Thứ 2, 06/05/2024, 12:48[GMT+7]

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã: Cần sự quyết tâm và đồng thuận Kỳ 4: Biến quyết tâm chính trị thành hành động (Tiếp theo và hết)

Thứ 4, 13/03/2024 | 20:04:51
2,842 lượt xem
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, là xu thế tất yếu, không thể chậm trễ và không thể đảo ngược. Vì vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thực hiện thành công việc sắp xếp 28 đơn vị hành chính cấp xã với kết quả cao nhất.

Thị trấn Kiến Xương (huyện Kiến Xương).

Mở rộng không gian phát triển

Với thực trạng quy mô về diện tích, dân số của một số địa phương chưa đạt chuẩn theo quy định thì việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở Thái Bình là rất cần thiết. Làm tốt việc này sẽ góp phần tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước. Đồng thời, việc sắp xếp các đơn vị hành chính sẽ tạo điều kiện để cơ cấu lại và lựa chọn, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn của từng vị trí việc làm, lựa chọn được những người có đủ trình độ, năng lực, tâm huyết, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Việc sáp nhập và mở rộng địa giới hành chính của các xã sẽ mở ra cơ hội giúp các địa phương tranh thủ điều kiện, tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

Để tạo cơ hội cho các địa phương phát triển sau sắp xếp, UBND tỉnh đã xây dựng phương án tối ưu nhất, trong đó một số xã nhỏ có điều kiện, nguồn lực hạn chế được sáp nhập với các xã có điều kiện tốt hơn để mở rộng không gian phát triển. Việc sáp nhập các xã còn tạo cơ hội hình thành nguồn quỹ đất dồi dào để thu hút đầu tư, nhân dân tích tụ ruộng đất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao. Sau sáp nhập xã, các đơn vị như trường học, trạm y tế, các đoàn thể cũng sáp nhập, tổ chức lại hoạt động theo đơn vị hành chính mới. Điều này sẽ tạo điều kiện tốt hơn để chăm lo, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, an sinh xã hội...

Vừa qua, Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025 tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ triển khai thực hiện nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Qua phân tích, đánh giá, nhất là bài học kinh nghiệm từ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2021, Ban Chỉ đạo tỉnh thống nhất đánh giá quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở Thái Bình hoàn toàn phù hợp yêu cầu thực tiễn, gắn với thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và thực hiện cải cách chế độ tiền lương, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Các đại biểu cũng đã thảo luận, phân tích kỹ lưỡng những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện sắp xếp 28 đơn vị hành chính cấp xã và đề xuất các giải pháp tháo gỡ. 

Theo ông Trần Hữu Nam, Bí thư Huyện ủy Hưng Hà: Vấn đề quan trọng nhất trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là phải làm tốt công tác tuyên truyền, bố trí cán bộ, công chức dôi dư hợp lý; xây dựng phương án, kịch bản phát triển cho địa phương sau sáp nhập, từ đó sẽ tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Một vấn đề nữa là tỉnh sớm có phương án giải quyết nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản và xây dựng nông thôn mới, phân bổ ngân sách của các địa phương, giải quyết tài sản công...

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Ban Chỉ đạo tỉnh thống nhất các phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chuyên môn nghiên cứu, tham mưu ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương trong thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Tỉnh sẽ thành lập các đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại các địa phương.

Đội ngũ cán bộ, công chức xã Phong Châu (Đông Hưng) luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ.

Cán bộ, đảng viên phải thông, người dân phải hiểu và đồng thuận

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh khẳng định: Mấu chốt trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là cán bộ, đảng viên phải thông, người dân phải hiểu và đồng thuận. Muốn vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp phải làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức rõ nhiệm vụ chính trị, lợi ích của việc sáp nhập xã; phải sắp xếp, bố trí công tác cho đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã hợp lý, nhất là diện dôi dư sau sáp nhập. Quá trình sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức phải xem xét, tính toán kỹ lưỡng về năng lực, trình độ chuyên môn, quá trình cống hiến để giải quyết hài hòa, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho họ, có như vậy mới tạo được thành công cũng như sự ổn định, phát triển của đơn vị hành chính mới. Sau sáp nhập cần có phương án giải quyết thỏa đáng về tài sản công, thủ tục pháp lý liên quan, ưu tiên giải quyết thủ tục hành chính, chuyển đổi các loại giấy tờ cho người dân.

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân là mục tiêu lớn nhất trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, vì vậy những vấn đề đặt ra sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã cần tính toán ngay từ bây giờ. Tinh gọn bộ máy cũng cần đi đôi với đơn giản hóa thủ tục hành chính để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý. Đặc biệt, trong quá trình sắp xếp cần tính đến yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống văn hóa của mỗi địa phương để việc sắp xếp không là “phép cộng” cơ học một cách đơn thuần... Qua lắng nghe tâm tư, nhiều cử tri kiến nghị tỉnh và huyện cần quan tâm, đầu tư nguồn lực thỏa đáng phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông, nâng cao đời sống nhân dân ở những xã sau sáp nhập, đây cũng là cách để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Cùng với tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Quy mô diện tích lớn, dân số đông hơn nên công việc cần giải quyết tại các địa phương sau sáp nhập sẽ nhiều và yêu cầu cao hơn trước, trong khi đội ngũ cán bộ, công chức được định biên theo quy định. Để đáp ứng được yêu cầu công việc, phục vụ người dân tốt hơn đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức ở các xã này phải có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất. Việc sắp xếp, bố trí cán bộ không đơn thuần mang tính cơ học mà phải có sự sàng lọc, nâng cao chất lượng. Về lâu dài, khi được sáp nhập thành xã rộng hơn, quy mô dân số lớn hơn, để đạt được sự tín nhiệm của đông đảo đảng viên và cử tri, mỗi cán bộ, công chức xã đều phải cố gắng học tập nâng cao trình độ, năng lực công tác để phục vụ nhân dân tốt hơn.

Với phương án khả thi, mang tính thực tiễn cao, trên tinh thần quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản, chắc chắn tỉnh ta sẽ thực hiện thành công việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, mở cơ hội phát triển mới, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện thành công Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hiện thực hóa khát vọng xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Nhóm phóng viên

(Tác phẩm tham gia Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ IX, năm 2024)