Thứ 6, 10/05/2024, 06:56[GMT+7]

Lễ hội làng Thượng Liệt được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Thứ 2, 15/10/2018 | 08:03:38
11,755 lượt xem
Sở hữu nhiều nét văn hóa độc đáo như: lễ rước ông thầy, bà thợ và điệu múa giáo cờ, giáo quạt…, lễ hội làng Thượng Liệt (xã Đông Tân, huyện Đông Hưng) vừa được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cùng 6 di sản văn hóa phi vật thể khác thuộc loại hình tập quán xã hội tín người và lễ hội truyền thống.

Các cô lèn biểu diễn tại lễ hội làng. Ảnh: Lại Hồng Dương (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Theo các cụ cao niên trong làng, lễ hội làng Thượng Liệt hay còn gọi là lễ hội làng Giắng có cách đây hơn 600 năm. Lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ công ơn của công chúa Trần Thị Quý Minh, con vua Trần Duệ Tông - người được nhân dân suy tôn là Thánh Mẫu, Thành Hoàng, Thượng Đẳng Thần. Bà là người có công triệu tập cư dân, khai phá vùng đất hoang hóa, phát triển nông nghiệp, lập ấp, dựng chùa, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân trong làng.

Giống như nhiều vùng quê khác, lễ hội làng Thượng Liệt được tổ chức vào dịp đầu xuân mới, từ ngày 10 - 12 tháng Giêng hàng năm, trong đó nổi bật và đặc sắc nhất là lễ rước ông thầy, bà thợ và điệu múa giáo cờ, giáo quạt. 

Ngày 10 tháng Giêng, lễ hội làng Thượng Liệt được bắt đầu với nghi lễ rước Phật tại chùa Thiên Đức Tự. Sau lễ rước Phật về đình, Trưởng ban Quản lý di tích sẽ đánh trống khai mạc lễ hội. Đoàn tế nữ quan làm lễ dâng hương và tế cáo vào buổi chiều cùng ngày. Sang ngày 11 và 12 tổ chức rước ông thầy, bà thợ của thôn Đông Thượng Liệt và thôn Tây Thượng Liệt. Ông thầy được Ban Bảo trợ của đình chọn còn bà thợ do Hội Tín đồ Phật giáo chọn. Tuy nhiên, hiện không tổ chức rước ông thầy mà chỉ còn rước bà thợ. Ông thầy, bà thợ được chọn phải là những người không mắc đại tang trong năm, gia đình sống mẫu mực, hạnh phúc, con cháu đề huề và phải có trách nhiệm lo việc đình cùng với Ban Quản lý di tích trong vòng một năm. Trước kia, bà thợ được chọn sẽ được cấp 3 sào ruộng cấy trong một năm để sắm lễ, quần áo cho các cháu trong đội múa. Tuy nhiên, hiện nay bà thợ không được cấp ruộng mà được quy ra tiền để sắm lễ. Sau khi đã chọn được ông thầy, bà thợ thì tiến hành chọn đội múa giáo cờ, giáo quạt. Tiêu chuẩn người tham gia đội múa (được gọi là cô lèn) phải là gái đồng trinh, từ 8 tuổi đến 15 tuổi và gia đình phải không có tang. Các cô lèn sẽ được bà thợ truyền dạy những điệu múa truyền thống của làng để biểu diễn dịp lễ hội. Lễ rước bà thợ được tổ chức long trọng. Hai bà trong trang phục áo tế, nhiễu đỏ bịt đầu, quần hồng ngồi võng, có lọng che. Bà thợ của làng Đông Thượng Liệt ngồi ở phía Đông còn bà thợ của làng Tây Thượng Liệt ngồi ở phía Tây đình để chỉ huy, giám sát cánh múa của mình. Tục rước bà thợ trong lễ hội có ý nghĩa rất nhân văn, đó là khi mẹ còn sống hãy làm những gì tốt đẹp nhất để mẹ được hạnh phúc. Đây cũng là dịp để con cháu tỏ lòng biết ơn, báo hiếu bậc sinh thành.

Sau khi rước hai bà thợ về đình làm lễ, ông chủ tế bước ra lễ thánh và bắt đầu múa giáo cờ, giáo quạt. Đây là hình thức múa dân gian tập thể có kết hợp với múa đôi. Nội dung điệu múa diễn tả tâm trạng của công chúa trước khi đi xa làm lễ tạm biệt vua cha. Đội múa gồm 40 - 50 người, là những cô gái trẻ chưa đến tuổi lấy chồng đã được bà thợ dạy múa. Ở một vài lớp múa có thêm ông đọc róng và ông quản trò. Múa giáo cờ, giáo quạt được tổ chức ở trước sân đình Thượng Liệt với khoảng 36 cấp múa như múa đi sứ, múa má, múa bái vua, múa cửa, múa rè, múa sắc ngũ phương và múa chèo đò... Các động tác múa tập trung diễn tả cảnh sinh hoạt nơi thôn dã, đồng quê như chim bay, cò bay, chao tép, vạt tôm, chèo thuyền... Qua các cấp múa, nghi lễ, tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước được tái hiện rõ nét nhất. Ngoài ra, lễ hội còn đan xen tổ chức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, các chương trình văn nghệ ca ngợi quê hương, đất nước và các trò vui chơi, giải trí dân gian như chọi gà, cờ tướng, kéo co, vật...

Dù hiện nay lễ hội làng Thượng Liệt không còn bảo đảm được sự nguyên trạng vốn có của lễ hội xưa song với những nét văn hóa đặc sắc còn được lưu giữ, lễ hội đã góp phần tạo nên sự đa dạng của văn hóa Việt Nam, thể hiện sự sáng tạo của nhân dân lao động và có ý nghĩa giáo dục rất lớn trong việc ghi nhớ công ơn của người đã giúp dân làng tạo lập cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây cũng là một hình thức cố kết cộng đồng dân làng, tăng cường giao lưu giữa các dòng họ.

Lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vui, sự tự hào và vinh dự của người dân làng Thượng Liệt song cũng đặt ra vấn đề cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa của các đơn vị, tổ chức liên quan và người dân địa phương trong việc bảo lưu, giữ gìn và phát triển những nét đặc sắc của lễ hội.


Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Toàn tỉnh có hơn 490 lễ hội trong đó nhiều lễ hội đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như lễ hội đền Trần, lễ hội đền Tiên La, lễ hội chùa Keo... Trong năm 2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lập hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa lễ hội làng Thượng Liệt (xã Đông Tân, huyện Đông Hưng) vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tháng 9/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 3609/QĐ-BVHTTDL về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong 6 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có lễ hội làng Thượng Liệt. Để bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa làng Thượng Liệt, thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục nghiên cứu, nhận diện giá trị của di sản; tạo điều kiện cho việc thực hành lễ hội; khuyến khích những nghệ nhân cao tuổi truyền dạy cho thế hệ trẻ; đồng thời, tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước nhằm giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản.

Ông Trần Đình Ân, Trưởng ban Quản lý di tích đình, chùa, lăng Thượng Liệt, xã Đông Tân (Đông Hưng)

Di tích đình, chùa, lăng Thượng Liệt đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1989 với diện tích 7.820m2. Đây là nơi tổ chức các hoạt động của lễ hội làng Thượng Liệt. Lễ hội thường gắn với di tích. Do đó, với vai trò Ban Quản lý di tích, chúng tôi có trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn và trùng tu di tích để lễ hội được lưu truyền tới nhiều đời sau. 

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thơi

Bản thân tôi là 1 trong 5 nghệ nhân ưu tú được đi biểu diễn tại nhiều nước châu Âu về điệu múa giáo cờ, giáo quạt. Được kế tục và biểu diễn 36 cấp múa truyền thống của quê hương, mỗi người chúng tôi đều rất tự hào. Điệu múa không chỉ giúp chúng tôi rèn luyện sức khỏe mà còn tạo tinh thần vui tươi. Tôi sẽ tiếp tục trao truyền điệu múa cho các thế hệ sau để bảo tồn, phát triển nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc này.

Em Bùi Thanh Huyền, thôn Đông Thượng Liệt, xã Đông Tân (Đông Hưng)

Là thế hệ tiếp nối được chọn để đi sứ và học các điệu múa do bà thợ truyền lại, bản thân em rất vinh dự và tự hào. Bởi đây là những điệu múa truyền thống và đặc sắc của địa phương. Trước khi biểu diễn ở lễ hội, chúng em được dạy trong khoảng một tuần. Những điệu múa đòi hỏi tính tập thể cao đã dạy cho chúng em sự đoàn kết, gắn bó, cách đi đứng, hành xử của một người con gái. Các cấp múa giáo cờ, giáo quạt nói riêng và lễ hội nói chung có ý nghĩa nhân văn rất lớn để thế hệ chúng em hiểu cần phải bảo lưu, giữ gìn và phát triển cho thế hệ sau.


Hoàng Lanh

Bùi Vũ Trụ - 1 năm trước

Bà nội con ở Thượng Liệt . Có các anh em là : ông Hai Hồi , ông Ba Tống , ông Phó Bông và ông Tổng Bật . Có ai biết gì về gia đình này cho con xin thông tin con xin cảm ơn và hậu tạ . Bà nội con tên Nguyễn thị Lan có chồng bên làng Đồng Kỷ .

Tải thêm

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày