Chủ nhật, 28/07/2024, 15:25[GMT+7]

Ngày xuân nói về đình làng

Thứ 3, 25/01/2011 | 15:11:33
3,185 lượt xem
Phải khẳng định rằng mái đình, cây đa, giếng nước đã trở thành những kỷ niệm đi vào tâm thức của nhân dân ta, đã thành một truyền thống lâu đời.

Đình làng Lựa (Lễ Nghĩa - Hoa Lư - Đông Hưng) di tích văn hóa. Ảnh: Thành Tâm

Nếu những ngày hè oi ả, người lao động, người qua đường tụ tập dưới tán cây đa làng sum xuê trò truyện, hóng mát thì thật là thân thiện vui vẻ. Những đêm trăng sáng những đôi trai gái tâm sự bên gốc đa, bên giếng làng thì cũng thật thơ mộng, để lại những kỷ niệm nhớ đời. Và những ngày xuân, ngày hội, đêm liên hoan văn nghệ người dân trong làng về đình thắp hương, vui chơi, đàm đạo càng tô đậm tình làng nghĩa xóm, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm cuộc sống là càng văn minh biết bao.

Trong kháng chiến chống ngoại xâm nhiều đình làng bị bom đạn giặc tàn phá, chỉ còn lại cái nền móng xa xưa để lại cho dân làng nỗi khao khát "bao giờ lại có đình làng" suốt hàng chục năm ròng. Chính vì vậy mà hiện nay đa số các làng đã khôi phục lại đình làng với sự đóng tiền của, công sức của người dân trong làng và con em dân làng xa quê. Thế nhưng hiểu về đình làng cho tương đối đầy đủ thì có thể nói không nhiều người, nhất là thế hệ hôm nay, cũng cần có sự bàn bạc cho rõ.

Theo Đại Việt Sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên thì vào đời Lý Thánh Tông (1470-1497) nhà vua muốn có nơi để ban bố chính lệnh của triều đình nên đã cho dựng lên ngôi đình Quảng Văn ở đế đô. Như vậy khởi đầu đình là sản phẩm của chính quyền, mang tư cách như một trụ sở trong mối quan hệ với quần chúng. Đến tới nửa thế kỷ XVI thì đình đã trở thành một thực thể văn hoá của một số làng xã.

Cũng từ đây ngoài chức năng trụ sở của chính quyền để ban bố chính lệnh của Triều đình thì việc thờ "Thành hoàng làng" đã gắn bó với đình làng. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng việc Việt hoá, dân dạ hoá vị "Thành hoàng" bằng cách Triều đình "Tấn phong", cho các thần linh của thôn, xã chức "Thành hoàng làng" đã góp phần thúc đẩy ngôi đình dần chiếm vị trí trung tâm sinh hoạt văn hoá trong xã hội nông thôn Việt Nam, nhiều khi là biểu tượng của quê hương. Và như vậy ngoài hai chức năng: trụ sở của chính quyền và thờ "Thành hoàng làng" thì đình còn là ngôi nhà công cộng, nơi hội họp giải quyết mọi việc trong làng.

Từ cách mạng tháng 8 năm 1945, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình làng là nơi hội họp của tổ chức Đảng, các đoàn thể, dân làng để triển khai công việc, nghe tin chiến thắng, tiễn đưa người ra trận, học bình dân học vụ và tổ chức văn nghệ. Hiện nay qua màn hình nhỏ và trên thực tế các cuộc thi văn hoá làng, hát chèo, ca nhạc đều được tổ chức tại sân đình, đón giao thừa tại đình, rất đông vui. Ngoài ra đình làng còn là nơi mở hội làng hàng năm vào một ngày quy định để dân làng đến thắp hương tưởng niệm "Thành hoàng làng", cầu mong "Quốc thái dân an" và đa số các làng đều kết hợp đình là nhà văn hoá làng.

Tuy nhiên hiện nay ở nơi này nơi khác có một số người nhận thức chưa đúng về chức năng của đình làng, biến ngôi nhà công cộng này thành nơi "linh thiêng" theo mê tín dị đoan. Họ tìm mọi cách để cản trở việc họp hành, vui chơi ở đình làng, thậm chí còn bày đặt những câu chuyện hoang đường để thờ một loài vật tuy loài vật này có hại không nhỏ. Cũng có nơi về cấu trúc đình theo như cấu trúc cổ xưa nhưng về nội thất lại pha trộn đền, chạm trổ theo cấu trúc đền, phủ.

Ngày xuân xin bàn về đình làng, mặc dù có thay đổi nội thất giữa đình, đền nhưng vấn đề cốt lõi là phải hiểu và thực hiện đúng chức năng của đình sao cho nghiêm trang, đoàn kết, đầm ấm.

Nguyễn Chiêm

(Thăng Long - Đông Hưng)

  • Từ khóa