Thứ 2, 13/05/2024, 06:18[GMT+7]

Cách mạng công nghiệp 4.0 vào cuộc sống

Thứ 5, 02/01/2020 | 09:33:14
4,766 lượt xem
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng và có sức lan tỏa mạnh mẽ tới các ngành, lĩnh vực của cuộc sống. Bắt nhịp với cuộc cách mạng này, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh đã từng bước tiếp cận, bắt tay vào nghiên cứu, thử nghiệm lắp ráp và ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nhằm tăng năng suất lao động, thay thế sức người ở những việc độc hại, nguy hiểm.

Máy bay phun thuốc sâu không người lái - sản phẩm nghiên cứu, lắp ráp của anh Trần Văn Thành.

Mạnh dạn nghiên cứu, lắp ráp máy bay phun thuốc sâu

Từ lâu, Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh Đại Nghĩa, xã Đông Hoàng (Tiền Hải) được biết đến là đơn vị có nhiều nghiên cứu, sáng chế ra các loại máy cấy phục vụ nông nghiệp. Không nằm ngoài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đơn vị đã chủ động hội nhập, từng bước tiếp cận công nghệ cao thông qua việc nghiên cứu, lắp ráp thành công máy bay phun thuốc sâu không người lái nhằm giảm sức lao động, nâng cao hiệu quả phun tưới trong nông nghiệp. Ý tưởng này được thực hiện bởi anh Trần Văn Thành, con trai ông Trần Đại Nghĩa, Giám đốc Công ty. Khi thấy người dân nông thôn phun thuốc sâu độc hại, vất vả, anh Trần Văn Thành đã nảy sinh ý tưởng sử dụng máy bay không người lái để thay người nông dân thực hiện công việc này. 

Anh Trần Văn Thành chia sẻ: Cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng tất yếu mà mọi nơi trên thế giới đều đang hướng tới nhằm giải phóng sức lao động. Bản thân tôi cũng muốn thử sức dù chỉ là một sản phẩm nhỏ. Ở mô hình thử nghiệm, máy bay phun thuốc sâu không người lái được lập trình để kết nối với điều khiển, điện thoại thông minh. Máy có thể mang bình chứa 3 lít, thực hiện việc phun thuốc sâu hoặc chụp ảnh, quay phim. Nếu áp dụng vào thực tế, máy được thiết kế với kích thước lớn hơn có thể mang bình chứa 20 lít và thực hiện thêm các nhiệm vụ như: rải phân, cứu hỏa, vận chuyển đồ... Hiện tại, qua thử nghiệm, máy đã phun tưới thành công trên ruộng lúa của gia đình. Máy bay phun thuốc sâu không người lái có thể chịu đựng được sức gió cấp 3, không giới hạn độ cao, bán kính, bay có thể đạt 5km tùy theo việc lập trình nhưng nếu bay quá xa phải bay trên bản đồ bởi mắt thường sẽ không thể nhìn thấy để điều khiển.

Để nghiên cứu, lắp ráp máy bay phun thuốc sâu không người lái, hầu hết các linh kiện, anh Trần Văn Thành phải đặt mua từ các nước Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, trong đó có các bộ phận quan trọng như: mạch điều khiển trung tâm, tay điều khiển, động cơ... Việc lập trình, lắp ráp máy được anh Thành thực hiện trong thời gian hơn một tháng. Khó nhất đối với chàng trai trẻ đam mê công nghệ là việc điều chỉnh chế độ bay cho phù hợp sức gió, độ cao và bán kính bay. 

Anh Trần Văn Thành cho biết: Do hầu hết các thiết bị phải nhập từ nước ngoài khiến chi phí sản xuất máy cao. Để điều khiển được máy, người dân cần phải được đào tạo.

Máy bay phun thuốc sâu không người lái là sản phẩm hữu ích, rất phù hợp với những cánh đồng mẫu lớn song điều mà anh Thành băn khoăn là giá sản phẩm cao, chi phí bỏ ra lớn so với thu nhập của người nông dân. Theo tính toán sơ bộ sẽ dao động từ 170 - 300 triệu đồng/máy tùy thuộc vào cấu hình, bộ điều khiển, kích cỡ nhưng nếu có nhiều đơn đặt hàng, sản xuất đại trà thì giá thành sẽ rẻ hơn. Hiện tại, anh Thành vẫn đang ấp ủ dự định nâng cấp máy cấy, máy phun thuốc sâu nhỏ gọn, hiệu suất cao, không dùng sức người.

Mạnh dạn đầu tư, dành thời gian nghiên cứu để bắt nhịp với xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đó là điều Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh Đại Nghĩa đã làm. Đây là điều đáng khích lệ ở một công ty có quy mô hoạt động không lớn, góp phần đưa công nghệ 4.0 vào nông nghiệp.

Máy trộn gạo dinh dưỡng của Công ty TNHH Liên Hạnh (Vũ Thư).

Chủ động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh

Tập trung xây dựng vùng nguyên liệu sạch, đầu tư trang thiết bị hiện đại vào sản xuất nhằm cho ra đời những sản phẩm chất lượng như: gạo không hóa chất, gạo dinh dưỡng, bún tươi, bún khô và phở ăn liền, đó là hướng đi mà Công ty TNHH Liên Hạnh (Vũ Thư) đang thực hiện để khẳng định thương hiệu riêng của mình. Tính đến nay, đơn vị đã đầu tư khoảng 150 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị hiện đại, lắp đặt hệ thống tự động và bán tự động vào sản xuất, trong đó nổi bật là máy tách màu gạo, hệ thống nồi hơi, máy làm bún tươi, bún khô và phở ăn liền. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào xay xát, sản lượng đã đạt 15 tấn thóc/giờ. Nếu so với trước đây, sản lượng này bằng một ngày xay xát của hơn 10 lao động. Không chỉ tăng sản lượng, số nhân công lao động từ khâu làm thóc, xay xát, đóng bao cũng giảm 50%. Mỗi tháng, công ty cung ứng ra thị trường 1.800 - 2.000 tấn gạo, trong đó đã xuất khẩu sang Malaysia, Trung Quốc, Philippines và một số nước châu Phi. Công ty đang tập trung sản xuất gạo dinh dưỡng bằng hệ thống máy trộn gạo dinh dưỡng. Đây là loại gạo có bổ sung sắt, kẽm dùng cho người đang mang bầu, trẻ mầm mon và người già.

Ông Trần Hữu Hạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Liên Hạnh chia sẻ: Cùng với hệ thống xay xát tự động và bán tự động, công ty đã đầu tư khoảng 40 tỷ đồng mua hệ thống máy làm bún tươi, bún khô và phở ăn liền. Đây là một trong những hệ thống sản xuất bún, phở hiện đại chưa có ở Thái Bình. Hiện tại, những công việc còn lại để chuẩn bị vận hành hệ thống máy làm bún tươi, bún khô và phở ăn liền đang được đơn vị hoàn tất nhằm sớm sản xuất đại trà, đưa sản phẩm ra thị trường.

Công nghệ 4.0 không chỉ xuất hiện trong các đơn vị xay xát lúa gạo, ở ngành dệt may, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã đầu tư hệ thống tự động vào sản xuất, từng bước tiếp cận công nghệ cao như: Công ty Cổ phần C.F toàn cầu Thái Bình, Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao MXP... Đây là giải pháp giúp doanh nghiệp hạn chế tác động của chi phí nhân công, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh hàng hóa trên thị trường. Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự hội tụ của một loạt các công nghệ mới xuất hiện dựa trên nền tảng kết nối và công nghệ số, được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực. Bởi vậy, ngoài sản xuất, không khó để dễ dàng nhận thấy công nghệ 4.0 xuất hiện cả trong hoạt động vận tải hành khách thông qua App trên điện thoại thông minh. Ở ngành Nông nghiệp, ngành Y tế, Bảo hiểm xã hội, ngân hàng với phần mềm tin học ngày càng được nâng cấp, công nghệ tự động hóa được ứng dụng nhằm phục vụ người dân tốt hơn.

Bắt nhịp cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển, đó là giải pháp tất yếu mà các ngành, đơn vị, doanh nghiệp cần thực hiện. Bởi điều này là xu hướng chung của toàn thế giới. Sự có mặt của cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trong tương lai.

Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày