Thứ 3, 23/07/2024, 19:17[GMT+7]

Mâm ngũ quả ngày tết

Chủ nhật, 03/02/2019 | 16:38:51
5,196 lượt xem
Ngày tết, dù giàu hay nghèo, nhà nào cũng có mâm ngũ quả bày trên ban thờ để thờ ông bà, tổ tiên. Từ xa xưa, mâm ngũ quả đã là một biểu tượng văn hóa đẹp đẽ trong đời sống văn hóa Việt Nam. Mâm ngũ quả tượng trưng cho thuật ngũ hành, cấu tạo nên vật chất của trời đất và con người. Theo quan niệm của triết học phương Đông, màu trắng tượng trưng cho hành kim, màu xanh tượng trưng cho hành mộc, màu đen tượng trưng cho hành thủy, màu đỏ tượng trưng cho hành hỏa và màu vàng tượng trưng cho hành thổ.

Mâm ngũ quả còn là biểu tượng cho năm điều nguyện ước của con người: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh. Theo sách từ điển Hán Việt thì chữ Phúc trong ngũ quả chính là ước mong gia đình sum họp đông vui, hạnh phúc; chữ Lộc cầu cho cả nhà được hưởng sự no đủ trong cuộc sống quanh năm; chữ Thọ mang nguyện ước được sống trọn đời khỏe mạnh, sống trăm tuổi; chữ Khang có nghĩa là an khang, an nhàn, tự tại, luôn minh mẫn, hoạt bát; chữ Ninh là lời ước gia đình ấm êm, tai qua nạn khỏi...

Với ý nghĩa “Ăn quả nhớ người trồng cây”, mâm ngũ quả của người Việt biểu thị lòng tôn kính, biết ơn tổ tiên của các thế hệ cháu con đồng thời tượng trưng cho sự “viên tròn quả phúc”. Đó là khát vọng muôn thuở của mọi gia đình trong năm mới.
Người Việt từ xưa rất chuộng con số 5. Theo quan niệm cổ truyền, vũ trụ có ngũ hành, cơ thể người có ngũ tạng, đất có ngũ phương, trời có ngũ mùa, bàn tay có 5 ngón... 

Theo thuyết “âm dương ngũ hành” của phương Đông thì mâm ngũ quả còn là sự tượng trưng cho luật cân bằng âm dương của vũ trụ và của cuộc sống con người. Người xưa quan niệm màu xanh của hoa quả mang tính âm, trái chín có tính dương. Mâm ngũ quả còn tượng trưng cho hương vị của cuộc sống mà con người phải trải qua: ngọt, đắng, chua, cay, mặn (ngũ vị).

Truyền thống từ xưa đến nay của dân tộc ta, mâm ngũ quả ngày tết có một ý nghĩa đặc biệt. Thông thường, mâm ngũ quả không thể thiếu nải chuối xanh. Màu xanh của chuối được coi là hành mộc. Nải chuối như bàn tay nâng đỡ, che chở, biểu tượng cho sự sung túc, đùm bọc và gắn kết. Giữa nải chuối thường là quả bưởi màu vàng (ứng với hành thổ), ý nghĩa là cầu phúc lộc (nhiều người cũng dùng quả phật thủ hay quả lựu chín vàng). Trên mâm, hành hỏa là các loại quả có màu đỏ (thường là dưa hấu, quýt) và hành kim là những loại quả có màu trắng sáng như quả đào, quả roi; hành thủy được tượng trưng bằng quả có màu đen, sẫm như mận, hồng xiêm...

Thực tế, mỗi loại quả mang một ý nghĩa riêng. Chẳng hạn, quả lựu thể hiện mong muốn đông con, nhiều cháu; quả đào (thăng tiến), quả táo to, đỏ (phú quý), quả hồng, quả quýt, quả cam canh chín đỏ (mạnh mẽ, thành đạt), quả thanh long (rồng mây gặp hội), quả dưa hấu, quả bưởi căng tròn (hứa hẹn sự ngọt ngào, no ấm), quả trứng gà (lê ki ma - lộc trời), quả sung (sung mãn về sức khỏe hay tiền bạc), quả đu đủ (đầy đủ, thịnh vượng), quả xoài (âm Hán như là “xài”, cầu mong không thiếu thốn)...

Tùy văn hóa vùng miền mà việc sử dụng các loại trái cây cho mâm ngũ quả với ý nghĩa riêng theo mong muốn, ước nguyện của gia chủ nhưng vẫn bảo đảm được các màu sắc chủ đạo theo ngũ hành để mâm ngũ quả đẹp, ấm cúng, đem lại cảm giác sung túc.
Miền Bắc là vậy nhưng miền Trung nghèo khó, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, ít hoa quả nên người dân nơi đây cũng không quá câu nệ hình thức, chủ yếu là có gì cúng nấy, thành tâm dâng kính tổ tiên. Bởi thế, mâm ngũ quả mỗi nhà lại khác nhau, quả gì cũng được, miễn là tươi ngon. Các loại quả thường thấy là thanh long, chuối, dưa hấu, mãng cầu, dứa, sung, cam, quýt...

Còn ở miền Nam, nhiều gia đình trên mâm ngũ quả ngày tết họ chỉ bày đúng 5 loại quả, đó là: mãng cầu, xoài, dừa, đu đủ và hồ tiêu với ý nghĩa cầu, dừa (vừa), đủ, tiêu, xài (xoài), ý nghĩa đó ngày nay vẫn còn lưu giữ ở nhiều gia đình. Mâm ngũ quả mang lại sự sinh động trên ban thờ tổ tiên lúc xuân về. Trong sự ấm cúng, sum họp gia đình, đón xuân bên những bức tranh dân gian, cành đào đỏ thắm hay cành mai vàng rực rỡ, mâm ngũ quả mang một hương sắc tươi thơm vị đồng quê trù phú và sung túc...

Mâm ngũ quả chẳng những nói lên sắc hương cây nhà lá vườn mà còn nói lên giá trị dinh dưỡng của bốn mùa hoa trái cùng năng lượng ngũ cốc giúp cho cuộc sống con người sinh sôi phát triển. Nguồn dinh dưỡng của hoa quả là một ân huệ đặc biệt thiên nhiên ban tặng cho con người mà không có vị thuốc nào thay thế được.

Đất nước ta có bao vùng cây trái thơm ngon nổi tiếng. Miền Bắc có nhãn Hưng Yên, vải Thanh Hà, hồng Lạng Sơn, mận Bắc Hà, đào Sa Pa, bưởi Đoan Hùng, táo Thiện Phiến... Miền Nam có quýt Hương Cầm, dừa Tam Quan,  xoài Cao Lãnh, hồng Đà Lạt và những vườn cây trái nổi tiếng như sầu riêng, vú sữa, chôm chôm, măng cụt, mít tố nữ, lê ki ma, dưa hấu... Mỗi vùng mỗi loại, mỗi quả mỗi sắc, là đặc sản từng miền, là món quà dân dã của khách trăm miền sau một chuyến tham quan, du lịch.

Từ mâm ngũ quả, ngoài sắc, hương và vị, mỗi loại còn chứa đựng một dược lý chữa được nhiều chứng bệnh. Nhìn mâm ngũ quả bày trên ban thờ của mỗi gia đình, chúng ta cảm nhận về một đất nước giàu hoa thơm, quả ngọt và sự sung túc của mỗi nhà sau những ngày lao động chăm chỉ, cần cù. Mỗi gia đình bày mâm ngũ quả theo một cách. Nhà bày đơn giản: một nải chuối xanh với một quả bưởi hay quả phật thủ. Chung quanh nải chuối có điểm những quả quất và những trái ớt đỏ. Có nhà bày mâm ngũ quả rất cầu kỳ, tạo nên tác phẩm nghệ thuật trông rất hài hòa và đẹp mắt.

Mâm ngũ quả trước hết là để thờ cúng tổ tiên, nó làm tăng phần trang trọng nơi thờ phụng và làm cảnh quan ngày tết gia đình thêm ấm áp. Đó là một nét đẹp văn hóa của dân tộc. Ngày tết qua rồi, mâm ngũ quả đem xuống cho gia đình cùng ăn, tăng thêm phần vui vầy, đầm ấm.

Mùa xuân là mùa hoa trái. Mùa xuân là tết trồng cây. Cây để phục vụ dựng xây, cây để cải tạo sinh thái, môi trường. Cây cho hoa, cho quả. Từ mâm ngũ quả ngày tết nghĩ tới bao vấn đề nhân tình thế thái. “Ăn quả nhớ người trồng cây”, người lao động luôn biết ơn cây đời đã cho hoa thơm, quả ngọt. Nhìn mâm ngũ quả, con người càng chiêm nghiệm lẽ sống và cảm ơn thiên nhiên chẳng những bảo vệ ta mà còn nuôi ta suốt bốn mùa hoa trái.

Cùng với cành đào, nhành mai, chậu quất..., mâm ngũ quả đã trở thành một thứ không thể thiếu trong ngày tết của người Việt Nam. Đây là một tập quán tốt đẹp của nhân dân ta, thể hiện sức sống mạnh mẽ, tràn trề hy vọng trong năm mới.

Mai Diên
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên