Thứ 2, 01/07/2024, 17:11[GMT+7]

Chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Thứ 3, 29/05/2018 | 08:42:34
1,452 lượt xem
Những năm qua, trên địa bàn tỉnh, số vụ tai nạn lao động có người chết giảm nhưng nhiều yếu tố nguy hiểm, mất an toàn trong quá trình lao động, sản xuất tại doanh nghiệp vẫn còn tiềm ẩn. Vì vậy, chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng đối với chủ sử dụng lao động và người lao động.

Công ty TNHH Công nghiệp Tactician đầu tư máy móc hiện đại để giảm lao động nặng nhọc cho công nhân.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chỉ tính riêng tai nạn lao động (TNLĐ) có người chết, năm 2016 toàn tỉnh xảy ra 27 vụ, năm 2017 xảy ra 18 vụ, 4 tháng đầu năm 2018 xảy ra 6 vụ, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng; số ngày nghỉ do TNLĐ và cháy, nổ trên 250 ngày. Nhiều vụ TNLĐ, cháy, nổ để lại hậu quả nặng nề cả về người và tài sản. 

Điển hình nhất là vụ nổ nồi hơi sơ chế gion tại cơ sở chế biến hải sản Lan Anh (xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy) xảy ra tháng 10/2016 làm 4 người chết, 11 người bị thương, chủ cơ sở bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tháng 8/2017 xảy ra vụ sập đổ công trình xây dựng nhà văn hóa khu Chàng 2 (thị trấn Hưng Hà, huyện Hưng Hà), làm chết 1 người, bị thương 4 người. Cuối năm 2017, đầu năm 2018 xảy ra một số vụ cháy tại Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 (huyện Thái Thụy), Công ty TNHH An Nam (huyện Tiền Hải), Công ty Cổ phần Bông Thái Bình (cụm công nghiệp Sông Trà) và một số vụ cháy đình, chùa, nhà dân (huyện Đông Hưng)... làm thiệt hại về người, tài sản, ảnh hưởng đến tâm lý xã hội và người lao động. Tuy nhiên, đây chỉ là những vụ TNLĐ, cháy, nổ được khai báo hoặc do cơ quan chức năng thu thập được, trên thực tế, số vụ TNLĐ, cháy, nổ còn nhiều hơn.

Trước tình trạng số vụ TNLĐ, cháy, nổ có chiều hướng gia tăng, các tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh đã tuân thủ, thực hiện tốt hơn các quy định về bảo đảm an toàn vệ sinh lao động - phòng, chống cháy, nổ (ATVSLĐ - PCCN) và xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể để bảo đảm an toàn cho người lao động. 

Công ty TNHH Da giầy xuất khẩu Thành Phát (xã Vũ Lạc, thành phố Thái Bình) chuyên sản xuất giầy dép được đánh giá là doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc bảo đảm ATVSLĐ - PCCN. Với trên 1.400 lao động làm việc liên quan đến những mặt hàng dễ cháy, do đó, công tác bảo đảm ATVSLĐ - PCCN được Công ty đặc biệt quan tâm. 

Bà Nguyễn Thị Lan, Phó Giám đốc Công ty chia sẻ: Để người lao động yên tâm làm việc, hàng năm, Công ty đều trang bị bảo hộ lao động, xây dựng các biện pháp an toàn trong quá trình sản xuất: đầu tư hệ thống phòng cháy, chữa cháy, xây dựng các phương án bảo đảm ATVSLĐ - PCCN tại nơi sản xuất, hệ thống nhà xưởng thoáng mát; hàng năm cử cán bộ, người lao động tham gia các lớp tập huấn về ATVSLĐ - PCCN. Vì vậy, trong nhiều năm Công ty chưa xảy ra vụ TNLĐ, cháy, nổ nghiêm trọng, đời sống người lao động từng bước được nâng cao.

Tháng hành động về ATVSLĐ năm nay với chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”, theo Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp, việc làm, ATVSLĐ tỉnh, để hạn chế số vụ TNLĐ, cháy, nổ xảy ra, các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người lao động cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn ATVSLĐ cho chủ sử dụng và người lao động để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và khả năng phòng ngừa, ngăn chặn những yếu tố nguy hiểm, có hại, hạn chế TNLĐ; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các quy định về ATVSLĐ - PCCN tại doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp và người lao động thực hiện nghiêm túc các quy định trách nhiệm về công tác ATVSLĐ; thường xuyên tự kiểm tra việc thực hiện tại đơn vị mình để kịp thời phát hiện, có biện pháp phòng ngừa, loại trừ các yếu tố nguy hiểm, có hại, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc của người lao động, hạn chế thấp nhất sự cố kỹ thuật hoặc TNLĐ, bệnh nghề nghiệp có thể xảy ra; đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm những doanh nghiệp, người lao động không chấp hành các quy định về ATVSLĐ - PCCN.

Ông Nguyễn Văn Bái, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Tai nạn lao động và cháy, nổ đang là vấn đề quan tâm đặc biệt trong các doanh nghiệp hiện nay. Vì vậy, để hạn chế tai nạn lao động và các vụ cháy, nổ, rất cần có sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành, nhất là chủ sử dụng lao động và người lao động. Doanh nghiệp và người lao động không được chủ quan, hãy chủ động trước mọi tình huống mất an toàn phát sinh trong quá trình lao động, sản xuất, đề ra các biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra.

Ông Cheng Hong Yuan, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Tactician

Chúng tôi hiểu người lao động là người trực tiếp mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Nếu chăm lo và bảo đảm các điều kiện cho người lao động không những doanh nghiệp được hưởng lợi mà mức thu nhập của họ cũng được nâng cao. Vì vậy, qua 7 năm hoạt động, Công ty luôn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống nhà xưởng thoáng mát, trang thiết bị máy móc hiện đại để người lao động được làm việc trong môi trường an toàn, qua đó nâng cao hiệu quả công việc.
Anh Phạm Tiến Dũng, công nhân Công ty TNHH Công nghiệp Tactician
Là công nhân, tôi luôn xác định việc bảo đảm ATVSLĐ - PCCN trong quá trình làm việc cần phải được coi trọng. Khi chọn nơi làm việc, điều tôi quan tâm ngoài việc thực hiện đúng các chế độ, chính sách theo quy định, các chế độ đãi ngộ, khuyến khích cho người lao động thì doanh nghiệp cần chú trọng đến công tác bảo đảm ATVSLĐ - PCCN. Theo tôi, ngoài chủ doanh nghiệp, mỗi người lao động cũng phải luôn quan tâm đến công tác này, không lơ là, chủ quan, có như vậy việc bảo đảm ATVSLĐ - PCCN mới được thực hiện hiệu quả.


Nguyễn Cường