Thứ 6, 19/04/2024, 22:04[GMT+7]

Giữ chân tài năng trẻ

Thứ 2, 01/03/2021 | 15:23:26
9,167 lượt xem
Ở những lĩnh vực đặc thù như thể thao, nghệ thuật, việc phát hiện, đào tạo được tài năng đã khó nhưng để giữ chân tài năng càng khó hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh việc huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho lĩnh vực thể thao, nghệ thuật ở tỉnh ta chưa cao và phía sau niềm vui từ những tấm huy chương, các tài năng trẻ vẫn luôn vướng bận nỗi lo cơm áo gạo tiền...

Các chương trình nghệ thuật đặc sắc của Nhà hát Chèo Thái Bình đều có sự tham gia của các tài năng nghệ thuật trẻ.

Gian nan chặng đường đưa bóng chuyền bứt phá

Năm 2020, dù lực lượng mỏng, kinh phí ít nhưng bóng chuyền Thái Bình đã có thành tích đáng tự hào, đó là đoạt chức vô địch giải bóng chuyền hạng A toàn quốc - dấu mốc đưa bóng chuyền Thái Bình chính thức trở lại đường đua chuyên nghiệp, nằm trong top 10 đội bóng chuyền mạnh nhất của cả nước. Tuy nhiên, bài toán đặt ra đối với câu lạc bộ (CLB) bóng chuyền Thái Bình hiện nay là, bên cạnh việc đào tạo lớp tài năng kế cận cho những đàn chị đã có bề dày kinh nghiệm thi đấu, còn là việc “giữ chân” tài năng trẻ. Thực tế cho thấy, công tác đào tạo vận động viên (VĐV) trẻ của chúng ta không thua kém các địa phương có thế mạnh về bóng chuyền trong cả nước nhưng việc “giữ chân” các tài năng tiếp tục yên tâm cống hiến với đội bóng là hành trình gian nan.

Để chuẩn bị cho mùa giải 2021 khởi tranh sau tết Nguyên đán Tân Sửu, các cô gái của bóng chuyền Thái Bình vẫn bền bỉ tập luyện hàng ngày tại nhà thi đấu Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao tỉnh. Chia sẻ về hành trình sắp tới của đội bóng ở đường đua chuyên nghiệp, HLV trưởng Trần Văn Giáp không khỏi lo lắng: Ở các CLB khác trong top 10 đội mạnh của cả nước đều có kinh phí hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa, vậy nên chế độ đãi ngộ cho các VĐV rất tốt. Bên cạnh đó, cũng chính nhờ nguồn kinh phí này mà các CLB đều có chính sách thu hút VĐV giỏi từ các tỉnh, thành phố trong cả nước, thậm chí cả VĐV ngoại để bổ sung lực lượng cho đội bóng. Trong khi đó, CLB của chúng ta đều phải dựa vào nguồn VĐV được đào tạo tại chỗ. Hiện nay, nhiều VĐV đã lớn tuổi nhưng vì chưa có lớp đàn em kế cận đủ khả năng gánh vác trọng trách của đội bóng nên vẫn phải tiếp tục thi đấu. Bên cạnh đó, công tác đào tạo VĐV trẻ cũng gặp khó khăn vì các em có tiềm năng đều có nhiều sự lựa chọn ở những đội bóng có chế độ đãi ngộ tốt hơn. Vậy nên, dù công tác tuyển chọn, đào tạo của chúng ta rất tốt thì việc chiêu mộ, giữ chân được các tài năng trẻ cũng rất gian nan.

Chia sẻ về những giải pháp góp phần tháo gỡ khó khăn cho bóng chuyền Thái Bình trong giai đoạn hiện nay, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Ngay trong năm 2021, Sở sẽ tham mưu với tỉnh ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho bóng chuyền. Bên cạnh đó, cũng sẽ nỗ lực phối hợp với các ngành liên quan để tìm các nhà tài trợ đồng hành cùng bóng chuyền Thái Bình.

Tạo môi trường làm việc thuận lợi cho các tài năng nghệ thuật trẻ

Cũng trong năm 2020, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều chương trình nghệ thuật phải tạm dừng nhưng vượt qua khó khăn, các nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Chèo Thái Bình vẫn hăng say tập luyện, đạt giải cao tại các hội thi tài năng trẻ toàn quốc như: giải nhất độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc, giải vàng cuộc thi tài năng trẻ diễn viên chèo toàn quốc, 2 giải tài năng triển vọng của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam… Bên cạnh đó, với phương châm bảo tồn nghệ thuật truyền thống bằng con người, các nghệ sĩ trẻ cũng góp phần tích cực vào những chương trình nghệ thuật thường niên của nhà hát, trong đó có việc dàn dựng thành công những ca khúc mới về Thái Bình và phục dựng nhiều vở chèo cổ, nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc phục vụ khán giả trong tỉnh.

Ông Vũ Ngọc Cải, Giám đốc Nhà hát Chèo Thái Bình cho biết: Điều đáng mừng là hiện nay Nhà hát đang đào tạo được một đội ngũ nghệ sĩ trẻ rất có triển vọng, có niềm đam mê và tài năng nghệ thuật. Với quá trình đào tạo bài bản từ Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật, Nhà hát Chèo và việc được truyền nghề từ thế hệ các NSND, NSƯT của quê lúa, hiện nay, các nghệ sĩ trẻ của Nhà hát đều có bản lĩnh sân khấu tốt, sẵn sàng đảm nhận những vai diễn chính. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nhiều nghệ sĩ trẻ của Nhà hát đều là quân số hợp đồng. Chính vì thế, để góp phần ổn định cuộc sống cho các nghệ sĩ trẻ an tâm cống hiến cho sân khấu, Nhà hát nỗ lực xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật, phục vụ khán giả trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó là việc liên tục bồi dưỡng, tạo điều kiện để nghệ sĩ trẻ được tham gia các cuộc thi nghệ thuật toàn quốc, giúp họ được cọ xát, thể hiện niềm đam mê, tài năng nghệ thuật. Việc hiện nay nhiều nghệ sĩ trẻ của Nhà hát đã đạt được huy chương tại các cuộc thi toàn quốc cũng là điều kiện cần thiết cho quá trình xét công nhận các danh hiệu của họ trong tương lai.

Với sự nỗ lực từ các đơn vị, sự quan tâm của các cấp, ngành, hy vọng các tài năng trẻ trong lĩnh vực nghệ thuật, thể thao sẽ an tâm công tác, cống hiến để góp phần làm nổi danh hơn mảnh đất, con người Thái Bình.

Tú Anh