa gặt tới. Nhà nhà, người người cứ “hồn nhiên, vô tư ” đốt rơm, rạ mà không biết rằng như thế là hại người và thiệt mình.

   

Trước hết nói về hại người. Đó là việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông. Theo các nhà khoa học, thành phần các chất gây ô nhiễm không khí do đốt rơm rạ là hydrocacbon thơm đa vòng (PAH), dibenzo- p- dioxin clo hóa (PCDDs) là các dẫn xuất của dioxin rất độc hại, có thể là tiềm ẩn gây ung thư. Các chất dioxit cacbon (CO2), cacbon monoxit (CO), metan (CH4), oxit nitơ (NOx)... phát thải vào khí quyển gây tác hại lớn đối với sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em, người già và những người đang có bệnh hô hấp. Thành phần của khói càng phức tạp, nguy hiểm hơn nếu trong rơm, rạ còn lẫn dư lượng của những loại nông dược chưa phân hủy hết. Khói nhiều khiến chẳng ai còn muốn đi dạo mát, một số cụ thường xuyên tập luyện đi bộ buổi chiều quanh khu đô thị Kỳ Bá phải đeo khẩu trang.

 

Mùa gặt, nếu tham gia giao thông trên đường, chúng ta đều bắt gặp cảnh tượng khói mờ dày đặc bao phủ tất cả các tuyến đường. Tuy chưa có vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nào xảy ra nhưng các vụ ngã xe, xô xe gây thương tích, tổn hại sức khỏe không phải không có. Con một người bạn tôi,  đi liên hoan bạn đỗ đại học về,phần  có chút hơi men, phần khói dày đặc dẫn đến gây tai  nạn cho người khác. May mà không ai thiệt mạng, hậu quả mới ở mức: con anh bạn bị gãy tay và phải bồi thường gần chục triệu do lỗi gây ra. Đốt rơm rạ trên mặt đường, ngoài cháy rỗ mặt đường là hành vi hủy hoại tài sản XHCN, còn tạo nhiều ẩn họa tai nạn giao thông khác. Đã có lần tôi thót tim nhìn một xe ô tô chở các bình ga chạy liền kề đám cháy rơm vì không còn con đường nào khác. Chuyện gì xảy ra nếu các bình ga bắt lửa, hoặc nổ do ảnh hưởng của nhiệt độ cao, chắc ai trong chúng ta cũng đều hình dung được.

    

Hại người là vậy, đốt rơm rạ còn gây thiệt cho chính người đốt. Hậu quả ô nhiễm môi trường trước tiên người đốt phải gánh chịu. Do ở gần, nồng độ khí thải có hại đậm đặc hơn nên tác hại cũng lớn hơn. Rồi con, cháu, người thân cũng không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của những “ sản phẩm” mà họ tạo ra. Cái hại thứ hai, tro bụi do đốt rơm rạ gây tắc nghẽn mương, dòng chảy, ảnh hưởng công việc đồng áng của bà con nông dân.

 

Cái hại thứ ba, đó là gây bất lợi cho đồng ruộng lớn hơn rất nhiều so suy nghĩ của người nông dân. Các chất hữu cơ trong rơm, rạ biến thành các chất vô cơ do nhiệt độ cao; đồng ruộng bị khô, chai cứng, một lượng nước lớn bị bốc hơi, tạo mầm sâu bệnh... ảnh hưởng lớn đến năng suất của vụ tiếp theo. Thứ ba, tuy cơ quan chức năng chưa xử phạt trường hợp nào nhưng hành vi đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường là hành vi vi phạm pháp luật, tiến tới sẽ bị xử phạt hành chính, khi đó người đốt phải gánh chịu thiệt hại kinh tế và bị coi  là có “tiền sự”. Cuối cùng, người đốt rơm rạ đã lãng phí một nguồn  nguyên liệu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Từ lâu, người dân đã biết sử dụng rơm, rạ để trồng nấm rơm. Trồng nấm rơm tận dụng được diện tích, kỹ thuật đơn giản, sử dụng thời gian nhàn rỗi, thị trường tiêu thụ lớn, chi phí thấp, cho hiệu quả kinh tế cao. Những nơi không sản xuất nấm có thể dùng biện pháp thủ công, hoặc dùng men vi sinh tạo ra nguồn phân ủ, giảm chi phí đầu vào sản xuất, cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng (khoảng 7%) và cho nông sản “sạch”. Ngoài ra rơm, rạ còn được dùng làm vật liệu xây dựng, che đậy câu màu vụ đông như củ đậu..., đệm lót vận chuyển đồ dễ vỡ, hoa quả v.v...

   

Kết thúc vụ mùa 2011, chúng tôi có dịp về Tiền Hải, một huyện đang từng bước làm tốt việc không đốt rơm, rạ. Có 10 xã đã thực hiện dùng chế phẩm... của Trường Đại học Y Thái Bình xử lý rơm rạ làm phân bón hữu cơ. Vũ Lăng là một trong những xã đi đầu trong phong trào đó. Bí Thư Đảng bộ xã Phạm Ngọc Bào nói với chúng tôi, năm nay là năm thứ  hai xã thực hiện việc này, bà con rất phấn khởi vì giảm được 30- 50% chi phí đầu vào lại gìn giữ được môi trường, đặc biệt những hộ làm màu cho hiệu quả hơn hẳn.

 

Tại Nam Cường, Chủ tịch UBND xã Hoàng Ngọc Sang cho biết, vụ mùa vừa qua, kết hợp với trường Đại học Y Thái Bình, xã tuyên truyền vận động,  và hỗ trợ một phần cho nông dân, nên hầu hết bà con phấn khởi sử dụng biện pháp sản xuất phân bón từ  rơm rạ. Hy vọng từ  cách làm hay, hiệu quả của Tiền Hải, rơm, rạ sẽ được sử dụng vào những việc có ích, chấm dứt cảnh đốt rơm, rạ tràn lan, gây ô nhiễm môi trường, cản trở giao thông... và mỗi người chúng ta không phải  “ngậm ngùi” trong cảnh sống chung với khói rơm, rạ mùa gặt nữa.

Đức Lợi

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày