Thứ 7, 10/08/2024, 14:18[GMT+7]

ĐÔNG MINH - TIỀN HẢI "Ba mũi giáp công" trong phát triển kinh tế

Thứ 3, 21/09/2010 | 09:25:28
858 lượt xem
Đông Minh là một trong số xã ven biển của Tiền Hải. Nơi đây vừa có trồng trọt, chăn nuôi; nuôi trồng và khai thác thủy sản; có CN – TTCN – Thương mại, du lịch sinh thái. Nhiều năm nay, Đông Minh đã tập trung sự lãnh đạo khai thác tiềm năng của mình như tạo ra “Ba mũi giáp công” để phát triển kinh tế.

Vùng nuôi trồng thủy sản xã Đông Minh (Tiền Hải)

Những năm qua  thời tiết diễn biến phức tạp cho cả nông nghiệp, thủy sản, lại ảnh hưởng của khủng hoảng  tài chính toàn cầu (làm giá xăng dầu tăng cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm biển khó khăn, du khách về Đồng Châu hạn chế), nhưng với nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương,

Đông Minh đã giành được thắng lợi khá toàn diện về mọi mặt. Trong đó lĩnh vực kinh tế nổi trội hơn cả. Tổng GTSX toàn xã đạt 94,7 triệu đồng, tăng gần 10% so với năm 2007. Trong đó thu nhập từ nông nghiệp đạt 17,8 tỷ đồng, chiếm 18,8%; thu nhập từ nuôi trồng khai thác, đánh bắt thuỷ hải sản đạt 54,4 tỷ đồng, chiếm 57,4%; kinh doanh dịch vụ, ngành nghề khác đạt 22,5 tỷ đồng, chiếm 23,8% trong tổng GTSX chung toàn xã.

Trở lại Đông Minh lần này, chúng tôi cảm nhận  được không khí xã hội trong xã bình yên, nhân dân vui vẻ, phấn khởi tập trung phát triển kinh tế theo mục tiêu mới mà Đảng bộ, chính quyền đề ra. Tìm hiểu nguyên nhân vì sao năm 2008 là năm cực kỳ khó khăn, nhưng Đông Minh vẫn giành thắng lợi cao trong lĩnh vực phát triển kinh tế.

Trên mặt trận SXNN, Đông Minh là xã ít ruộng đất nhất. Toàn xã chỉ có 307 ha. Trong đó 275 ha cấy lúa; 18,6 ha màu và13,4ha vườn. Năm 2008, khi bước vào vụ xuân, thời  tiết vô cùng khắc nghiệt do rét đậm kéo dài tới 39 ngày. Để bảo đảm gieo cấy hết diện tích, đúng cơ cấu, UBND xã đã chỉ đạo ban quản lý 2 HTX DVNN (Đồng Châu và Hải Châu) động viên nhân dân hết sức bình tĩnh, lùi lịch gieo cấy lại 7 – 10 ngày; bảo vệ thật tốt diện tích mạ, đợi thời tiết trở lại bình thường mới mở chiến dịch xuống đồng.

Sau khi cấy xong, xã và các HTX quán triệt hộ nhận khoán “công cấy là công bỏ, công làm cỏ là công ăn”, tập trung lực lượng chăm sóc bảo vệ thật tốt lúa xuân cho đến khi thu hoạch. Vào vụ mùa thiên nhiên lại muốn thử thách lòng kiên nhẫn của con người. Lúa mùa vào “thì con gái”, đồng ruộng như những bức tranh, thì sâu bệnh phát sinh, phát triển. Xã và hộ gia đình nông dân Đông Minh lại ra tay.

Có nhà phun thuốc phòng trừ tới 5 – 6 lần/vụ. Nhờ “công chăm sóc” mà Đông Minh  lại được mùa. Tổng năng  suất bình quân của cả 2 HTX DVNN đạt 106 tạ/ha/năm. Với một vùng chua mặn như Đông Minh, đạt năng  suất lúa như trên là sự cố gắng lớn (trong đó HTX DVNN Đồng Châu đạt 121 tạ/ha; HTX DVNN Hải Châu đạt 91 tạ/ha).

Với địa thế của Đông Minh, chăn nuôi không phải là thế mạnh, nhưng do công tác phòng chống dịch bệnh tốt (tiêm đủ mũi cho 2581 đầu lợn; tiêm 4 – 6 mũi cho toàn bộ đàn gia cầm 13000 con và tiêm phòng các bệnh cho toàn bộ đàn gia súc), nên Đông Minh đã loại trừ được dịch bệnh bùng phát trong chăn nuôi. Đông Minh là điểm đến của du lịch sinh thái, lại có chợ đầu mối nên thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi có nhiều thuận lợi, đã đưa giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 5 tỷ đồng cả năm/17,8 tỷ đồng GTSX NN.

Thế mạnh phát triển kinh tế của Đông Minh hiện tại là kinh tế biển (nuôi trồng khai  thác thủy hải sản). Năm 2008, năm đầu tiên Đông Minh đưa diện  tích nuôi trồng lên 403 ha. Trong đó nuôi tôm cua là 273 ha (104 ha chuyển đổi từ diện tích làm muối sang đầm, 19 ha đầm Đài Loan, 50 ha ngoài đê và xen dân); nuôi ngao 230 ha.

Vụ xuân hè 2008, mặc dù là vụ có nhiều khó khăn làm cho tôm xuống giống chết với tỷ lệ cao (do ô nhiễm vào nguồn giống từ ngoài xâm nhập vào). Song với kinh nghiệm của người SX và chỉ đạo các giải pháp khắc phục nên năng suất tôm vẫn đạt cao nhất  trong các xã có đầm (972kg/ha) và đạt sản lượng 118 tấn. Tôm xuân hè và hè thu đều được giá nên GTSX của nuôi tôm cua đạt 12,8 tỷ đồng/năm.

Tuy là xã mới mở diện tích nuôi ngao, nhưng từ kinh nghiệm của các xã nuôi trước, vụ ngao năm 2008, bà con nuôi ngao chọn giống ngao trắng là chủ yếu, nên sản lượng ngao cả năm đạt 5100 tấn với giá trị thu được là 38 tỷ đồng. Khai thác của Đông Minh chưa vươn khơi xa, năm 2008 lại là năm xăng dầu  giá cả tăng vọt, nhiều hộ phương tiện vừa tổ chức đánh bắt, vừa tranh thủ khai thác nguồn sứa, vì vậy GTSX thu được cả năm vẫn đạt cao (3,6 tỷ đồng).

Mặc dù dự án “Phố biển Đồng Châu” chưa hoàn thiện nhưng với sức sáng tạo của mình, nhân dân Đông Minh đã phát triển bằng cách làm các nhà sàn trên bãi cát, hóng nước triều, vì vậy mỗi ngày có từ 700 – 1000 thanh niên nam nữ các nơi về hóng gió biển. Đông Minh đưa chợ đầu mối Hải sản vào hoạt động, không chỉ thu hút khách tiêu thụ từ huyện mà đã góp phần thu hút khách du lịch, thu hút khách mua hàng từ nhiều nơi đổ về. Cộng với các ngành nghề phi nông nghiệp, phi ngư nghiệp khác, Đông Minh đã đưa GTSX TM – DV... đạt 22,5 tỷ/năm. Kinh tế phát triển, đã giúp Đông Minh đạt mức thu nhập 11,2 triệu đồng/người/năm – là một trong số xã có thu nhập cao nhất của huyện.

Dọc đoạn đường từ bãi biển Đồng Châu – kéo dài hơn 1km vào đường 39B, dọc trục đê PAM, nhân dân xây dựng nhà cửa khá khang trang, nhiều cửa hàng, cửa hiệu lớn xuất hiện... đang tạo đà để Đông Minh thành một thị trấn ven biển.

Trở  lại Đông Minh thấy rằng từ cán bộ xã đến các thôn, làng và bà con nhân dân đang tập trung chỉ đạo vào 4 nhiệm vụ trọng tâm: Phát động nhân dân tổ chức phòng trừ  bệnh đạo ôn cho lúa, chăm sóc và bảo vệ tốt lúa xuân để đạt cho được năng suất từ 60 tạ/ha trở lên.

Tổ chức tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc gia cầm; hướng dẫn các hộ cải tạo đầm hồ chuẩn bị cho việc xuống giống vụ tôm sú xuân hè; tổ chức phân chia hợp lý diện tích nuôi ngao, chuẩn bị tốt ngư cụ cho khai thác  vụ nam. Đồng thời tập trung lãnh  đạo các thôn ven đê chuẩn bị cho mùa hè đón khách du lịch. Những cơ sở dịch vụ lớn, như trại giống thuỷ sản Đông Minh, cũng đã sẵn sàng cung cấp giống tôm sú, cá vược, cá hồng cho bà con nuôi thả.

Các dịch vụ thức ăn, thuốc thú y, thuốc xử lý môi trường cũng có sự chuẩn bị tiền vốn vật tư sẵn sàng phục vụ các mục  tiêu của xã.

Hoàng Duy

 

  • Từ khóa