Thứ 5, 09/05/2024, 19:51[GMT+7]

Chuyện nông dân làm giàu

Thứ 4, 08/08/2018 | 08:23:23
4,073 lượt xem
Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, thời gian qua, nhiều nông dân Thái Bình đã năng động xây dựng mô hình phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Người dân xã Thụy Dân (Thái Thụy) với nghề rèn truyền thống.

Đến làng nghề rèn truyền thống An Tiêm, xã Thụy Dân (Thái Thụy) hỏi anh Nguyễn Thành Trung không ai không biết. Từng có công việc ổn định ở một nhà máy cơ khí nhưng anh vẫn quyết định trở về quê gây dựng cơ nghiệp. Nhờ sự hỗ trợ của các cấp hội nông dân cộng với tinh thần ham học hỏi, không ngừng sáng tạo, đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất, anh trở thành chủ cơ sở sản xuất có tiếng. 

Anh Trung cho biết: Đưa máy móc vào sản xuất đã góp phần giảm sức lao động, năng suất tăng gấp 5 - 6 lần. Trung bình mỗi ngày cơ sở của anh sản xuất 60 - 70 con dao, sản phẩm không chỉ tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành  phố trong nước mà còn xuất khẩu sang Đài Loan, Ba Lan, Lào, Ăng-gô-la... Trung bình mỗi năm gia đình anh thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

Ở thôn Bổng Điền Bắc, xã Tân Lập (Vũ Thư) có mô hình trồng mướp đắng xen cà chua rất độc đáo của nông dân Nguyễn Văn Tấn. Trên diện tích 1.500m2 đất chuyển đổi, ông Tấn làm giàn có mái che kiên cố trồng mướp đắng cho leo lên giàn, cà chua trồng phía dưới, có hệ thống rãnh thoát nước và tưới tự động rất khoa học. 

Chia sẻ về cách làm này, ông Tấn cho biết: Tôi đã đi nhiều nơi tham khảo trồng cây gì trong điều kiện diện tích đất ít mà vẫn cho hiệu quả kinh tế cao, cuối cùng quyết định chọn trồng mướp đắng xen cà chua. Hai loại cây này trồng xen với nhau rất phù hợp, khi mướp leo giàn sẽ tạo bóng mát cho cây cà chua phát triển, sai quả, quả chín đều, mọng đỏ, hạn chế sâu bệnh. 

Với cách làm này, mỗi năm ông Tấn chỉ phải làm đất một lần, cây cà chua và mướp đắng đều sinh trưởng, phát triển tốt, thời gian thu hoạch quả kéo dài 8 tháng, bán trái vụ được giá cao hơn. Mỗi năm gia đình ông Tấn thu lợi từ 80 - 100 triệu đồng từ bán mướp đắng và cà chua, gấp nhiều lần cấy lúa.

17 thành viên tổ hợp tác chăn nuôi Hợp Thành, xã Bách Thuận (Vũ Thư) đều chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.

Cũng chỉ với 500m2 lán trại nhưng ông Vũ Xuân Thọ, thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương) vẫn có thể nuôi 1.000 con thỏ mỗi lứa. Các ô chuồng nuôi thỏ xếp san sát nhau, không tốn diện tích nuôi trong khi đó thỏ dễ nuôi, dễ chăm sóc, sinh sản nhanh, đầu tư chi phí ít mà đầu ra ổn định. Mỗi năm ông Thọ quay vòng nuôi 6 lứa thỏ, cung ứng cho thị trường khoảng 6.000 con thỏ thịt, thu lãi khoảng 200 triệu đồng. 

Ông Thọ cho biết: Hiện tôi đang mở rộng quy mô nuôi thỏ thịt và quy hoạch chuồng nuôi gà để tận dụng nguồn phân nuôi giun quế nhằm nâng cao thu nhập, phấn đấu thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng/năm.

Trên đây chỉ là 3 trong hàng trăm nghìn hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh. Có thể nói, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững thời gian qua đã góp phần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông sản quy mô lớn. Nhiều hội viên nông dân đã liên kết tham gia sản xuất tập trung, quy mô lớn, áp dụng quy trình sản xuất khép kín an toàn sinh học, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản địa phương. Điển hình như mô hình tổ hợp tác chăn nuôi Hợp Thành, xã Bách Thuận (Vũ Thư). 

Ông Nguyễn Như Thỏa, tổ trưởng tổ hợp tác cho biết: Thành viên khi tham gia được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi theo chuỗi an toàn thực phẩm. 17 thành viên đều chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, được cấp giấy chứng nhận. Lợi ích lớn nhất của các thành viên khi liên kết chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP là được cung ứng nguồn giống, thức ăn chất lượng, giá gốc, chăm sóc đàn lợn theo đúng quy trình kỹ thuật, nhờ vậy năng suất đầu ra tăng hơn 30% so với chăn nuôi thông thường. Nhờ liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất đã giúp các thành viên vượt qua cơn “bão” giá lợn hơi giảm năm ngoái, duy trì ổn định chăn nuôi. Hiện tổ hợp tác nuôi 1.800 - 2.000 lợn thịt, 157 lợn nái. Từ đầu năm đến nay các hộ chăn nuôi đều có lãi ở mức cao, khoảng 2,2 - 2,5 triệu đồng/con lợn, nhiều hộ thu lãi hàng trăm triệu đồng từ nuôi lợn.

Có thể khẳng định, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. 

Năm 2018 là năm tổ chức đại hội hội nông dân các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 - 2023. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của công tác hội và phong trào nông dân toàn tỉnh. Hy vọng, trong nhiệm kỳ mới, Thái Bình sẽ có thêm nhiều hơn nữa những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Mạnh Cường