Chủ nhật, 28/07/2024, 13:28[GMT+7]

Số ca tử vong vì Covid-19 tại Nga vẫn trên ngưỡng 1.200, Lào ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới

Thứ 2, 15/11/2021 | 08:07:12
939 lượt xem
Đến sáng 15/11, thế giới có trên 253,98 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,11triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Đến nay, hơn 253,98 triệu người trên toàn cầu đã mắc COVID-19.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 47,9 triệu ca mắc và hơn 783.500 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Mỹ đã triển khai hơn 9,5 triệu liều vaccine COVID-19 trong 7 ngày qua, đây là số liều vaccine được tiêm hàng tuần cao nhất ở nước này kể từ cuối tháng 5. Đây là thông tin do một quan chức Nhà Trắng cho biết vào ngày 13/11. Trên 226 triệu người tại Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, trong khi hơn 194,95 triệu người đã được tiêm chủng đầy đủ tính đến 6h ngày 13/11 (theo giờ địa phương).

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tính đến ngày 14/11, nước này ghi nhận tổng cộng trên 34,4 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 463.500 trường hợp thiệt mạng.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 611.200 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 21,95 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Nga ngày 14/11 đã ghi nhận 38.823 ca mắc và hơn 1.219 người tử vong vì COVID-19. Đây là ngày thứ 6 liên tiếp số ca tử vong trong ngày ở Nga vượt qua con số 1.200 người. Trước đó, vào ngày 13/11, Nga ghi nhận 1.241 ca tử vong, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Nga vẫn đang ở mức căng thẳng, buộc chính quyền nước này phải tiếp tục đưa ra các biện pháp chống dịch quyết liệt hơn, trong có dự luật mã QR.

Dự luật mã QR vừa được Chính phủ trình lên Hạ viện Nga nhằm thống nhất việc sử dụng mã QR trên toàn quốc. Nếu dự luật được thông qua, kể từ ngày 1/2/2022, người dân Nga buộc phải có mã QR xác nhận đã tiêm phòng hoặc đã nhiễm COVID-19 để đi cửa hàng, nhà hàng, tham gia phương tiện giao thông hay có mặt tại các sự kiện công cộng.

Theo Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova, nước này đã lập ra giai đoạn chuyển tiếp từ nay cho tới ngày 1/2/2022 để thúc đẩy việc tiêm vaccine phòng COVID-19. Trrong giai đoạn này, người dân Nga có thể sử dụng các xét nghiệm PCR âm tính thay mã QR.

Tính đến thời điểm này, ở Nga đã có hơn 63 triệu người tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong đó có gần 58 triệu người đã hoàn thành chương trình tiêm chủng. Tỷ lệ miễn dịch cộng đồng đạt được gần 50%. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Nga đến nay là trên 9 triệu, bao gồm 255.386 trường hợp thiệt mạng, cao thứ 4 trên thế giới sau Mỹ, Brazil và Ấn Độ.

Số ca tử vong vì COVID-19 tại Nga vẫn trên ngưỡng 1.200, Lào ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới - Ảnh 1.

Số ca tử vong do COVID-19 hàng ngày ở Nga vượt qua 1.200 người trong 6 ngày liên tiếp. (Ảnh: AP)

Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo, nước này sẽ phải đối mặt với nhiều tuần khó khăn khi đợt dịch thứ tư đại dịch COVID-19 bùng phát vào mùa đông. Trong bài phát biểu hàng tuần, Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Đức khẩn thiết kêu gọi tất cả những người chưa tiêm hãy cân nhắc lại lập trường vì lợi ích của xã hội. Bà Merkel bày tỏ lo ngại về số ca mắc COVID-19 hàng ngày liên tục tăng lên mức kỷ lục mới và nguy cơ quá tải của hệ thống y tế.

Dù là một trong những nước đầu tiên tại châu Âu khởi động chiến dịch tiêm chủng, hiện tỷ lệ bao phủ vaccine của Đức chỉ là 67%, thấp hơn nhiều so với mức hơn 80% tại Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha hay Ireland.

Ngày 14/11, Australia ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 theo ngày ở mức thấp nhất trong nhiều tuần trở lại đây, trong bối cảnh quốc gia châu Đại Dương này đang nỗ lực ứng phó với làn sóng dịch thứ ba. Theo đó, có thêm 1.113 ca mắc mới và 5 người tử vong tại Australia trong 24 giờ qua. Phần lớn số ca mắc mới và tử vong được ghi nhận tại Victoria, bang đông dân thứ hai của nước này.

Theo số liệu của Bộ Y tế Australia, tính đến hết ngày 13/11, khoảng 90,4% dân số từ 16 tuổi trở lên ở nước này đã tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19 và 83% đã được tiêm phòng đầy đủ. Ngoài ra, hơn 250.000 người đã được tiêm mũi tăng cường. Giới chức Australia ngày 14/11 cho biết, nước này có thể bắt đầu tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi từ năm 2022.

Trong 24 giờ qua, Malaysia đã ghi nhận hơn 5.800 ca nhiễm mới COVID-19, trong đó đa phần là các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Nước này cũng ghi nhận thêm 55 ca tử vong. Bộ Y tế Malaysia cho biết, trong 10 ca tử vong do COVID-19 ở nước này có 4 ca có bệnh lý nền là tiểu đường. Bệnh nhân tiểu đường bị mắc COVID-19 có nguy cơ biến chứng nghiêm trọng hơn, bao gồm cả tình trạng viêm nhiễm và tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao hơn. Theo số liệu thống kê, hiện có gần 20% người trưởng thành ở Malaysia đang sống chung với bệnh tiểu đường. Đáng lo ngại là khoảng một nửa trong số này không biết rằng mình bị mắc bệnh.

Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết, những nỗ lực của Chính phủ nước này nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19 đang bắt đầu mang lại thành quả nhờ sự hợp tác của tất cả các bên cũng như việc thực hiện hiệu quả các chiến lược phòng chống dịch bệnh.

Chính phủ Thái Lan đang lên kế hoạch mở lại các cửa khẩu ở vùng cực Nam của nước này vào ngày 16/12 tới nhằm thúc đẩy du lịch trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày đang giảm xuống. Đến nay, Thái Lan đã mở lại 46 cửa khẩu, trong khi vẫn còn 51 cửa khẩu đóng cửa do đại dịch COVID-19.

Ngày 14/11, nước này ghi nhận 7.079 ca mắc mới cùng 47 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua. Đến nay, tổng số ca mắc từ đầu dịch ở Thái Lan là trên 2 triệu, trong đó có 20.034 bệnh nhân không qua khỏi. Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới cao nhất vào ngày 13/8 với 23.418 ca, trong khi số người tử vong theo ngày cao kỷ lục là 312 bệnh nhân trong ngày 18/8.

Số ca tử vong vì COVID-19 tại Nga vẫn trên ngưỡng 1.200, Lào ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới - Ảnh 2.

Thái Lan đang lên kế hoạch mở lại các cửa khẩu ở vùng cực Nam, thúc đẩy du lịch. (Ảnh: AP)

Ngày 14/11, Bộ Y tế Lào cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 985 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số lên 54.192 trường hợp, trong đó có tới 981 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, còn lại người nhập cảnh được cách ly ngay. Bộ Y tế Lào nêu rõ, số ca mắc mới COVID-19 tại nước này tuy đã giảm xuống mức 3 con số nhưng vẫn ở mức cao. Thủ đô Vientiane tiếp tục đứng đầu cả nước với 489 ca cộng đồng trong một ngày. Hiện số bản được quy định là "vùng đỏ" ở thủ đô Lào tiếp tục tăng cao với 323 bản tại 9 quận. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh như: Luang Prabang, Champasak, Xayaboury…

Bộ Y tế Lào cũng cho biết, nước này ghi nhận thêm 3 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch đến nay lên 99 người. Như vậy, chỉ tính riêng từ đầu tháng 11 đến nay, Lào đã ghi nhận 34 trường hợp qua đời vì COVID-19.

Chiều 14/11, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen thông báo, nước này sẽ chấm dứt cách ly đối với tất cả những người nhập cảnh đã tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ. Campuchia vẫn áp dụng cách ly bắt buộc 14 ngày đối với những người nhập cảnh chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Thủ tướng Hun Sen cho biết, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ của Campuchia đã đạt gần 88% trong tổng số 16 triệu người dân nước này. Trên cơ sở này, Campuchia không cần thực hiện cách ly ngoại trừ trường hợp chưa tiêm vaccine phòng COVID-19. Thủ tướng Hun Sen nêu rõ: "Những người chưa tiêm phòng phải được cách ly trong 14 ngày, nhưng đối với những người đã tiêm 2 mũi vaccine, gồm cả người Campuchia và người nước ngoài, khi nhập cảnh Vương quốc Campuchia không phải thực hiện cách ly".

Theo thông báo của Bộ Y tế Campuchia, ngày 14/11, Campuchia ghi nhận 55 ca nhiễm mới và 6 trường hợp thiệt mạng (trong đó 4 người chưa tiêm vaccine). Cho đến nay, Campuchia đã ghi nhận tổng cộng 119.536 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 2.867 bệnh nhân tử vong. Cho đến ngày 13/11, Campuchia đã tiêm phòng COVID-19 cho 87,82% trên tổng số 16 triệu người dân nước này.

Theo cảnh báo của giới chức y tế Trung Quốc, số ca mắc COVID-19 ở nước này có thể sẽ tăng nhanh vào mùa đông do lo ngại nguy cơ lây nhiễm COVID-19 kết hợp với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như cúm. Để giảm thiểu nguy cơ dịch chồng dịch, Trung Quốc sẽ tiếp tục tập trung vào tiêm mũi vaccine tăng cường cho những nhóm người cần thiết và cố gắng hoàn thành tiêm chủng cho trẻ từ 3-11 tuổi trong năm nay.

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết sẽ hướng dẫn các địa phương phân bổ nguồn lực hợp lý để phối hợp vừa tiêm phòng vaccine COVID-19 vừa tiêm ngừa cúm mùa và các vaccine phòng bệnh về hô hấp khác. Trung Quốc đã cơ bản kiểm soát làn sóng dịch mới.

Ngày 14/11, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 89 ca mắc COVID-19 mới, gồm 70 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 19 người nhập cảnh. Theo NHC, trong số các ca lây nhiễm trong cộng đồng có 60 ca ở tỉnh Liêu Ninh, 3 ở Hà Bắc, tỉnh Hắc Long Long Giang, Giang Tây và Vân Nam mỗi nơi ghi nhận 2 trường hợp, tỉnh Tứ Xuyên 1 bệnh nhân. Tính đến nay, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 98.263 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.636 trường hợp thiệt mạng.

Tại Hàn Quốc, kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2022 sẽ diễn ra vào ngày 18/11 tới. Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Bộ Giáo dục Hàn Quốc áp dụng những quy định đặc biệt để đảm bảo an toàn cho kỳ thi. Tất cả các thí sinh đều được phép dự thi. Nếu bị phát hiện có triệu chứng hoặc xác nhận mắc COVID-19 vào ngày thi, thí sinh sẽ được bố trí phòng thi riêng ngay tại điểm thi. Ngoài ra, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã lập các trung tâm điều trị riêng cho thí sinh dự thi đại học mắc COVID-19 hoặc đang trong giai đoạn tự cách ly để thí sinh yên tâm ôn tập. Thí sinh có thể làm bài thi ngay tại bệnh viện hoặc trung tâm cách ly.

Với 2.418 trường hợp nhiễm được báo cáo trong ngày 14/11, số ca mắc mới COVID-19 ở nước này tiếp tục ở mức trên 2.000 bệnh nhân trong ngày thứ 5 liên tiếp. Trong khi đó, số ca nguy kịch đã lên tới mức cao chưa từng thấy kể từ khi bùng phát dịch với 485 trường hợp. Nước này cũng ghi nhận 20 ca tử vong mới. Tháng 11, Hàn Quốc đã bước vào giai đoạn 1 trong lịch trình sống chung với COVID-19. Lịch trình gồm 3 giai đoạn nới lỏng nhằm từng bước trở lại bình thường mới. Giới chức y tế Hàn Quốc cho biết sẽ không chuyển sang giai đoạn 2 nếu xu hướng dịch bệnh tiếp tục tăng.

Số ca mắc mới tại Hàn Quốc ở mức 4 con số kể từ ngày 7/7 đến nay, trong đó ngày 25/9 ghi nhận mức cao nhất với 3.272 ca.

Theo vtv.vn