Chủ nhật, 11/08/2024, 00:24[GMT+7]

Sôi động làng nghề ở Thái Phương

Thứ 3, 17/06/2014 | 08:24:33
3,054 lượt xem
Những doanh nghiệp nằm san sát ven trục đường xã, nhiều chuyến xe chở hàng nối tiếp nhau, những tiếng kêu nhịp nhàng từ hàng nghìn chiếc máy dệt vang vọng khắp làng... là những gì chúng tôi được chứng kiến khi tới Phương La, xã Thái Phương (Hưng Hà). Là xã nằm ở phía Tây, cách trung tâm huyện 5km với 3.200 hộ, hơn 10.000 khẩu, Thái Phương đã duy trì nghề truyền thống dệt khăn, dệt vải từ hàng trăm năm nay.

Dệt chiếu bằng máy ở xã Tân Lễ (Hưng Hà). Ảnh: Thành Tâm

Theo lãnh đạo xã, những năm qua Ðảng bộ và nhân dân xã Thái Phương đã nỗ lực phấn đấu thu được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng. Ðặc biệt trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã có bước khởi sắc, tốc độ tăng trưởng ở mức cao, giá trị sản xuất CN - TTCN luôn là xã đứng đầu huyện, trong đó 100% hộ đều tham gia làm nghề. Từ khi có Nghị quyết 01 về phát triển nghề và làng nghề, Thái Phương đã coi đây là điều kiện thuận lợi tạo động lực cho nghề dệt ở địa phương phát triển.

Từ các làng nghề Phương La, Mẹo nghề dệt đã đồng loạt mở rộng ra các thôn trên địa bàn toàn xã. Cũng vì thế mà các thôn của Thái Phương đã lần lượt được UBND tỉnh công nhận làng nghề. Tới năm 2011 đã có 6/8 thôn được công nhận làng nghề và Thái Phương được công nhận xã nghề.

Cùng với việc phát triển làng nghề, năm 2001 UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch Cụm công nghiệp Phương La để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng quy mô làng nghề. Ðảng ủy xã Thái Phương đã có nghị quyết tạo điều kiện cho doanh nghiệp về thuê đất, giải quyết các thủ tục về vốn vay, ký kết hợp đồng, quản lý nhân khẩu, giải quyết kịp thời các tranh chấp xảy ra và đảm bảo an ninh trật tự. Từ đó đến nay đã có thêm 22 doanh nghiệp đầu tư tại Cụm công nghiệp, thu hút hàng nghìn lao động trong và ngoài xã, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân trong lúc nông nhàn.

Ðặc biệt, trong những năm qua các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất đã tích cực, chủ động sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường, đổi mới công nghệ sản xuất nên vẫn giữ được nhịp độ phát triển, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường. Những kết quả đó đã góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế của xã theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp.

Năm 2011, giá trị sản xuất CN - TTCN đạt 79,644 tỷ đồng, chiếm 64,12%; năm 2013 đạt 179 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2012, chiếm 65,4% tổng giá trị sản xuất của xã. Ðến nay nghề dệt xã Thái Phương đã thu hút trên 72% lao động trong xã và khoảng 4.000 lao động ở các xã lân cận với mức thu nhập bình quân từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Hiện tại 49 doanh nghiệp trong xã đều tham gia sản xuất kinh doanh sản phẩm truyền thống, xuất khẩu trực tiếp sang một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Mỹ La-tinh và một phần tiêu thụ nội địa. Nhìn chung khối doanh nghiệp đều hoạt động hiệu quả, giá trị sản xuất cao, thu hút nhiều lao động, không chỉ đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước mà còn khẳng định được vai trò, vị trí của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Ðiển hình như Công ty Thành Công, Xí nghiệp Toàn Thắng, Công ty Nam Thành, Công ty Hoàn Hợp, Công ty Tân Phương.

Bên cạnh đó, các hộ sản xuất trong làng nghề cũng duy trì hoạt động tốt, góp phần làm tăng giá trị sản xuất hàng hóa CN - TTCN cho xã. Trên địa bàn hiện có 12 tổ sản xuất kinh doanh, tập trung chủ yếu ở thôn Phương La với hoạt động chính là sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dệt. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư vốn để xây dựng nhà xưởng, mở lớp truyền nghề thu hút nhiều lao động đến làm tại tổ và gia đình. Ðiển hình như tổ sản xuất của ông Nguyễn Văn Hà, Trần Văn Mười, Ðào Văn Cổn, Ðào Ngọc Sơn, Trần Thanh An chuyên sản xuất kinh doanh, thu mua khăn các loại và hoạt động chủ yếu ở thị trường nội địa từ Bắc vào Nam. Mặc dù không thu hút nhiều lao động làm trực tiếp ở xưởng nhưng các tổ đã thu hút hàng trăm lao động vệ tinh làm hàng khăn nội địa. Chính các cơ sở này là cầu nối giữa các hộ gia đình sản xuất với thị trường, người tiêu dùng trong nước, góp phần làm lên tên tuổi của làng nghề.

Tới Công ty TNHH Châu Minh, ông Nguyễn Văn Mão, Giám đốc Công ty cho  biết: Phát huy nghề sẵn có ở địa phương từ thời cha ông để lại, từ năm 2006 đến nay ông đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng để mua 6 máy công nghiệp. Do đó công suất không chỉ tăng gấp 2 lần so với trước đó mà còn nâng cao về chất lượng sản phẩm, bình quân mỗi tháng xuất từ 12 - 13 tấn hàng với gần 40 dòng sản phẩm khác nhau, đem lại doanh thu 1,5 tỷ đồng/tháng.

Năm 2012, Công ty đã vinh dự được tỉnh bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu với mặt hàng khăn bông. Không chỉ làm giàu cho gia đình, Công ty còn tạo việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động ở trong và ngoài xã với thu nhập ổn định. Trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục xây dựng nhà xưởng trên 10.000m2 và đầu tư 2 máy công nghiệp hiện đại nâng công suất lên 30 tấn khăn/tháng.

Trong thời gian tới, địa phương mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục hỗ trợ về vốn, mặt bằng, đặc biệt là xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường để nghề và làng nghề ở Thái Phương phát triển bền vững, hiệu quả hơn.

           Thu Thủy 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày