Chủ nhật, 28/07/2024, 21:32[GMT+7]

Nga có số ca tử vong vì Covid-19/ngày cao nhất, hơn 50% trường học toàn cầu mở lại học trực tiếp

Thứ 2, 11/10/2021 | 08:17:44
331 lượt xem
Đến sáng 11/10, thế giới có trên 238,6 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,86 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Đến nay, hơn 238,6 triệu người trên toàn cầu đã mắc COVID-19.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 45,2 triệu ca mắc và hơn 733.200 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 10/10, Bộ Y tế nước này thông báo ghi nhận trên 19.000 ca mắc mới COVID-19 và 193 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 33,97 triệu người mắc COVID-19, bao gồm gần 450.800 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 600.800 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 21,56 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Tại Nga, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 962 ca tử vong, mức cao nhất trong 1 ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Ngoài ra, Nga cũng ghi nhận hơn 28.600 ca mắc mới COVID-19 trong ngày qua, nâng tổng số người nhiễm lên trên 7,77 triệu trường hợp. Nguyên nhân khiến tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, theo giới chức Nga vẫn là do tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Tính đến cuối tuần này, chỉ hơn 34% trong số 146 triệu người Nga được tiêm ít nhất một mũi vaccine COVID-19, hơn 30% đã được tiêm chủng đầy đủ. Hiện Chính phủ Nga tiếp tục tăng cường các biện pháp nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về vấn đề tiêm chủng ngừa COVID-19.

Vaccine Sputnik V của Nga đã được sử dụng ở 70 quốc gia trên thế giới nhưng chưa được WHO phê duyệt cho sử dụng toàn cầu. Trong lúc vaccine Sputnik V đang đợi để được WHO phê duyệt, ngày càng nhiều người dân Nga đổ sang nước láng giềng Serbia để tiêm vaccine.

Số người trẻ tuổi mắc hội chứng COVID kéo dài tại Anh hiện cao gần gấp đôi những người trên 70 tuổi. Số liệu vừa được Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh công bố. Cụ thể, trong 4 tuần tính đến ngày 5/9, ước tính 1,1 triệu người Anh đã mắc chứng COVID kéo dài. Đáng chú ý, số thanh niên trong độ tuổi từ 29 - 35 mắc COVID kéo dài là 2,3%, trong khi tỷ lệ ở những người trên 70 tuổi vào khoảng 1,1%.

Hội chứng COVID kéo dài là tình trạng bệnh nhân có các triệu chứng tồn tại hơn 4 tuần sau khi mắc COVID-19 cấp tính, trong đó có mệt mỏi, khó thở, mất khứu giác, đau cơ, khó ngủ và đau đầu.

Nga có số ca tử vong vì COVID-19/ngày cao nhất, hơn 50% trường học toàn cầu mở lại học trực tiếp - Ảnh 1.

Số người trẻ tuổi mắc hội chứng COVID kéo dài tại Anh hiện cao gần gấp đôi những người trên 70 tuổi. (Ảnh: AP)

Thái Lan sẽ mở cửa thêm 5 địa điểm du lịch cho du khách đầu tháng 11 với điều kiện cho tới thời điểm đó không có ổ dịch COVID-19 lớn nào trong các khu vực này. Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho biết, những khu vực sẽ được mở cửa từ ngày 1/11 gồm Bangkok, Chiang Mai (các huyện Muang, Mae Rim, Mae Taeng và Doi Tao), Prachuap Khiri Khan (huyện Hua Hin), Phetchaburi (huyện Cha-am) và Chon Buri (các huyện Pattaya, Bang Lamung và Sattahip).

Quyết định của Chính phủ Thái Lan được đưa ra theo sau sự thành công của chương trình "Hộp cát Phuket", vốn mang về 2,33 tỷ Baht (68,83 triệu USD) cho nền kinh tế Thái Lan trong 3 tháng qua kể từ khi ra mắt vào tháng 7.

Ngày 10/10, Thái Lan ghi nhận thêm 10.817 ca mắc mới cùng 84 trường hợp tử vong. Đến nay, tổng số ca nhiễm từ đầu dịch tại nước này là trên 1,7 triệu trường hợp, trong đó có gần 17.700 người không qua khỏi. Thủ đô Bangkok vẫn là địa phương có số ca mắc mới cao nhất với 1.185 trường hợp được báo cáo trong ngày 10/10.

Ngày 10/10, Bộ Y tế Lào thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 508 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 507 trường hợp cộng đồng, còn lại người nhập cảnh được cách ly ngay. Như vậy, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 28.540 trường hợp; trong đó có 26 người tử vong.

Ủy ban chuyên trách về phòng ngừa COVID-19 của Lào kêu gọi, người dân thuộc nhóm có nguy cơ cao đến các cơ sở y tế để được cung cấp vaccine ngừa COVID-19. Bộ này khẳng định, tiêm chủng là biện pháp quan trọng để phòng ngừa lây nhiễm và giảm các triệu chứng nặng của bệnh.

Singapore sẽ mở cửa biên giới cho thêm 8 quốc gia, cho phép hành khách tiêm chủng đầy đủ hai liều vaccine ngừa COVID-19 từ các nước trên được nhập cảnh vào nước này mà không phải cách ly. Thông tin về kế hoạch trên được Chính phủ Singapore công bố bất chấp số ca nhiễm hàng ngày tại nước này tiếp tục tăng cao.

Theo kế hoạch vừa được Chính phủ Singapore công bố, kể từ ngày 19/10, những hành khách đã tiêm đủ 2 liều vaccine đến từ Canada, Đan Mạch, Pháp, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh và Mỹ có thể đến Singapore theo cơ chế "Làn xanh vaccine". Theo đó, các hành khách chỉ phải làm xét nghiệm 2 lần trước khi khởi hành và sau khi nhập cảnh tại sân bay, nếu kết quả âm tính sẽ được tự do đi lại mà không phải cách ly. Như vậy, cùng với Đức, Brunei và Hàn Quốc được công bố trước đó, Singapore mở "Làn xanh vaccine" với tổng cộng 11 nước.

Bộ Y tế Malaysia cập nhật dữ liệu cho thấy, có 89,7% dân số trưởng thành của quốc gia này đã hoàn thành tiêm phòng COVID-19, tương đương với khoảng 66% dân số.

Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob tại cuộc họp báo chiều 10/10 đã tuyên bố dỡ bỏ Lệnh cấm dịch chuyển liên bang từ ngày 11/10. Điều này đồng nghĩa với việc mọi người dân Malaysia đã hoàn thành tiêm chủng có thể tự do đi lại trong và ngoài nước. Những công dân Malaysia trở về từ nước ngoài vẫn phải cách ly bắt buộc 14 ngày, trường hợp đã hoàn thành tiêm chủng sẽ được cách ly tại nhà. Tuy nhiên, việc dỡ bỏ sắc lệnh này không được áp dụng đối với những khu vực đang phải áp đặt Lệnh kiểm soát dịch chuyển tăng cường (EMCO).

Nga có số ca tử vong vì COVID-19/ngày cao nhất, hơn 50% trường học toàn cầu mở lại học trực tiếp - Ảnh 2.

89,7% dân số trưởng thành ở Malaysia đã hoàn thành tiêm vaccine COVID-19. (Ảnh: AP)

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cam kết sẽ tăng cường hệ thống y tế của nước này thông qua việc chỉ định thêm nhiều bệnh viện công tham gia điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Ông Kishida cho biết, cần tạo ra môi trường để người lao động làm việc trong lĩnh vực y tế cảm thấy yên tâm và Chính phủ cần cải thiện thu nhập của những lao động này.

Hiện số ca nhiễm mới tại Nhật Bản đang có xu hướng giảm sau khi ghi nhận mức cao kỷ lục vào cuối tháng 8 vừa qua. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn lo ngại nguy cơ xảy ra làn sóng dịch mới.

Giới chức Hàn Quốc ngày 10/10 cảnh báo, số ca mắc mới COVID-19 có thể tăng đột biến trong và sau kỳ nghỉ lễ Ngày sáng tạo chữ Hàn Hangeul (9/10). Ngày 10/10, nước này ghi nhận 1.594 ca mắc mới, nâng tổng số người nhiễm tại nước này lên 331.519 trường hợp. Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 15 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số lên 2.575 bệnh nhân. Tỷ lệ tử vong tại Hàn Quốc hiện là 0,78%. Trước đó, Hàn Quốc cũng đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng mạnh sau kỳ nghỉ Tết Trung thu.

Trước tình hình dịch bệnh có nguy cơ lây lan nhanh, Hàn Quốc đã quyết định gia hạn thêm 2 tuần các quy định giãn cách xã hội tại khu vực thủ đô Seoul, nơi có tới 51 triệu người sinh sống. Khu vực thủ đô Seoul đã thực hiện các biện pháp phòng dịch cấp độ 4 kể từ giữa tháng 7 vừa qua, bao gồm các lệnh cấm tụ tập quá 3 người sau 18h hàng ngày.

Hàn Quốc có kế hoạch hoàn thành việc tiêm chủng cho 70% dân số vào cuối tháng 10 và dần triển khai chương trình "sống chung với COVID-19" vào đầu tháng 11 tới. Chính phủ Hàn Quốc ngày 10/10 cho biết, trong tuần tới sẽ thành lập nhóm công tác triển khai việc chuyển về trạng thái "bình thường mới" sống chung với COVID-19, trong đó đẩy mạnh tiến độ tiêm vaccine. Nhóm công tác do Thủ tướng Kim Boo-kyum đứng đầu và sẽ tổ chức có cuộc họp đầu tiên trong tuần tới.

Nước này bắt đầu tiếp nhận đặt lịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi kể từ đầu tháng 10. Đối tượng được khuyến nghị nên tiêm chủng là những thanh thiếu niên có bệnh lý nền như tiểu đường, béo phì, tim mạch, bệnh hô hấp mãn tính, do nguy cơ diễn biến nặng khi mắc COVID-19 cao gấp 2 lần so với trẻ đồng trang lứa khỏe mạnh bình thường. Thanh thiếu niên khỏe mạnh có thể tiêm phòng vaccine theo nguyện vọng cá nhân và người bảo hộ.

Theo thống kê của Bloomberg, tính đến 9h ngày 10/10, đã có hơn 6,48 tỷ liều vaccine COVID-19 được tiêm tại 184 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trung bình mỗi ngày 27,7 triệu liều vaccine đã được tiêm. Nếu duy trì mức tiêm này, trong 6 tháng tới, độ phủ vaccine đạt 75% dân số toàn cầu.

Bloomberg nhấn mạnh, mặc dù tổng số 6,48 tỷ liều đã được tiêm cho 42,2% dân số thế giới nhưng vẫn tồn tại khoảng cách lớn về phân bổ vaccine giữa các nước giàu và những quốc gia nghèo. Cụ thể, tiến độ tiêm chủng tại các quốc gia và vùng lãnh thổ có thu nhập cao nhất vẫn nhanh gấp 20 lần so với các nước có thu nhập thấp nhất.

19 tháng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát buộc các trường học trên thế giới phải đóng cửa, đến nay mới chỉ có một nửa số trường học trên toàn cầu mở lại các lớp học trực tiếp, trong khi đa số còn lại tiến hành giảng dạy theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. 80% các trường học trên thế giới đang trong kỳ học thường niên. Trong số này, 54% đã quay lại dạy và học trực tiếp, 34% áp dụng kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến. Có 10% các trường tiếp tục dạy từ xa, trong khi có 2% tạm ngừng dạy học.

Năm 2020, đại dịch COVID-19 làm gián đoạn việc học tập của 1,6 tỷ trẻ em, tương đương 75% trẻ em trong độ tuổi đến trường.

Theo vtv.vn