Chủ nhật, 19/05/2024, 13:13[GMT+7]

Nông thôn mới Thái Bình: Mùa xuân về

Thứ 7, 02/02/2019 | 11:24:45
2,916 lượt xem
Trong hơi ấm của mùa xuân, khắp các làng quê Thái Bình bừng lên sức sống mới, diện mạo mới từ thành tựu xây dựng nông thôn mới (NTM) mang lại. Nhân dịp đón xuân Kỷ Hợi 2019, phóng viên Báo Thái Bình phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chuyên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về nhiệm vụ xây dựng NTM của Thái Bình giai đoạn 2018 - 2020.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiểm tra sản xuất tại Công ty TNHH Nam Dong Việt.

Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chuyên, ngày 21/12/2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tiến sĩ đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của Nghị quyết này?

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chuyên: Những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiệm vụ và giải pháp xây dựng NTM, đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện. Diện mạo nông thôn được đổi mới, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập và điều kiện sống của nhân dân ngày càng được nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và nâng cấp 1.057,97km đường trục xã; 1.890,83km đường trục thôn; 3.162,75km đường nhánh cấp 1 trục thôn; 2.215km đường ngõ xóm; 3.656km đường giao thông nội đồng; cứng hóa được 1.162km kênh mương cấp 1 loại 3 và nạo vét hàng nghìn ki-lô-mét sông ngòi; 29 trạm bơm, 248 cống đập; hệ thống cung cấp nước sạch được đầu tư xây mới, nâng cấp cải tạo đủ điều kiện phục vụ cho 100% người dân Thái Bình; 151 trường THCS, tiểu học và mầm non; 38 nhà văn hóa xã; 2 trụ sở xã; 927 nhà văn hóa thôn; 179 trạm y tế; 126 chợ; 210 khu xử lý rác thải và lò đốt rác; 67 sân thể thao xã; 88 sân thể thao thôn; hỗ trợ và nâng cấp trên 5.500 nhà ở cho người có công, người nghèo. Dự kiến hết năm 2018, toàn tỉnh có 237/264 xã (bằng gần 90% số xã) và 1/7 huyện đạt chuẩn quốc gia về xây dựng NTM.

NTM Thái Bình - mùa xuân về, bởi kết quả đạt được đến thời điểm này đã vượt rất xa so với mục tiêu của Nghị quyết số 02 ngày 28/4/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020. Cuối năm 2016, Chính phủ ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020 với yêu cầu đặt ra cho xã, huyện đạt chuẩn NTM cao hơn so với bộ tiêu chí cũ. Vì vậy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03 về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là nghị quyết có vai trò đặc biệt quan trọng, hoạch định chiến lược để Thái Bình hoàn thành mục tiêu trở thành tỉnh nông thôn mới. Nghị quyết được ban hành đáp ứng kịp thời yêu cầu xây dựng NTM theo bộ tiêu chí mới của Chính phủ; phù hợp với tất yếu khách quan hiện nay và thực tiễn đặt ra trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn Thái Bình những năm tới.

Phóng viên: Tiến sĩ có thể phân tích kỹ hơn về mục tiêu của Nghị quyết số 03 và yêu cầu đặt ra trong xây dựng NTM đối với Thái Bình trong thời gian tới?

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chuyên: Mục tiêu cơ bản của Nghị quyết số 03 là: xây dựng NTM có nền sản xuất phát triển; kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, từng bước hiện đại; văn hóa - xã hội tiến bộ; dân chủ được phát huy; môi trường sinh thái được bảo vệ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; an ninh trật tự được bảo đảm; hệ thống chính trị được củng cố vững chắc. Thái Bình phấn đấu đến hết năm 2019, 100% các xã trong tỉnh về đích NTM, đến năm 2020 các huyện về đích NTM, thành phố Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Có thể khẳng định, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là bước đi tất yếu để đổi mới đồng bộ các lĩnh vực ở nông thôn theo hướng hiện đại, trên cơ sở giữ gìn bản sắc văn hóa của làng quê Việt Nam nhằm phát triển nông thôn bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. 19 tiêu chí NTM đã bao quát hầu hết các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Vì vậy, yêu cầu đặt ra trong xây dựng NTM của Thái Bình phải bảo đảm đồng bộ, thực chất và có chất lượng tất cả các tiêu chí, không xem nhẹ tiêu chí nào, không nặng về xây dựng kết cấu hạ tầng; chú trọng lấy mục tiêu nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn làm trung tâm và luôn xác định sự nghiệp xây dựng NTM do nhân dân làm chủ thể, thực hiện quyền dân chủ, quyết định, trực tiếp thực hiện và hưởng lợi có sự hướng dẫn và hỗ trợ của hệ thống chính trị. Huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phát huy dân chủ, minh bạch, tạo được sự đồng thuận của nhân dân ở từng việc cụ thể.

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm Công ty TNHH Phúc Mậu (Đông Phương, Đông Hưng) tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Phóng viên: Xây dựng NTM trên cơ sở kế thừa những tinh hoa, truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam truyền thống, Tiến sĩ có thể phân tích kỹ hơn về quan điểm này?

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chuyên: Khi xây dựng NTM, chúng ta phải đặt trong mối quan hệ nông thôn truyền thống và NTM hay còn gọi là nông thôn hiện đại, hiểu rõ điểm khác nhau giữa nông thôn truyền thống và NTM trên năm bình diện: chính trị, kinh tế, văn hóa, lối sống, pháp luật để xây dựng NTM bảo đảm thực chất, hiệu quả và bền vững. Về chính trị: trong nông thôn truyền thống giai cấp nông dân chiếm đại đa số, nhưng ở nông thôn hiện nay thì cơ cấu, thành phần trong xã hội có sự thay đổi, ngoài nông dân còn có công nhân, trí thức, cán bộ lực lượng vũ trang, cán bộ về hưu... Về kinh tế: với nông thôn truyền thống, sản xuất nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo, còn nông thôn hiện nay ngoài nông nghiệp phát triển đa dạng các ngành nghề, lĩnh vực: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân. Về văn hóa: trong nông thôn truyền thống, văn hóa dân gian, truyền miệng chiếm ưu thế, nhưng nông thôn hiện nay cùng với việc lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, văn hóa dân gian, thuần phong mỹ tục thì cần phải tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa các vùng miền trên cả nước và của nhân loại, làm phong phú văn hóa nông thôn Thái Bình. Về lối sống: nông thôn truyền thống thường có quan niệm tự cung tự cấp, nhưng NTM cần phải khắc phục quan niệm sản xuất những gì mình có bằng sản xuất hàng hóa, sản xuất những gì thị trường cần. Trong gia đình nông thôn truyền thống, tính gia trưởng cao nhưng NTM phải đề cao dân chủ, bình đẳng giữa các thành viên, nhưng vẫn phải giữ được nền nếp gia phong, thuần phong mỹ tục; đặc biệt, trong nông thôn truyền thống với lối sống mộc mạc, chân thành trong giao tiếp thì điều này cần phải được bảo tồn và lưu giữ trong giai đoạn hiện nay. Về pháp luật: trong xã hội nông thôn truyền thống song song với những quy định của hệ thống pháp luật, thì lệ làng được tôn trọng, đề cao. Trong NTM phải trên cơ sở các quy định của pháp luật, những quy chế, quy định trong quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa và cơ sở hạ tầng... phải được cụ thể hóa vào các quy ước, hương ước của thôn, làng.  

Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chuyên, thời gian tới, Thái Bình cần tập trung vào những giải pháp gì để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM mà Nghị quyết số 03 đã đề ra?

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chuyên: Nghị quyết số 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp rất đồng bộ và toàn diện nhằm tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tôi chỉ xin đề cập thêm một số các giải pháp như sau. Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể cần phân loại 6 đối tượng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với các giải pháp phù hợp trong giai đoạn 2018 - 2020.

Đối với những xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM cần phân làm 2 đối tượng: những xã đã được công nhận từ năm 2016 trở về trước theo bộ tiêu chí cũ cần rà soát, hoàn thiện các tiêu chí, tiểu mục đáp ứng yêu cầu của bộ tiêu chí mới; những xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, hoàn thành thẩm định theo bộ tiêu chí mới cần phải tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí; đặc biệt coi trọng giữ vững nhóm tiêu chí động: thu nhập, hộ nghèo, lao động việc làm, tổ chức sản xuất, văn hóa, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, quốc phòng và an ninh...; chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân.

Đồng chí Nguyễn Hồng Chuyên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kiểm tra thu hoạch lúa tại xã Lô Giang (Đông Hưng).

Đối với những xã phấn đấu về đích năm 2019 phải tập trung rà soát lại các quy hoạch, đề án, xây dựng lộ trình, xác định rõ bước đi, huy động nguồn lực cụ thể để thực hiện, phân công cán bộ, thành viên phụ trách từng tiêu chí, từng tiểu mục một cách sát sao, chặt chẽ để đạt mục tiêu đề ra. Đối với những xã phấn đấu đạt NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu cần xây dựng kế hoạch, đánh giá đúng thực trạng các tiêu chí; xác định rõ thời gian, lộ trình hoàn thành các tiểu mục, các mục theo bộ tiêu chí mới ban hành; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, tổ chức, cá nhân huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Huyện Hưng Hà dù đã về đích NTM nhưng vẫn phải rà soát, đánh giá lại các tiêu chí, hoàn thiện các tiêu chí, hạng mục đáp ứng yêu cầu của bộ tiêu chí mới của huyện NTM. Các huyện, thành phố còn lại cần phải rà soát, đánh giá lại tiêu chí huyện NTM, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM theo hướng dẫn của UBND tỉnh xây dựng đề án, kế hoạch thực hiện, xác định rõ lộ trình, thời gian hoàn thành cụ thể cho từng tiêu chí hạng mục của giai đoạn 2018 - 2020.


Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Hình

(thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày