Thứ 7, 18/05/2024, 19:17[GMT+7]

Pháo đài đồng bằng

Thứ 2, 28/01/2019 | 09:22:47
1,425 lượt xem

Quất vẫn vuốt vuốt tay áo, đầu hơi cúi xuống nghĩ câu mở đầu. Đám con trai nhìn Quất không chớp. Chợt cô ngửng lên:

- Chuyện tôi nghe ở hội nghị huyện đoàn. Tôi bắt đầu. Ở bên Nam có anh thanh niên, tuổi khoảng hai nhăm, hai sáu...

- Bằng tuổi anh Chuyển. - Có tiếng nói xen.

- Vâng, bằng ấy. Anh ta nghe nói giặc chỉ lùng bắt thanh niên, không bắt người già. Anh ta liền nghĩ cách làm cho mình già đi, để không may giặc có thộp được, chúng sẽ thả. Thấy mấy ông trung niên để râu trông già hẳn đi, anh ta liền bắt chước. Cũng may giời cho anh ta có bộ râu quai nón, không cạo ba tháng râu đâm ra tua tủa, thoáng trông cũng có vẻ già. Nhưng anh ta vẫn chưa dám ra công khai, vì soi gương thấy đôi má mình đầy phinh phính; đôi mắt cố làm ra vẻ lờ đờ nhưng vẫn cứ tinh nhanh như mắt quạ, Anh ta có người yêu ở xã bên. Từ hôm giặc đóng đầu xã, cô không sang được, gặp ai quen chỉ nhắn vài câu để anh ta biết là cô không bị giặc bắt.

- Chuyện nghe được đấy!

- Rồi sao nữa?

- ... Cô ấy vào du kích xã. Xông xáo ở bên trên, cô ấy nắm chắc được tình hình giặc. Còn anh ta cứ nằm rịt dưới hầm, chẳng hiểu mô tê gì cả, anh ta càng sợ. Bỗng có một đêm, bà mẹ anh ta mở cửa hầm, làm giả tiếng cóc nghiến răng báo anh ta lên. Trong gian buồng mà anh ta định cưới vợ về, anh ta thấy cô vợ chưa cưới đứng sững trước mặt, ngơ ngác nhìn anh ta như trẻ con vào chùa nhìn ông Độc Cước. Anh ta phải nói nhanh để cô ta khỏi phát hoảng: “Anh... anh đây! Lương đây”. Cô gái hỏi ra mới biết người yêu của mình sợ quá, vì không liên hệ với tập thể, không nắm được tình hình, đâm ra nghĩ quẩn, làm liều. Cô giúp anh ta bắt liên lạc với Đoàn và ra lệnh phải cạo ngay bộ râu cầu an ấy. Nếu không cạo thì cô ta sẽ cắt đứt...

- Anh ta có cạo không?

- Cạo ngay! Nhẵn thin thín. - Quất trả lời gọn lỏn.

- Hi... hi! Chuyện râu cầu an, hay đấy.

- Rõ đẹp mắt cánh con giai! Nhỉ!

Mấy cô gái bình luận, trêu tức đám con trai. Một cậu độp ngay:

- Đừng có vơ đũa cả nắm nhá!

Quất nói xong, ngồi yên một lúc rồi tìm trò đùa nghịch. Thấy tà áo The cộn lên, Quất thò tay lạnh vào sườn làm The giật nảy mình. The chộp cánh tay Quất bóp thật đau:

- Chừa chưa?

- Ái chao ôi! Chừa rồi!... Con ranh bóp sái khớp tay người ta!

Đám con trai bưng nước húp xụp xoạp, ngắm đám con gái nô đua như xem văn công. Thấy Quất ôm tay kêu, Trù hích vào sườn Chuyển:

- Lên nắn khớp, sái rồi!

Chuyển mỉm cười quay đi. Ít lâu nay anh em thường vun Quất với Chuyển, một bí thư, một chấp hành. Nhà gần nhau, đi họp là “ới” gọi nhau. Tan họp cùng về một lúc, một đường...

Trong đám con gái làng Nguyễn, Quất được liệt vào hạng dễ coi “lưng ong, đùi ếch, ngôi lệch, tóc dài”, có tay nào đã tả Quất như vậy. Nhà Quất khá giả vào bậc trung ở làng này. Mẹ mất sớm, dì ghẻ hắt hủi, Quất theo chị em họp hành, công tác cho quên tủi cực. Hội Tùy, bố Quất, không muốn cho Quất đua đòi chúng bạn, sợ Quất “hư thân”. Độp một cái, Quất được bầu vào chấp hành chi đoàn, lão mới đớ người ra. Quất chẳng giống tính nết ai trong nhà. Đi họp đôi lúc nói ngang. Nô nghịch chả kém con trai. Có việc đấu tranh cả với bố. Hôm xưa, dân quân đào hào ven vườn nhà Quất, bố Quất sợ chạm rễ mấy cây cau, không cho đào. Quất lừa chiều hôm ấy bố đi ăn giỗ, đưa dân quân đến đào thông đoạn hào qua vườn. Tối, hội Tùy về thì việc đã xong. Hai bố con quay ra cãi nhau. Hội Tùy bực bội:

- Nhà này bây giờ quyền tao hay quyền mày?

Quất đáo để, cãi lại:

- Quyền cả thầy, quyền cả con.

- A, cái con này láo! - hội Tùy đập trôn chén xuống chiếu.

- Mày ăn nói với bố mày thế à?

Quất thấy mình lỡ miệng, vội pha trò:

Sao thầy bảo bây giờ nam nữ bình quyền?

Mải nghĩ về Quất, Chuyển quên trở lại công việc. Trù đập vào vai Chuyển:

- Làm đợt nữa chứ!

Chuyển giật mình ấp úng:

- Ờ... ờ... làm đợt nữa!

*      *
*
Ảnh minh họa

Tuyền bước chầm chậm trên mặt tòa thành đất của làng Nguyễn, từ cổng Đông vòng lại cầu Kênh, qua cổng Tây đến cổng Bắc. Tòa thành ngoằn ngoèo theo thế đất, thế sông ngòi, bao quanh ba thôn Đông Khê, Bắc Lạng, Nam Ninh.

Đặt chân lên mặt lũy nện nhẵn, Tuyền có cảm giác lâng lâng như cái hôm đặt chân vào gian nhà mới, gian nhà đầu tiên mà đời anh làm được. Cái lũy này, cái công trình để chống giặc này là của cả làng, là công sức của bao nhiêu người, già trẻ, gái trai và là nỗi lo, nỗi vui của Tuyền... không ngờ nó được xây dựng nên trong vòng chưa đầy một tháng. Cái hôm nhận nghị quyết của huyện, Tuyền lo không biết đến ngày nào mới làm được... Đất gò đống ngoài đồng gánh vào bằng quang sảo. Đất dưới ngòi sâu, phải tát cạn nước, gạt bùn ra một bên, đào rồi chuyền tay lên từng hòn. Làm dưới nắng, dưới mưa, làm cả trong đêm trăng sáng, mới có được tòa thành đất dài bốn cây số này.

Tuyền đi bộ mất một giờ mới vòng quanh hết lũy đất. Bên ngoài lũy, một vòng giậu tre gai, tre hóa bao quanh. Có đoạn mới trồng. Những khóm tre, bụi tre được đánh cả gốc lẫn ngọn khiêng ra trồng cho kín. Nhiều đoạn giậu cũ, cao ngửa mặt mới thấy ngọn, cầy cáo chui không lọt. Dây mơ, dây bìm bìm nhằng nhịt đan chằng vào những khóm tre gai, đứng bên đây không nhìn rõ bên kia. Ngoài giậu tre là một luồng ngòi sâu, mùa mưa lội tới cổ, rộng ba bốn sải chân... Thế là muốn vào làng, phải vượt qua ngòi sâu, qua giậu tre dích dắc trong làng bao kín lấy từng xóm. Người lạ không hỏi đường sẽ lạc. Bốn mươi chín cái cổng chia làng thành nhiều ngăn. Cổng nào cũng có cánh vững vàng... Bên trong, một mạng lưới hào giao thông vòng quanh chân lũy, tỏa nhánh vào các xóm. Hào lộ thiên và hào ngầm dưới đất, ngoằn nghoèo chữ chi, hàng chục cây số dài. Hố cá nhân miệng vũm, hông phình, đào dọc đường làng, đường xóm, đào ở góc sân, đầu nhà... Chưa nói đến hầm tránh moóc-chê đại bác làm ngay trong nhà và hầm bí mật của thanh niên, du kích... Bao nhiêu công sức đào khoét, khiêng gánh, đắp dựng, không có bàn tay cả làng thì không làm nổi... Lần đầu tiên Tuyền hiểu nghĩa câu “Toàn dân kháng chiến” của Bác Hồ.

(còn nữa)

BÚT NGỮ
Thành phố Thái Bình


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày