Thứ 3, 23/07/2024, 19:25[GMT+7]

Nghệ sĩ Lê Điệp với sự nghiệp văn hóa quần chúng

Thứ 2, 12/11/2018 | 08:27:58
1,266 lượt xem
Nghệ sĩ Lê Điệp sắp bước vào tuổi 80 nhưng trông anh vẫn “trẻ”, đặc biệt là vẫn say sưa công việc chung. Từ ngày vào ngành Văn hóa đến nay (1959 - 2018), anh đã có gần 60 năm cống hiến cho sự nghiệp văn hóa - nghệ thuật (kể cả những năm đã nghỉ hưu).

Hơn 40 năm công tác trong ngành, khi là diễn viên đoàn chèo, khi là cán bộ phong trào ở thị xã, khi về ty, về sở làm nghiệp vụ. Dù ở đâu, phụ trách lĩnh vực nào anh cũng ghi những mốc son trong sự nghiệp, để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè đồng nghiệp và nhân dân.

Chặng đường đầu tiên anh đến với nghệ thuật là vào làm diễn viên đoàn chèo (1959), học hát, học múa, đóng, diễn nhiều vai trong nhiều vở diễn nhưng thành công nhất là vai hoàng tử trong vở “Tấm, Cám”, vai diễn đã khắc sâu vào trí nhớ nhiều khán giả. 60 năm qua, đến nay khi gặp lại có người vẫn nhớ, vẫn gọi anh là “Hoàng tử”. Làm diễn viên được mấy năm thì anh được điều về Phòng Văn hóa thông tin thị xã Thái Bình. Khi giặc Mỹ đánh phá miền Bắc, đánh phá thị xã Thái Bình, anh đã có mặt ở đây để “xây dựng phong trào văn hóa”, xây dựng phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”... Vào đầu những năm 70 của thế kỷ XX, anh được điều về Phòng Văn hóa văn nghệ thuộc Ty Văn hóa - Thông tin (từ 1985 là Sở Văn hóa - Thông tin), tiếp tục gắn bó với phong trào quần chúng ở cơ sở. Từ Trưởng phòng Văn hóa quần chúng, năm 1986 anh được cử làm Giám đốc Nhà văn hóa trung tâm tỉnh và ở cương vị này cho đến khi nghỉ hưu (2002). Gần 20 năm làm Giám đốc Nhà văn hóa trung tâm tỉnh, anh đã làm được nhiều việc lớn.

Trong những năm 1980 - 2000, Thái Bình là tỉnh có đội ngũ cán bộ làm phong trào văn hóa quần chúng mạnh nhất, nhì trong nước. Không chỉ ở Nhà văn hóa trung tâm mà hầu hết trung tâm văn hóa các  huyện, thị đều có đội ngũ tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ có năng lực sáng tác, có khả năng hướng dẫn phong trào. Cùng với đội ngũ ấy là đội ngũ những cán bộ thông tin cổ động hát hay, diễn giỏi vừa trực tiếp hướng dẫn phong trào, vừa tổ chức biểu diễn tuyên truyền phục vụ sinh hoạt chính trị ở huyện, thị, ở các xã. Với cương vị là Giám đốc Nhà văn hóa trung tâm, Lê Điệp đã đóng góp công sức vào việc đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt ấy, tổ chức cho họ phát huy tài năng phục vụ phong trào văn nghệ quần chúng.

Vào giữa thập kỷ 80 của thế kỷ XX, Nhà văn hóa trung tâm đã mở các lớp dạy hát chèo đào tạo hàng trăm diễn viên, đạo diễn cho cơ sở. Từ phong trào cơ sở, nhiều người đã trở thành những nghệ sĩ chuyên nghiệp, nổi tiếng. Lê Điệp cũng là người sớm góp phần khai thác, giữ gìn, phát huy các loại hình nghệ thuật dân tộc, truyền thống. Năm 1988, lần đầu tiên Sở tổ chức “Hội thi tiếng hát chèo hay” của tỉnh, anh được giao nhiệm vụ đi đến các làng xã có những nghệ nhân chèo cổ, tập hợp lực lượng để tổ chức hội thi. Qua hội thi, nhiều nghệ nhân nổi tiếng trong các chiếu chèo xưa bị bỏ quên, bị sao lãng nay được trở lại hoạt động rất phấn khởi, từ đó khơi dậy phong trào hát chèo trong quần chúng. Năm 1998, anh lại tổ chức hội thi hát chầu văn tại đền Đồng Bằng (xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ). Đây là loại hình âm nhạc “một thời” bị cấm vì cho là gắn liền với mê tín nay được dự thi nên nhiều nghệ nhân đã hăng hái tham gia. Các bài hát trong hội thi đều tập trung ca ngợi cảnh đẹp của đất nước, quê hương, ca ngợi những người anh hùng có công với nước với dân. Họ là những người “khi sống thì làm tướng, khi chết thì làm thần”, được dân lập đền thờ, đời đời hương khói. Những nghệ nhân được huy chương vàng, huy chương bạc ngày ấy, nay vẫn phát huy tài năng, trở thành những người “đàn giỏi, hát hay” không chỉ Thái Bình biết tiếng mà nhiều tỉnh, thành cũng biết tiếng, mời về hát.

Công đầu thuộc về anh là việc đề xuất xây dựng đời sống văn hóa ở các làng, xã có người theo đạo Thiên chúa, mạnh dạn khai thác tiềm năng văn hóa ở vùng đồng bào Thiên chúa giáo. Ngày nay kèn, trống đồng trong các nhà thờ đã trở thành một loại hình nghệ thuật, ngày càng được trang bị hiện đại và được sử dụng thường xuyên, được lên huyện, lên tỉnh biểu diễn... ít ai nghĩ đến những ngày đầu mới khai thác loại hình nghệ thuật này. Năm 1989, Lê Điệp đề xuất việc tổ chức liên hoan kèn đồng toàn tỉnh, không ít ý kiến e ngại. Khi chủ trương được phổ biến, không khí chuẩn bị cho liên hoan rất sôi nổi. Ở những nhà thờ có đội nhạc kèn được chọn, các linh mục, các nhạc công đều tích cực chuẩn bị kèn, trống, luyện tập những ca khúc cách mạng để dự liên hoan. Cuộc liên hoan kèn đồng đầu tiên đã được thực hiện và thành công tốt đẹp. Sau cuộc “tập dượt” này, các đội kèn đồng trong các nhà thờ được dư luận xã hội thừa nhận, được mời tham gia các ngày hội lớn của tỉnh, của huyện. Qua kinh nghiệm của Thái Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức liên hoan kèn đồng toàn quốc.

Vừa làm, vừa học Lê Điệp đã trở thành tác giả, đạo diễn sân khấu của phong trào văn nghệ quần chúng. Anh đã sáng tác nhiều kịch bản, xây dựng nhiều chương trình hát dân ca, hát chèo để tham dự các hội diễn toàn quốc, trong đó có chương trình “Tiếng hát làng Sen” (hát về Bác Hồ). Các chương trình do anh sáng tác, dàn dựng tham gia các cuộc thi toàn quốc đều được tặng huy chương vàng. Với cương vị là tác giả, là đạo diễn, anh đã thành công trong các chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh (1890 - 2000), “thành phố Thái Bình mở trang sử mới” (2005), “Âm vang hào khí Đông A” (2005), những công trình trên đã được tặng giải thưởng văn học nghệ thuật mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn giai đoạn 1997 - 2002 và 2002 - 2007. Anh cũng đã được một số tỉnh bạn mời làm đạo diễn cho những chương trình nghệ thuật chào mừng ngày thành lập tỉnh.

Hơn 40 năm cống hiến, nghệ sĩ Lê Điệp đã được Nhà nước, Chính phủ tặng thưởng: Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Hai, Huân chương Lao động hạng Ba, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn hóa quần chúng, kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn học nghệ thuật và nhiều bằng khen của tỉnh, của bộ.

Năm 2002, nghệ sĩ Lê Điệp nghỉ hưu, anh vẫn tiếp tục làm sáng tác và đạo diễn nhưng rồi tinh thần hăng say, lòng nhiệt tình đã đưa anh đến với công tác sưu tầm nghiên cứu, trở thành nhà sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian. Anh tham gia câu lạc bộ UNESCO bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, tham gia ban khảo sát nghiên cứu các giá trị văn hóa truyền thống. Anh đi hết Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên... đi các tỉnh để sưu tầm hát văn, rồi từ hát văn, anh cùng các bạn đồng nghiệp đi sưu tầm “Đạo Mẫu trong tín ngưỡng dân gian”. Kết quả hát văn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Hầu bóng được thế giới công nhận là di sản văn hóa của nhân loại... kết quả trên có công sức của anh. Ba công trình khoa học được tập hợp biên soạn dày gần 1.000 trang: “Khảo sát hát văn, hầu bóng”, “Đạo Mẫu trong văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam”, “Tìm hiểu văn hóa tâm linh của người Việt” là bước chuẩn bị cho những dự án trình lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lên Ủy ban UNESCO văn hóa và giáo dục của Liên hiệp quốc đều có anh tham gia. Anh đã góp phần vào việc bảo tồn, phát huy một loại hình văn hóa đặc sắc của dân tộc “Hát văn và hầu bóng”. Trong quá trình thực hiện các công trình khoa học trên, anh đã huy động được sức mạnh của cộng đồng, thực hiện “xã hội hóa”  không có tiền ngân sách, anh vẫn huy động được hàng trăm người tham gia, vẫn làm được việc. Sau ngày thế giới công nhận hầu bóng là di sản văn hóa của nhân loại, có hàng trăm “con nhang, đệ tử” giúp anh bảo tồn, phát triển hát văn và hầu bóng.

Lê Điệp thành công trong công việc trước hết ở tinh thần say sưa với công việc, khiêm tốn học hỏi, vừa làm vừa học, học thầy, học bạn... Anh sống giản dị, hòa nhã thân ái với mọi người và vì thế mọi người cũng quý mến anh, tin anh.

Phạm Minh Đức
(Thành phố Thái Bình)