Thứ 5, 02/05/2024, 13:41[GMT+7]

Nhớ Trường Sa: Đi qua những ngày tháng tư lại nhớ về Trường Sa thân yêu.

Chủ nhật, 13/05/2018 | 17:18:24
1,128 lượt xem
Tháng tư mười một năm trước, lần đầu tiên chúng tôi đến Trường Sa. Cảm xúc vô cùng vui sướng, tự hào! Càng tự hào hơn khi được tận mắt chứng kiến cuộc sống, sinh hoạt, học tập, công tác của quân và dân các đảo trên quần đảo tiền tiêu.

Đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh với cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết.

Bao khó khăn, gian khổ cũng không làm họ chùn bước, bao bão tố, phong ba cũng không làm họ sờn lòng. Giữa biển Đông bao la, những người lính quả cảm, những ngư dân kiên cường, tất cả cùng chung quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Thái Bình với Trường Sa

Cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình luôn hướng về Trường Sa, dành cho Trường Sa những tình cảm trân trọng và sự quan tâm nhiều nhất.

Ngay từ đầu những năm 2000, theo chủ trương của trên, hàng năm tỉnh đã cử đoàn đại biểu gồm các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, lãnh đạo và phóng viên các cơ quan báo chí, các ca sĩ, diễn viên, nhạc công tham gia đoàn công tác cùng các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương và Quân chủng Hải quân đi thăm, động viên và biểu diễn nghệ thuật phục vụ quân và dân Trường Sa. 

Mỗi chuyến đi, mỗi điểm đến đều để lại trong các thành viên đoàn công tác những ấn tượng sâu đậm, những kỷ niệm mà có lẽ cả cuộc đời họ sẽ không bao giờ quên. Đó là sự háo hức khi tàu kéo còi chào cảng; là niềm vui, sự xúc động khi gặp nhau trên đảo, được tâm sự, sẻ chia chuyện rèn luyện, công tác, chuyện gia đình, quê hương; là nỗi buồn khi vì sóng to gió lớn nên không thể vào đảo; là sự bịn rịn, lưu luyến lúc chia tay; là sự nghẹn ngào trong lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 và các liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ tại khu vực DK1...

Trong suốt hải trình, niềm vui, sự tự hào như được nhân lên khi đoàn đại biểu Thái Bình đến đảo nào cũng gặp đồng hương. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ con em Thái Bình công tác tại Trường Sa luôn phát huy truyền thống quê hương cách mạng, ra sức học tập, rèn luyện, công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Nhiều đồng chí được tín nhiệm phân công giữ cương vị chủ chốt ở các đảo.

“Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó” - lời dạy của Bác Hồ kính yêu khi Người đến thăm bộ đội hải quân lần thứ hai, ngày 15/3/1961 luôn được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, trong đó có các đồng chí con em quê hương Thái Bình khắc ghi, là nguồn sức mạnh to lớn cùng đồng đội vượt qua mọi khó khăn, thử thách, góp phần xây dựng Trường Sa ngày càng xanh, sạch, đẹp, vững vàng giữa trùng khơi, xứng đáng là thành đồng nơi sườn Đông của Tổ quốc.

Càng tự hào về các thế hệ cán bộ, chiến sĩ con em quê hương Thái Bình công tác ở Trường Sa bao nhiêu, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình càng trân trọng công lao, sự hy sinh anh dũng của các đồng chí bấy nhiêu. Hàng năm, các cấp, các ngành trong tỉnh luôn quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách hậu phương quân đội, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực “Đền ơn đáp nghĩa”; các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã về các địa phương thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ Trường Sa, thăm, động viên thân nhân chiến sĩ Trường Sa. 

Phát biểu tại buổi gặp mặt, tặng quà thân nhân liệt sĩ và cựu chiến binh trực tiếp chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa ngày 14/3/1988 do Hội Cựu chiến binh tỉnh phối hợp với Hội Cựu chiến binh Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tổ chức sáng ngày 14/3/2018, đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh khẳng định: Thái Bình là tỉnh giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, đóng góp nhiều sức người, sức của trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Toàn tỉnh có trên 52 nghìn người đã anh dũng hy sinh, 32 nghìn người là thương binh, bệnh binh, gần 5.500 mẹ Việt Nam anh hùng... Cuộc chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa cách đây 30 năm là cuộc chiến đấu khốc liệt, điển hình cho tinh thần quả cảm, kiên cường, anh dũng của các cán bộ, chiến sĩ để giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Chính sự hy sinh to lớn đó đã giữ cho Tổ quốc của chúng ta có được như ngày hôm nay. Buổi gặp mặt cũng như các hoạt động tri ân khác là dịp để chúng ta tưởng nhớ, ghi sâu công lao của các anh hùng liệt sĩ. 

Đồng chí Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm chăm lo cho các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; tạo mọi điều kiện để các gia đình, đối tượng chính sách vươn lên trong cuộc sống. Các đoàn thể, đặc biệt là đoàn thanh niên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ, giúp họ nhận thức sâu sắc về giá trị lịch sử, sẵn sàng tiếp bước cha anh góp sức xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những ngày đáng nhớ của đoàn công tác số 10 năm ấy

Một ngày đầu tháng 5/2012, tàu hải quân mang số hiệu 571 nhổ neo đưa đoàn công tác số 10 ra thăm và làm việc tại Trường Sa. Đoàn do đồng chí Hoàng Thị Ái Nhiên, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam làm trưởng đoàn; Đại tá Nguyễn Đức Nho, Phó Tham mưu trưởng Hải quân làm phó trưởng đoàn. Đoàn đại biểu Thái Bình do đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm trưởng đoàn; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, phóng viên báo chí cùng các ca sĩ, diễn viên, nhạc công Đoàn Ca múa kịch Thái Bình tham gia. Đây là lần thứ hai chúng tôi đến Trường Sa.

Trước ngày lên đường, đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức họp đoàn, triển khai cụ thể mọi công tác chuẩn bị, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, bảo đảm chuyến đi thành công nhất, thể hiện được trọn vẹn tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình với quân và dân Trường Sa.

Sau hơn 40 giờ hành trình, đảo đầu tiên đoàn đặt chân đến là Đá Nam. Thượng úy, Đảo trưởng Đỗ Văn Vui và Thượng úy, Chính trị viên đảo Nguyễn Văn Trung cùng cán bộ, chiến sĩ phấn khởi đón đoàn. Tiếp đó đoàn thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xã đảo Song Tử Tây. Thời điểm đó trên đảo có gần 20 cán bộ, chiến sĩ là con em quê hương Thái Bình đang công tác. Sáng ngày 6/5, đoàn dự lễ khánh thành tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Tượng đài được xây dựng trên diện tích 22 x 30m, tượng đặt trên khuôn viên 10 x 19m, chiều cao công trình 11,04m, trong đó chiều cao tượng 5,88m. Công trình được thiết kế với quy mô bề thế, có tác dụng thiết thực giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của cha ông ta - đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.

Cũng trong ngày 6/5, các thành viên trong đoàn cùng có mặt để thắp hương tưởng nhớ liệt sĩ Lại Huy Công, người con quê hương Thụy Hưng (Thái Thụy), sinh ngày 19/1/1980, nhập ngũ tháng 3/1999, hy sinh ngày 2/2/2012. 

Thiếu úy Trần Khả Thao, quê Thanh Hóa, người có 6 tháng cùng công tác với Lại Huy Công chia sẻ: Công hiền lành, chịu khó, được anh em bạn bè quý mến. Đảm nhiệm công việc máy xuồng, Công là người có chuyên môn tốt. Khi Công hy sinh thì ở quê nhà vợ Công chuẩn bị sinh bé thứ hai.

Ngày 7/5, đúng ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam, chúng tôi có mặt tại đảo Cô Lin. Sau những cái bắt tay thật chặt, một sân khấu dã chiến nhanh chóng được dựng lên ngay trên hành lang của đảo. Tại đây, cả chủ và khách cùng ngân những giai điệu ca ngợi quê hương, đất nước và người lính Cụ Hồ.

Giao lưu văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK 1/8 Quế Đường.

Một kỷ niệm đáng nhớ trong chuyến thăm và làm việc tại Trường Sa năm 2012 là buổi gặp mặt ấm áp nghĩa tình giữa đoàn đại biểu Thái Bình với cán bộ, chiến sĩ con em quê hương ngay bên cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa. Đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bày tỏ vui mừng vì cán bộ, chiến sĩ con em quê hương Thái Bình trên đảo Trường Sa nói riêng, trên toàn quần đảo Trường Sa nói chung đều mạnh khỏe, công tác tốt, cùng đồng đội bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình gửi trọn niềm tin ở các đồng chí.

Trong chuyến đi này, ngoài Đá Nam, Song Tử Tây, Cô Lin, Trường Sa, đoàn công tác số 10 còn thăm các đảo: Nam Yết, Sinh Tồn, Đá Đông, Đá Tây, Đá Lát, nhà giàn DK 1/8 Quế Đường. Ở nơi nào cũng để lại những tình cảm sâu đậm, những cảm xúc khó quên, nhất là khi được tham dự lễ chào cờ Tổ quốc, lễ tưởng niệm các liệt sĩ Trường Sa...    

*  *  *

Trường Sa hôm nay đã thay đổi diệu kỳ. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước đã mang lại cho quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc một diện mạo mới, khang trang, hiện đại, đầy sức sống giữa trùng khơi. Những khó khăn dần lui lại phía sau nhưng ý chí sắt đá, kiên cường, quyết tâm xây dựng và bảo vệ đảo vẫn còn đó, vẹn nguyên như thuở ban đầu. Trong trái tim mỗi người dân đất Việt, Trường Sa gần lắm Trường Sa ơi!



Đồng chí Hoàng Thị Ái Nhiên, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Với tôi, chuyến thăm Trường Sa năm 2012 là kỷ niệm không thể nào quên. Được đồng hành cùng cán bộ, chiến sĩ hải quân trong suốt hải trình đã để lại trong tôi sự cảm phục về người lính hải quân ở đâu cũng dũng mãnh, can trường, thẫm đẫm tình đồng chí, đồng đội, tình anh em cũng như sự chu đáo, ân cần. Dấu ấn sâu đậm trong tôi là hai lần được dự lễ chào cờ Tổ quốc tại Song Tử Tây và Trường Sa. Cảm xúc khi chào cờ Tổ quốc và hát quốc ca trên đảo Trường Sa thật đặc biệt, khó tả. Càng đặc biệt hơn khi nghe 10 lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam. Lời thề của người chiến sĩ hải quân vang lên trên đảo Trường Sa sao da diết, thiêng liêng, vang vọng mãi... Sâu sắc nhất, xúc động nhất là hai lần tổ chức lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ hải quân đã anh dũng hy sinh ở Gạc Ma và khu vực DK1. Tự hào xen lẫn thương đau và cứ muốn lễ tưởng niệm kéo dài mãi vì sợ không biết đến bao giờ mình mới lại được đến đây, được kính cẩn trên boong tàu tưởng nhớ các anh, được thả những bông hoa để các anh không cô đơn và luôn gần gũi với đất liền.


Đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh

Tham gia đoàn công tác số 10 thăm Trường Sa năm 2012, đoàn đại biểu Thái Bình có 23 thành viên. Chuyến đi đã để lại trong tôi rất nhiều cảm xúc và kỷ niệm. Cảm xúc mãnh liệt nhất đó là khi tôi được dự lễ chào cờ Tổ quốc thiêng liêng nơi đầu sóng. Giây phút đó thực sự xúc động và cũng rất đỗi tự hào. Tiếp xúc với các chiến sĩ hải quân, tôi rất ấn tượng trước tinh thần kiên cường, niềm tin mãnh liệt của các đồng chí; mặc dù cuộc sống khó khăn, vất vả song ai cũng tự hào vì được ra công tác tại Trường Sa. Cũng trong chuyến công tác, chúng tôi được gặp rất nhiều cán bộ, chiến sĩ là con em quê hương Thái Bình đang công tác tại các đảo. Tiếp nối truyền thống cách mạng của quê hương, các đồng chí đều nỗ lực rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Không ít người trưởng thành trong quân ngũ và đang giữ chức vụ chỉ huy các đảo. Đây là một điều rất tự hào. Cũng qua chuyến hành trình tôi mới thực sự thấm thía sự giàu có của biển và lại càng thấm thía hơn lời dạy của Bác: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.


Đồng chí Trương Thị Hồng Hạnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Mỗi hình ảnh tôi thấy ở Trường Sa đều để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí: từ hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay trên những con tàu đánh cá như những cột mốc sống trên biển đến hình ảnh hòn đảo xanh mướt với mái đình, tiếng chuông chùa, đám trẻ bi bô học chữ, những nụ cười tỏa nắng của các chiến sĩ hay sự khắc nghiệt của thời tiết, sự thiếu thốn phải chắt chiu từng giọt nước ngọt nơi đây... Tất cả đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận để tôi viết nên bài thơ “Tự hào Trường Sa” và đã được đoàn công tác trao tặng giải nhất cuộc thi viết “Cảm xúc Trường Sa”. Quả thật, chuyến đi đã cho tôi thực sự thấm thía ý nghĩa thiêng liêng của hai từ “Tổ quốc” mà có lẽ khi ở đất liền khó có thể thấu hiểu trọn vẹn.


Nghệ sĩ ưu tú Phạm Huy Tầm, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, nguyên Trưởng đoàn Ca múa kịch Thái Bình

Tôi vẫn luôn tự hào mỗi khi trong câu chuyện ai đó vô tình hay hữu ý nhắc đến hai tiếng Trường Sa. Tự hào bởi tôi không nói “suông” mà bởi những câu chuyện mình kể ra là những gì tôi may mắn được một lần “mục sở thị”. Với mục đích mang lời ca, tiếng hát động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đoàn văn nghệ chúng tôi năm đó có 12 người. Chúng tôi biểu diễn thường xuyên bất kể ngày đêm, lúc trên tàu, khi ở đảo. Đối với những đảo lớn, thời gian lưu lại lâu, các buổi biểu diễn thường trọn vẹn hơn; đối với điểm đảo nhỏ, thời gian ngắn, diện tích chật hẹp, không có chỗ làm sân khấu anh em trong đoàn ngồi hát giao lưu với chiến sĩ ngay ở hành lang, trong phòng chiến sĩ hay hát luôn bên mâm pháo... Suốt chuyến đi tôi rất ấn tượng với tinh thần lạc quan, ý chí kiên cường của những người lính biển.

Phóng viên Đào Quyên, Báo Thái Bình

Dù bước chân vào nghề chưa lâu song tôi may mắn được cơ quan cử đi công tác tại Trường Sa. Chuyến đi đã cho tôi cơ hội trải nghiệm và cảm nhận sâu sắc về lòng yêu nước qua những câu chuyện, những tấm gương của những người chiến sĩ hải quân nơi đầu sóng ngọn gió. Tôi thực sự rất may mắn khi công việc đã cho tôi cơ hội được trực tiếp chứng kiến và trải nghiệm cuộc sống của quân và dân đảo xa; được một lần đặt chân đến vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đây cũng là động lực để tôi gắn bó, cống hiến hơn với nghề.


Hương Giang