Thứ 3, 23/07/2024, 11:29[GMT+7]

Bình Chiêm an quốc

Thứ 2, 02/11/2020 | 08:55:19
7,799 lượt xem
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa quân sự thời Trần, kế sách “Bình Chiêm an quốc” thực chất là “kê khai hộ khẩu và ruộng đất” để huy động sức dân vào cuộc kháng chiến, dân đinh phải nộp tiền, ruộng đất tùy loại mà nộp thuế… nắm chắc dân đinh để tuyển thêm lính và tác giả của kế sách này là Hành khiển (Đại tướng quân), Tả tham mưu quân sự Đỗ Tử Bình (1324 - 1381), người làng Tứ, tổng Cao Mỗ, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng (nay là xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng).

Dấu tích văn hóa Chămpa trong đền thờ các vua Lê (Thuần Mỹ Điện), khu Mẽ, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà.

Theo các nguồn khảo luận, đầu triều Trần, khi Trần Thủ Độ đem quân chinh phạt Chiêm Thành, bắt được nhiều tù binh mang ra ngoài Bắc (Đại Việt). Ngoài việc thu nạp thêm đất đai, Thái sư Trần Thủ Độ còn “quan tâm” đến những giống lúa dẻo ngon, sai bông, trĩu hạt của người Chiêm, ông lệnh cho quân lương lấy giống đem về Đại Việt gieo trồng nhằm tăng cường lương thảo cho triều đình và từ đó dân gian quen gọi là giống lúa Chiêm, vụ lúa Chiêm… và lăng mộ của Trần Thủ Độ ở làng Phù Ngự, xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà vẫn còn nhiều linh vật và đồ tế khí mang đậm bản sắc văn hóa Chiêm Thành… Tiếp đến đời vua Trần Dụ Tông, quan Thị Giảng Ngự Tiền, học sinh Đỗ Tử Bình được triều đình “sung” làm “võ quan” trực tiếp đem quân chinh phạt Chiêm Thành và tham gia xây dựng phòng tuyến phía Nam bảo vệ đất nước. Những năm tháng chinh chiến bình Chiêm, Đỗ Tử Bình đúc rút được nhiều bài học quân sự. Ông đã cùng một số tướng sĩ nhà Trần tham gia xây dựng phòng tuyến phía Nam viết nên kế sách “Bình Chiêm an quốc” được coi là kế sách quân sự hữu ích.

Các tài liệu khảo cứu cho biết: Cuối thời Lý, khi nhà nước quân chủ suy yếu, rệu rã, vua mải mê tửu sắc không “màng chi” phòng vệ. Lợi dụng cơ hội ấy, Chiêm Thành thường đem thuyền nhẹ tiến ra Đại Việt cướp bóc cư dân ven biển. Thời Trần quân Chiêm Thành luôn là mối lo thường trực của triều đình. Lịch sử ghi nhận, khi vua Trần Thái Tông (1226 - 1258) lên ngôi, thực hiện chính sách “Nhu viễn” nghĩa là “Phủ dụ, đối xử mềm dẻo với người phương xa” thường sai sứ giả xuống Chiêm Thành giao hảo. Vua Chiêm thường sai sứ thần sang cống Đại Việt nhưng luôn có ý định “đòi lại đất ba châu” mà vua Chế Củ của Chiêm Thành đã dâng cho Đại Việt vào năm 1069 dưới thời vua Lý Thánh Tông. Cả ba châu ấy sau đổi thành Lâm Bình, Minh Linh, Bố Chính (thuộc Quảng Bình và bắc Quảng Trị ngày nay). Trước hành động và ý đồ của người Chiêm và để giữ vững vùng đất đã sáp nhập vào Đại Việt hơn 80 năm trước, năm 1252 vua Trần Thánh Tông quyết định phát binh đi đánh Chiêm Thành. Cuộc “Nam chinh bình Chiêm” này của vua Trần Thái Tông kéo dài đúng 1 năm, từ tháng Giêng đến tháng Chạp năm Nhâm Tý (1252) tức là sang tháng 1 năm 1253 (dương lịch). Quân đội nhà Trần dưới sự chỉ huy trực tiếp của vua Trần Thái Tông đã đại thắng, bắt được vương phi Chiêm Thành là Bố Đà La và rất nhiều tù binh đem về Đại Việt.

Trong chuyến điền dã tìm hiểu về sự giao thoa văn hóa Chăm đối với văn hóa Đại Việt qua các thời nhà Lý, nhà Trần và nhà hậu Lê trên đất Thái Bình, nhóm nghiên cứu chúng tôi tìm về làng Mỹ Xá (nay là khu Mỹ Xá, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà) thăm đền thờ các vua Lê (hay còn gọi là Thuần Mỹ Điện). Họa sĩ Nguyễn Hồng Quý, cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quê làng Mẽ (Mỹ Xá) đã nghỉ hưu, người có công phục chế tượng nô tì người Chăm ở đền thờ các vua Lê dẫn đi tham quan di tích. Ông cũng “khoe” với chúng tôi nhiều tượng gốm, đồ gốm và hoa văn trang trí bằng đất nung mang đậm nét văn hóa Chămpa mà ông sưu tầm được, dấu tích còn lưu lại của tộc người Chăm từng bị bắt làm tù binh thời vua Lê Thánh Tông ở vùng đất cổ Long Hưng. Để xác định chính xác thời vua Lê Thánh Tông khi chinh phạt phương Nam đem người Chiêm bị bắt làm tù binh đưa về khu vực Thuần Mỹ Điện làm “nô lệ”, “trục quy chiếu” phải có ba thiết chế và ba trung tâm tính theo dòng chảy của các dòng sông (sông Hồng, sông Luộc, sông Trà, sông Thái Bình…) đổ ra biển là: trung tâm tôn giáo (hay là thánh địa) như khu lăng mộ các vua Trần ở Thái Đường (Tiến Đức, Hưng Hà), Thuần Mỹ Điện ở Hưng Nhân; trung tâm chính trị (hay là thành cổ, thường ở vùng đồng bằng hạ lưu và ở phía Nam dòng sông) như hành cung Ngự Thiên hoặc trung tâm kinh tế thương nghiệp (thường là các cảng nơi cửa sông như Hải Thị thuộc Tân Lễ, Hưng Hà)… thì Long Hưng thời Trần hay Thuần Mỹ Điện thời hậu Lê đều hội đủ ba yếu tố trên và vì vậy có rất nhiều dấu tích cổ của nền văn hóa Chăm còn lưu lại nơi đây, điển hình như tượng nô tì người Chiêm canh giữ Thuần Mỹ Điện. Mặc dù không tìm thấy tài liệu ghi chép cụ thể nào về công lao của Thái sư Trần Thủ Độ cùng đội quân nhà Trần (đầu thế kỷ XIII) khi đánh Chiêm Thành bắt được nhiều tù binh cùng giống lúa của người Chiêm mang về Đại Việt thuần chủng, thế nhưng tại lăng mộ của Trần Thủ Độ, làng Phù Ngự, xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà có rất nhiều tượng những linh vật như hổ đá, dơi đá… và có lẽ khi Thái sư Trần Thủ Độ mất, triều đình nhà Trần có thể tùy táng rất nhiều chiến lợi phẩm ghi dấu chiến chinh “kinh bang tế thế” của Thái sư khi “mang gươm đi mở đất” và giữ gìn giang sơn gấm vóc, nay do thất lạc không còn nữa. Theo sách của nhà bác học, danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn (thế kỷ XVIII) viết: “…còn lúa Cái hạ bạch thì mãi đến đời Chân Tông (998 - 1022) nhà Tống mới sai sứ sang Chiêm Thành lấy 3 vạn hộc lúa Đạo đem về phân phát cho các đạo (các tỉnh) nên mới có giống lúa ấy. Giống lúa này gọi là Tiên (thứ lúa 8 cánh, chín sớm)”. Những kết quả nghiên cứu cho thấy truyền ngôn dân gian về giống lúa Chiêm do Thái sư Trần Thủ Độ mang về từ Chiêm Thành hay vụ Chiêm trong canh tác nông nghiệp thành câu “cửa miệng” của người dân quê lúa Thái Bình là có cơ sở.

Kế sách quân sự của Đỗ Tử Bình thuở “ngàn xưa” ấy mà ông đã đề cập đến kỹ thuật làm đường ngầm qua các sông, lạch giúp quân lính và ngựa chiến, voi chiến, chiến xa… qua sông không phải cầu đò, không bị nguột nước. Đỗ Tử Bình với tài trí thông minh, kinh nghiệm xử lý địa hình sông nước, nét đặc trưng nổi bật của địa hình Đại Việt địa thế sông ngòi chằng chịt, ông đã soạn dâng kế sách “Bình Chiêm an quốc” góp phần vào chiến thắng quân Chiêm giữ yên bờ cõi phía Nam và cũng vì vậy cuối đời Đỗ Tử Bình vẫn được triều đình phong kiến nhà Trần thăng chức Hành khiển. Truyền thống bình Chiêm vẫn duy trì và giữ vững biên cương Đại Việt sang đến thời nhà Lê. Sử cũ chép: “Tháng 8 năm Canh Dần (1470), Chiêm vương Trà Toàn đem hơn 10 vạn quân thủy bộ cùng voi và ngựa chiến đánh úp Hóa Châu… Nhân cơ hội ấy, vua Lê Thánh Tông huy động trai tráng trong nước từ 15 tuổi trở lên sung quân được 26 vạn, rồi ban “Sách lược bình Chiêm”. Hai tướng Đinh Liệt và Lê Niệm dẫn 10 vạn thủy binh đi trước, còn lại 16 vạn quân do vua thân hành chỉ huy đi sau…”.


Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Dưới các triều vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông việc bang giao giữa nước ta với nước Chămpa rất tốt đẹp. Năm 1301, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã vào Chiêm Thành, được vua Chiêm là Chế Mân trân trọng đón tiếp. Vua rất yêu quý ông vua trẻ Chiêm Thành đã hứa gả con gái yêu Huyền Trân cho Chế Mân và hẹn 4 năm sau mang sính lễ sang vì lúc đó công chúa mới 14 tuổi. Năm 1306, Chế Mân xin dâng đất Châu Ô, Châu Lý, làm sính lễ, vua Anh Tông mới quyết cho Huyền Trân công chúa về với vua Chămpa.

Họa sĩ Nguyễn Hồng Quý, khu Mẽ, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà
Năm 1981, các cụ cao niên làng Mỹ Xá, xã Phú Sơn (nay là khu Mẽ, thị trấn Hưng Nhân) có nhờ tôi tu tạo lại hai tượng người Chiêm canh giữ ngôi đền thờ các vua Lê hay còn gọi là Thuần Mỹ Điện bị kẻ gian lấy cắp. Cùng thời điểm ấy, người dân trong lúc cày ruộng đã vô tình phát hiện lăng mộ cổ và nhiều hiện vật gốm đất nung thời Trần, Lê trong đó có rất nhiều cổ vật mang đậm dấu ấn văn hóa Chămpa.

Ông Nguyễn Mạnh, thủ từ đền vua Lê, khu Mẽ, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà
Tôi đã từng nghe các cụ nhà tôi kể, xưa kia vùng Ngự Thiên (nay là thị trấn Hưng Nhân) có rất nhiều người Chiêm Thành bị vua Lê bắt làm tù binh đưa về đây làm nô lệ. Họ cũng mang theo những tục lệ văn hóa của người Chiêm giao hòa với văn hóa người Việt mình.

Quang Viện